Thứ Bảy, 29 tháng 4, 2017

Quy định về người lao động cao tuổi

Ls. Trần Hồng Phong giới thiệu

Người lao động cao tuổi là một nội dung được quy định tại Bộ luật lao động (2019) và một số văn bản hướng dẫn thi hành luật. Dưới đây là những nội dung cơ bản. 

Pháp luật có quy định riêng về người lao động cao tuổi (ảnh minh họa)





Ai là "người lao động cao tuổi"?

Theo quy định tại Điều 148 Bộ luật lao động 2019, "người lao động cao tuổi là người tiếp tục lao động sau độ tuổi nghỉ hưu". (>> tham khảo bài tuổi nghỉ hưu trong Blog này). 

Khi cả hai bên cùng có nhu cầu, người sử dụng lao động có thể ký hợp đồng lao động với người lao động cao tuổi có đủ sức khỏe. Cụ thể là có thể kéo dài thời hạn hợp đồng lao động (đối với hợp đồng lao động đang có); hoặc giao kết hợp đồng lao động mới. 

Việc giao kết hợp đồng lao động với NLĐ cao tuổi cần xem xét, áp dụng phù hợp với những quy định về người lao động cao tuổi trong BLLĐ 2019. 

Ví dụ: Bà A là người lao động tại công ty X, nay đến tuổi nghỉ hưu (55 tuổi). Tuy nhiên bà X có nguyện vọng được tiếp tục làm việc tại công ty, sức khỏe tốt và công ty X cũng muốn tiếp tục sử dụng bà A vì bà có kiến thức, kinh nghiệm và quan hệ tốt với khách hàng. Theo đó, dù bà A đã hoàn tất thủ tục nghỉ hưu, hai bên ký kết hợp đồng lao động mới thời hạn 1 năm. Trong trường hợp này, bà A chính là "người lao động cao tuổi".

* Quy định về người lao động cao tuổi tại Bộ luật lao động 2019:

Điều 148. Người lao động cao tuổi

1. Người lao động cao tuổi là người tiếp tục lao động sau độ tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật này.

2. Người lao động cao tuổi có quyền thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc rút ngắn thời giờ làm việc hằng ngày hoặc áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian.

3. Nhà nước khuyến khích sử dụng người lao động cao tuổi làm việc phù hợp với sức khỏe để bảo đảm quyền lao động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực.

Điều 149. Sử dụng người lao động cao tuổi

1. Khi sử dụng người lao động cao tuổi, hai bên có thể thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn.

2. Khi người lao động cao tuổi đang hưởng lương hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội mà làm việc theo hợp đồng lao động mới thì ngoài quyền lợi đang hưởng theo chế độ hưu trí, người lao động cao tuổi được hưởng tiền lương và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật, hợp đồng lao động.

3. Không được sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người lao động cao tuổi, trừ trường hợp bảo đảm các điều kiện làm việc an toàn.

4. Người sử dụng lao động có trách nhiệm quan tâm chăm sóc sức khỏe của người lao động cao tuổi tại nơi làm việc.
.......

* Tham khảo quy định "cũ" (chỉ có ý nghĩa tham khảo, chúng tôi sẽ biên tập lại bài viết này):

Điều 166 và 167 Bộ luật lao động 2012 quy định như sau về hợp đồng lao động với NLĐ cao tuổi: 

- Có sự thoả thuận giữa hai bên, ký thành hợp đồng lao động.

- Người lao động cao tuổi phải có đủ sức khỏe. (Được hiểu là hàng năm tối thiểu một lần, phải có Phiếu khám sức khỏe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp, xác nhận đủ sức khỏe để làm việc).

-  Người lao động cao tuổi được rút ngắn thời giờ làm việc hằng ngày hoặc được áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian.

-  Khi đã nghỉ hưu, nếu làm việc theo hợp đồng lao động mới, thì ngoài quyền lợi đang hưởng theo chế độ hưu trí, người lao động cao tuổi vẫn được hưởng quyền lợi đã thoả thuận theo hợp đồng lao động.

- Không được sử dụng người lao động cao tuổi làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ người lao động cao tuổi, trừ trường hợp đặc biệt theo quy định của Chính phủ.

- Người sử dụng lao động có trách nhiệm quan tâm chăm sóc sức khoẻ của người lao động cao tuổi tại nơi làm việc.

Do đặc điểm về sức khỏe của Người lao động cao tuổi, với yêu cầu phải có Phiếu khám sức khỏe định kỳ hàng năm, cho nên mặc dù luật không quy định rõ, thì doanh nghiệp vẫn nên và chỉ nên chọn hình thức "hợp đồng xác định thời hạn" (thời hạn 12 tháng) - vì đây là hình thức phù hợp nhất.

Sau đó, khi hết hạn hợp đồng, nếu hai bên tiếp tục có nhu cầu, và NLĐ cao tuổi vẫn bảo đảm về sức khỏe để có thể làm việc, thì hai bên có thể gia hạn hợp đồng lao động theo từng năm.

Tại Bộ luật lao động 2012 không quy định giới hạn về thời hạn ký kết với NLĐ cao tuổi, mà chỉ quy định về điều kiện sức khỏe, nên có thể hiểu là hai bên có thể ký và gia hạn hợp đồng lao động nhiều lần.

3. Phải chấm dứt hợp đồng lao động khi người cao tuổi không có đủ sức khỏe làm việc

Liên quan đến hợp đồng lao động đối với người cao tuổi, tại Khoản 2 điều 6 Nghị định 05/2015/NĐ-CP (sửa đổi theo Nghị định 148/2018/NĐ-CP) quy định như sau:

"Khi người sử dụng lao động không có nhu cầu hoặc người lao động cao tuổi không có đủ sức khỏe thì hai bên thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động".

Như vậy, có thể thấy yếu tố SỨC KHỎE quyết định sự tồn tại về hợp đồng lao động giữa hai bên. Tức là khi NLĐ không bảo đảm sức khỏe để làm việc, thì dù đang trong thời gian hợp đồng, bắt buộc các bên vẫn phải chấm dứt hợp đồng lao động. (Việc xác định hay kết luận về tình trạng sức khỏe phải do cơ quan y tế có thẩm quyền thực hiện).

Quy định này có thể hiểu là NSDLĐ có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ khi NLĐ cao tuổi không có đủ sức khỏe để làm việc (điều này cũng tốt cho NLĐ).

4. Việc sử dụng người lao động cao tuổi làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm 

Như đã nêu ở trên, trong một số trường hợp đặc biệt và theo quy định của Chính phủ, có thể sử dụng người lao động cao tuổi làm công việc thuộc dạng nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (theo tiêu chí và quy định của Chính phủ).

Liên quan đến vấn đề này, tại Điều 11 Nghị định số 45/2013/NĐ-CP quy định như sau:

Điều 11. Sử dụng người lao động cao tuổi làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm

1. Việc sử dụng người lao động cao tuổi làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm chỉ được thực hiện khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Người lao động cao tuổi có kinh nghiệm, tay nghề cao với thâm niên nghề nghiệp từ đủ 15 năm trở lên; được cấp chứng nhận hoặc chứng chỉ nghề hoặc được công nhận là nghệ nhân theo quy định của pháp luật;
b) Người lao động cao tuổi có đủ sức khỏe theo tiêu chuẩn do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành đối với nghề, công việc;
c) Sử dụng có tính thời điểm; không quá 05 năm đối với từng người lao động;
d) Phải khám sức khỏe định kỳ ít nhất 02 lần trong một năm;
đ) Có ít nhất 01 người lao động không phải là người lao động cao tuổi cùng làm việc.

2. Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều này, Bộ, cơ quan ngang Bộ quy định chức danh nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và các điều kiện cụ thể đối với từng trường hợp đặc biệt sử dụng người lao động cao tuổi trong lĩnh vực, ngành, nghề thuộc thẩm quyền quản lý.

Do vậy, các doanh nghiệp cần phải lưu ý thực hiện đúng.

..................

Bài liên quan:


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét