Thứ Tư, 3 tháng 5, 2017

Quy chế thực hiện dân chủ tại nơi làm việc


Ls Trần Hồng Phong giới thiệu

Theo quy định tại Bộ luật lao động 2012, thì tại mỗi doanh nghiệp phải tổ chức những cuộc “đối thoại tại nơi làm việc”, thông qua việc trao đổi trực tiếp giữa người lao động và người sử dụng lao động nhằm bảo đảm việc “thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”. Theo đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 60/2013 hướng dẫn về vấn đề này. Mà một trong những nội dung chính là doanh nghiệp phải xây dựng Quy chế thực hiện dân chủ tại nơi làm việc.

(ảnh minh họa)


Dưới đây là một Quy chế thực hiện dân chủ tại nơi làm việc mà Công ty luật Ecolaw đã dự thảo cho khách hàng là một doanh nghiệp lớn tại Việt Nam. Mời quý vị tham khảo để triển khai tại doanh nghiệp của mình.

----------------------------

QUY CHẾ
THỰC HIỆN DÂN CHỦ TẠI NƠI LÀM VIỆC

- Căn cứ quy định tại Khoản 3 Điều 63 của Bộ luật Lao động về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.
- Căn cứ quy định tại Nghị định 60/2013 ngày 19/6/2013 của Chính phủ.
- Sau khi lấy ý kiến của Ban chấp hành công đoàn và đại diện tập thể người lao động.

Công ty TNHH ABC ban hành bản quy chế này, quy định về hình thức thực hiện dân chủ tại nơi làm việc.

Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và áp dụng

Quy chế này quy định về việc thực hiện dân chủ ở cơ sở và hình thức thực hiện dân chủ tại nơi làm việc ở công ty ABC. Người lao động làm việc theo hợp đồng tại công ty ABC và Người sử dụng lao động là đối tượng áp dụng quy chế này.

Điều 2. Nguyên tắc thực hiện

Người sử dụng lao động bảo đảm:

- Tôn trọng, bảo đảm các quyền dân chủ của người lao động làm việc tại công ty.

- Công khai, minh bạch quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.

- Không trù dập, phân biệt đối xử với người tham gia đối thoại, người khiếu nại, tố cáo.

Chương 2:
NỘI DUNG QUY CHẾ DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ TẠI NƠI LÀM VIỆC

Điều 3. Những nội dung Người sử dụng lao động công khai

1. Kế hoạch sản xuất, kinh doanh và tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh của công ty và các bộ phận.

2. Nội quy lao động; quy chế tuyển dụng, sử dụng lao động; định mức lao động; thang, bảng lương, quy chế nâng bậc lương, quy chế trả lương, trả thưởng; trang bị bảo hộ lao động, quy trình vận hành máy, thiết bị, an toàn lao động, vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ; bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ; thi đua, khen thưởng, kỷ luật.

3. Tình hình thực hiện các chế độ, chính sách tuyển dụng, sử dụng lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề, tiền lương, tiền thưởng, khấu trừ tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế cho người lao động.

4. Thỏa ước lao động tập thể.

5. Việc trích lập và sử dụng quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, các quỹ do người lao động đóng góp.

6. Việc trích nộp kinh phí công đoàn, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

7. Tài chính hàng năm liên quan đến người lao động.

8. Điều lệ hoạt động của công ty.

Điều 4. Những nội dung Người lao động được tham gia đóng góp ý kiến

1. Xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung Nội quy lao động và các quy chế, quy định được công khai tại doanh nghiệp.

2. Các giải pháp tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ.

3. Việc xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung Thỏa ước lao động tập thể.

4. Nghị quyết hội nghị người lao động.

5. Quy trình, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động, xử lý kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất.

6. Các nội dung khác liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người lao động theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Những nội dung Người lao động được quyền quyết định

1. Giao kết, thực hiện hợp đồng lao động, sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật.

2. Thương lượng Thỏa ước lao động tập thể.

3. Thông qua nghị quyết Hội nghị người lao động.

4. Gia nhập hoặc không gia nhập tổ chức công đoàn, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

5. Tham gia hoặc không tham gia đình công.

6. Các nội dung khác theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Những nội dung người lao động được kiểm tra, giám sát

1. Việc thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh của công ty.

2. Thực hiện hợp đồng lao động và các chế độ, chính sách đối với người lao động theo quy định của pháp luật.

3. Thực hiện Nội quy lao động và các quy chế, quy định doanh nghiệp công khai, công bố.

4. Thực hiện thỏa ước lao động tập thể, nghị quyết hội nghị người lao động, nghị quyết hội nghị tổ chức công đoàn cơ sở.

5. Việc trích lập và sử dụng quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, các quỹ do người lao động đóng góp; trích nộp kinh phí công đoàn, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

6. Tình hình thi đua, khen thưởng, kỷ luật; khiếu nại, tố cáo và kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo; kết luận của thanh tra, kiểm toán và thực hiện các kiến nghị của thanh tra, kiểm toán liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động.

7. Thực hiện điều lệ doanh nghiệp.

8. Thực hiện các nội dung của quy chế dân chủ quy định tại Nghị định 60/2013.

Chương 3

HÌNH THỨC THỰC HIỆN DÂN CHỦ TẠI NƠI LÀM VIỆC
Mục 1: ĐỐI THOẠI TẠI NƠI LÀM VIỆC

Điều 7. Tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc

1. Đối thoại giữa người sử dụng lao động và đại diện tập thể lao động:

Mỗi quý (3 tháng) một lần, người sử dụng lao động sẽ định kỳ chủ trì, phối hợp với tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở thực hiện việc trao đổi, thảo luận các nội dung quy định tại chương II quy chế này.

Trường hợp thời gian tổ chức đối thoại định kỳ trùng với thời gian tổ chức hội nghị người lao động quy định mục 2 chương 3 quy chế này thì doanh nghiệp không phải tổ chức đối thoại định kỳ.

2. Người sử dụng lao động có trách nhiệm:

- Bố trí địa điểm, thời gian và các điều kiện vật chất cần thiết cho đối thoại;

- Cử thành viên đại diện cho bên người sử dụng lao động tham gia đối thoại;

- Tổ chức đối thoại đúng định kỳ.

3. Tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở có trách nhiệm:

- Tham gia ý kiến vào quy chế đối thoại định kỳ tại nơi làm việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động;

- Tổ chức bầu các thành viên đại diện cho bên tập thể lao động tham gia đối thoại tại hội nghị người lao động;

- Phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức thực hiện đối thoại định kỳ tại nơi làm việc
.
Điều 8. Số lượng, thành phần, tiêu chuẩn thành viên tham gia đối thoại định kỳ tại nơi làm việc

1. Mỗi bên tham gia đối thoại sẽ cử từ 3-5 người. Số lượng cụ thể của mỗi bên sẽ thống nhất trước ngày đối thoại.

2. Thành phần tham gia đối thoại gồm:

a) Phía Người sử dụng lao động: thành viên Ban giám đốc công ty hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền hợp pháp và các thành viên đại diện cho bên người sử dụng lao động do người sử dụng lao động cử;

b) Ban chấp hành công đoàn cơ sở và và các thành viên đại diện cho bên tập thể người lao động do hội nghị người lao động bầu;

3. Thành viên tham gia đối thoại định kỳ phải là người có uy tín, làm việc tại công ty tối thiếu 12 tháng trở lên và đang không bị bất kỳ hình thức kẻ luật lao động nào.

Điều 9. Quy trình đối thoại định kỳ tại nơi làm việc

1. Chuẩn bị nội dung, thời gian, địa điểm và thành phần tham gia đối thoại:

a) Sau 60 ngày kể từ ngày kết thúc lần đối thoại trước liền kề, người sử dụng lao động và Chủ tịch công đoàn cơ sở tổng hợp nội dung và gửi nội dung yêu cầu đối thoại cho bên đối thoại;

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được nội dung yêu cầu đối thoại, người sử dụng lao động và Chủ tịch công đoàn cơ sở thống nhất nội dung, thời gian, địa điểm, thành phần tham gia đối thoại định kỳ tại nơi làm việc;

c) Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày hai bên thống nhất nội dung, thời gian, địa điểm, thành phần tham gia đối thoại định kỳ tại nơi làm việc, người sử dụng lao động ra “Quyết định tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc”, nội dung ghi rõ ngày giờ và địa điểm tổ chức đối thoại. Quyết định này phải được gửi đến Chủ tịch công đoàn cơ sở và các thành viên tham gia đối thoại ít nhất 05 ngày làm việc trước ngày tổ chức đối thoại;

d) Người sử dụng lao động và Chủ tịch công đoàn cơ sở phân công các thành viên tham gia đối thoại của mỗi bên chuẩn bị nội dung, số liệu, tài liệu liên quan cho đối thoại.

2. Tổ chức đối thoại:

a) Đối thoại được tổ chức tại địa điểm và thời gian ghi trong Quyết định.

b) Đối thoại chỉ được tiến hành với sự có mặt ít nhất 2/3 số thành viên đại diện cho mỗi bên. Trường hợp cuộc đối thoại không đủ 2/3 số thành viên đại diện cho mỗi bên, người sử dụng lao động quyết định hoãn cuộc đối thoại vào thời gian sau đó song thời gian hoãn tối đa không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức cuộc đối thoại bị hoãn;

c) Trong quá trình đối thoại, các thành viên tham gia đối thoại có trách nhiệm cung cấp thông tin, số liệu, tư liệu, trao đổi, thảo luận dân chủ các nội dung đối thoại.

d) Diễn biến, nội dung đối thoại được lập thành “Biên bản cuộc đối thoại”.

3. Kết thúc đối thoại:

a) Người sử dụng lao động và Chủ tịch công đoàn cơ sở ký vào Biên bản cuộc đối thoại và đóng dấu công ty. Biên bản cuộc đối thoại ghi rõ những nội dung đã thống nhất và các biện pháp tổ chức thực hiện; những nội dung chưa thống nhất và thời gian tiến hành đối thoại những nội dung chưa thống nhất.

Biên bản cuộc đối thoại được lập thành 03 bản và có giá trị như nhau, mỗi bên tham gia đối thoại giữ một bản và một bản lưu tại doanh nghiệp;

b) Người sử dụng lao động có trách nhiệm niêm yết công khai Biên bản cuộc đối thoại tại bảng tin công ty.

Điều 10. Đối thoại khi một bên có yêu cầu

1. Trường hợp một bên có yêu cầu tổ chức đối thoại thì trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được nội dung yêu cầu đối thoại, người sử dụng lao động có trách nhiệm chủ trì phối hợp với tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở tổ chức đối thoại.

2. Số lượng, thành phần tham gia đối thoại và trách nhiệm của các bên trong tổ chức đối thoại thực hiện tương tự như đối thoại định kỳ tại nơi làm việc.

Mục 2: HỘI NGHỊ NGƯỜI LAO ĐỘNG

Điều 11. Hội nghị người lao động

1. Mỗi năm (12 tháng), công ty sẽ tổ chức Hội nghị người lao động một lần.

2. Hội nghị người lao động được tổ chức theo hình thức hội nghị đại biểu.

Điều 12. Trách nhiệm tổ chức Hội nghị người lao động

1. Người sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng quy chế tổ chức hội nghị người lao động, bố trí địa điểm, thời gian, các điều kiện vật chất cần thiết và tổ chức hội nghị người lao động. Quy chế tổ chức hội nghị người lao động được ban hành sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và phải được phổ biến công khai đến người lao động trong doanh nghiệp.

2. Tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở có trách nhiệm phối hợp với người sử dụng lao động tham gia xây dựng và thực hiện quy chế tổ chức hội nghị người lao động.

Điều 13. Thành phần tham gia hội nghị người lao động

1. Thành phần tham gia hội nghị đại biểu bao gồm:

a) Đại biểu đương nhiên gồm thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc, Kế toán trưởng, Ban chấp hành công đoàn cơ sở.

b) Đại biểu bầu là những người được hội nghị người lao động cấp phòng, ban, bầu với số lượng 50 đại biểu cho toàn công ty.

2. Đại biểu trúng cử phải đạt trên 50% tổng số phiếu bầu hợp lệ; trường hợp phát sinh trong quá trình bầu cử được quy định như sau:

a) Trường hợp nhiều người cùng đạt trên 50% tổng số phiếu bầu hợp lệ thì lấy theo thứ tự từ người có số phiếu cao nhất trở xuống cho đến khi đủ số đại biểu được phân bổ;

b) Trường hợp bầu lần thứ nhất số người trúng cử chưa đủ số lượng đại biểu được phân bổ thì tiếp tục bầu các lần tiếp theo cho đến khi có đủ số đại biểu;

Điều 14. Nội dung hội nghị người lao động

1. Hội nghị người lao động thảo luận các nội dung sau:

a) Tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và những nội dung trực tiếp liên quan đến việc làm của người lao động, lợi ích của doanh nghiệp;

b) Kết quả kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy, các quy định, quy chế của doanh nghiệp;

c) Tình hình khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo;

d) Điều kiện làm việc và các biện pháp cải thiện điều kiện làm việc;

đ) Kiến nghị, đề xuất của mỗi bên;

e) Các nội dung khác mà hai bên quan tâm.

2. Bầu thành viên đại diện cho tập thể lao động tham gia đối thoại định kỳ.

3. Thông qua nghị quyết hội nghị người lao động.

Điều 15. Quy trình tổ chức Hội nghị người lao động

1. Bầu đoàn chủ tịch và thư ký hội nghị.

2. Báo cáo tư cách đại biểu tham dự hội nghị.

3. Báo cáo của người sử dụng lao động

4. Báo cáo của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.

5. Đại biểu thảo luận.

6. Bầu thành viên đại diện cho tập thể lao động tham gia đối thoại định kỳ.

7. Biểu quyết thông qua nghị quyết hội nghị người lao động.

Điều 16. Phổ biến, triển khai, giám sát thực hiện nghị quyết hội nghị người lao động

1. Người sử dụng lao động có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở phổ biến kết quả hội nghị người lao động đến toàn thể người lao động và tổ chức triển khai nghị quyết hội nghị người lao động trong doanh nghiệp.

2. Tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở có trách nhiệm phối hợp với người sử dụng lao động phổ biến kết quả hội nghị người lao động đến toàn thể người lao động trong doanh nghiệp; tổ chức kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện nghị quyết hội nghị người lao động trong doanh nghiệp.

3. Đại biểu tham dự hội nghị người lao động có trách nhiệm phổ biến kết quả và nghị quyết hội nghị người lao động đến những người lao động không tham dự hội nghị người lao động ở các phòng ban, phân xưởng, tổ, đội sản xuất nơi bầu mình làm đại diện tham dự hội nghị đại biểu.

Mục 3: CÁC HÌNH THỨC THỰC HIỆN DÂN CHỦ KHÁC

Điều 17. Các hình thức thực hiện dân chủ khác

1. Cung cấp và trao đổi thông tin tại các cuộc họp lãnh đạo chủ chốt khi nội dung họp liên quan đến các vấn đề về dân chủ cơ sở, quyền lợi của người lao động.

2. Cung cấp thông tin về dân chủ tại nơi làm việc qua hệ thống truyền thanh, thông tin nội bộ, mạng internet hoặc bằng văn bản gửi đến từng người lao động, phòng, ban, phân xưởng.

3. Tổ chức Hòm thư góp ý kiến, đặt công khai tại nơi làm việc.

4. Tích cực xem xét, giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người lao động.

Chương 4

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 18. Hiệu lực thi hành

Quy chế này có hiệu lực từ ngày 15 tháng 8 năm 2014.

Việc thay đổi, bổ sung nội dung quy chế sẽ được tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và phổ biến công khai đến người lao động trước khi thực hiện.

TM. CÔNG TY
TỔNG GIÁM ĐỐC (ký, đóng dấu)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét