Thứ Tư, 24 tháng 2, 2021

Hợp đồng lao động vô hiệu

Ls. Trần Hồng Phong giới thiệu

Hợp đồng lao động vô hiệu (hay có thể nói một cách đơn giản dễ hiểu là "không có giá trị pháp lý") là trường hợp toàn bộ hoặc một phần của bản Hợp đồng lao động đã ký giữa hai bên bị Tòa án có thẩm quyền tuyên bố "vô hiệu". Mục đích của việc xác minh và kết luận (tuyên) hợp đồng lao động vô hiệu hay không vô hiệu - nhằm làm sáng tỏ mối quan hệ lao động (hợp đồng lao động) đang tồn tại giữa hai bên là đúng hay chưa/không đúng quy định của pháp luật. Trên cơ sở đó, phía Người sử dụng lao động phải có sự bổ sung và/hoặc sửa đổi những nội dung chưa đúng - theo hướng đúng pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động.

Những nội dung trái pháp luật trong hợp đồng lao động bị tuyên vô hiệu không có giá trị pháp lý và phải được sửa lại cho đúng luật (ảnh minh họa)

Vấn đề hợp đồng lao động vô hiệu, hay cụ thể hơn, là những trường hợp nào thì hợp đồng lao động bị xác định (tuyên bố) là vô hiệu, ai có thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu? - được quy định tại Bộ luật lao động (năm 2019) và các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật lao động.

Ví dụ: Công ty A ký hợp đồng lao động với anh B làm kế toán tại công ty. Trong quá trình làm việc, anh B liên tục bị giám đốc công ty A chỉ đạo làm những công việc không đúng theo thỏa thuận trong hợp đồng (chẳng hạn là làm công việc bán hàng). Anh B liền khiếu nại lên Liên đoàn lao động quận. Liên đoàn lao động đã cử Đoàn thanh tra làm việc, và phát hiệu Hợp đồng lao động giữa Công ty A và anh B, về phía công ty, do phó giám đốc ký nhưng chưa được sự ủy quyền của Giám đốc công ty. Theo đó, Thanh tra lao động đã xác định hợp đồng lao động giữa hai bên là "vô hiệu" do người ký kết hợp đồng lao động không có thẩm quyền. Đồng thời yêu cầu Công ty A phải chấm dứt việc yêu cầu anh B phải làm những công việc không đúng theo thỏa thuận giữa hai bên trong hợp đồng.

Dưới đây là quy định tại Bộ luật lao động (năm 2019): 

.........

Các trường hợp HĐLĐ bị xác định là "vô hiệu"

Có 2 trường hợp "vô hiệu" của HĐLĐ: vô hiệu toàn bộ và vô hiệu từng phần. 

- Vô hiệu toàn bộ là toàn bộ hợp đồng đều bị xác định là vô hiệu, không có giá trị pháp lý. 

- Vô hiệu từng phần là chỉ phần bị xác định là vi phạm pháp luật mới bị xem là vô hiệu, không có giá trị pháp lý. Những phần còn lại không bị ảnh hưởng, vẫn có giá trị, ràng buộc quyền và nghĩa vụ giữa các bên.

* Theo quy định tại Khoản Điều 49 BLLĐ 2019, HĐLĐ bị tuyên bố  "vô hiệu toàn bộ"  trong trường hợp sau đây:

a) Toàn bộ nội dung của hợp đồng lao động vi phạm pháp luật;

b) Người giao kết hợp đồng lao động không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động quy định tại khoản 1 Điều 15 của Bộ luật này;

c) Công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động là công việc mà pháp luật cấm.


Ví dụ: Công ty A ký kết HĐLĐ với anh B, nội dung công việc là anh B đi "đòi nợ thuê". Hiện nay ngành nghề "đòi nợ thuê" bị cấm, do vậy HĐLĐ giữa công ty A và anh B bị xác định là vô hiệu toàn bộ.

* Theo quy định tại Khoản 2 Điều 49 BLLĐ 2019, Hợp đồng lao động bị tuyên bố "vô hiệu từng phần" khi:

Trong HĐLĐ có những phần/nội dung vi phạm pháp luật, nhưng không ảnh hưởng đến các phần còn lại của hợp đồng.

Ví dụ: Công ty A và anh B ký HĐLĐ có nội quy quy định anh A làm bảo vệ, thời gian làm việc liên tục 16 giờ mỗi ngày (2 ca). Thời gian làm việc này là trái luật (vượt quá quy định), còn những nội dung khác trong HĐLĐ đều đúng luật và không bị ảnh hưởng. Do vậy, chỉ riêng thời gian làm việc bị xác định là vô hiệu. 

Toà án là nơi có thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu

Cần lưu ý là chỉ có Toà án, là nơi duy nhất có thẩm quyền xem xét và tuyên bố một HĐLĐ có bị kết luận là vô hiệu hay không? vô hiệu toàn bộ hay vô hiệu từng phần?

Điều này được hiểu là khi phía NLĐ cho rằng quyền lợi hợp pháp của mình bị xâm hại, nội dung HĐLĐ mà mình đã ký không đúng pháp luật, thì cần khiếu nại, thoả thuận lại với phía NSDLĐ. Nếu hau bên không đạt được sự thống nhất và cách hiểu, thì phía NLĐ có quyền khởi kiện ra Toà án, đề nghị Toà án xem xét và tuyên bố HĐLĐ của mình vô hiệu và yêu cầu phía NSDLĐ bồi thường, khắc phục.   

Xử lý hợp đồng lao động vô hiệu

1. Khi hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu từng phần thì xử lý như sau:

a) Quyền, nghĩa vụ và lợi ích của hai bên được giải quyết theo thỏa ước lao động tập thể đang áp dụng; trường hợp không có thỏa ước lao động tập thể thì thực hiện theo quy định của pháp luật;

b) Hai bên tiến hành sửa đổi, bổ sung phần của hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu để phù hợp với thỏa ước lao động tập thể hoặc pháp luật về lao động.

2. Khi hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động được giải quyết theo quy định của pháp luật; trường hợp do ký sai thẩm quyền thì hai bên ký lại.

Các vấn đề chi tiết và cụ thể, liên quan đến HĐLĐ vô hiệu sẽ do Chính phủ quy định, hướng dẫn.

...............

* Quy định tại BLLĐ 2019:


Mục 4. HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG VÔ HIỆU

Điều 49. Hợp đồng lao động vô hiệu

1. Hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ trong trường hợp sau đây:

a) Toàn bộ nội dung của hợp đồng lao động vi phạm pháp luật;

b) Người giao kết hợp đồng lao động không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động quy định tại khoản 1 Điều 15 của Bộ luật này;

c) Công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động là công việc mà pháp luật cấm.

2. Hợp đồng lao động vô hiệu từng phần khi nội dung của phần đó vi phạm pháp luật nhưng không ảnh hưởng đến các phần còn lại của hợp đồng.

Điều 50. Thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu

Tòa án nhân dân có quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu.

Điều 51. Xử lý hợp đồng lao động vô hiệu

1. Khi hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu từng phần thì xử lý như sau:

a) Quyền, nghĩa vụ và lợi ích của hai bên được giải quyết theo thỏa ước lao động tập thể đang áp dụng; trường hợp không có thỏa ước lao động tập thể thì thực hiện theo quy định của pháp luật;

b) Hai bên tiến hành sửa đổi, bổ sung phần của hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu để phù hợp với thỏa ước lao động tập thể hoặc pháp luật về lao động.

2. Khi hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động được giải quyết theo quy định của pháp luật; trường hợp do ký sai thẩm quyền thì hai bên ký lại.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

......

Bài liên quan:
  • Trình tự, thủ tục tuyên bố HĐLĐ vô hiệu của Thanh tra lao động & Xử lý HĐLĐ vô hiệu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét