Thứ Ba, 2 tháng 5, 2017

Quy định về thử việc

Ls. Trần Hồng Phong giới thiệu

Thử việc là việc Người sử dụng lao động/doanh nghiệp mời Người xin việc vào làm việc thử một thời để đánh giá năng lực, sự phù hợp ... trước khi quyết định có chính thức ký hợp đồng lao động hay không. Các vấn đề liên quan đến thử việc được quy định tại Bộ luật lao động (năm 2019) và một số văn bản hướng dẫn thi hành luật.



Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ thỏa thuận thử việc bất kỳ lúc nào (ảnh minh họa)


Dưới đây là nội dung chi tiết.

I. Cơ sở pháp lý:

- Bộ luật lao động 2019.

II. Các quy định về thử việc: 

1. Thỏa thuận thử việc

Theo quy định tại Điều 24 Bộ luật lao động 2019, Người sử dụng lao động và người lao động có thể thoả thuận về việc làm thử, quyền, nghĩa vụ của hai bên trong thời gian thử việc. Nếu có thoả thuận về việc làm thử thì các bên có thể giao kết hợp đồng thử việc.

Giải thích: Luật lao động không quy định bắt buộc hai bên phải ký Hợp đồng thử việc bằng văn bản. Tuy nhiên, tốt nhất là hai bên nên thỏa thuận và ký Hợp đồng thử việc bằng văn bản, để tránh những tranh chấp không đáng có.

Nội dung hợp đồng thử việc phải có các nội dung sau đây: (thuộc Khoản 1 Điều 21 BLLĐ 2019)

a) Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động;

b) Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động;

c) Công việc và địa điểm làm việc;

d) Thời hạn của hợp đồng lao động;

g) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;

h) Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;

Lưu ý: Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động thuộc dạng mùa vụ thì không phải thử việc.

2. Thời gian thử việc

Theo quy định tại Điều 25 BLLĐ 2019, thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc một lần đối với một công việc và bảo đảm điều kiện sau đây:

1. Không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;

2. Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;

3. Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ;

4. Không quá 06 ngày làm việc đối với công việc khác.


3. Tiền lương trong thời gian thử việc

Theo quy định tại Điều 26 BLLĐ 2019, tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.

Giải thích và ví dụ: Giả sử công ty A thông báo tuyển dụng, sau đó phỏng vấn chị B vào làm "nhân viên kế toán" tại công ty với mức lương khởi điểm dự kiến là 6.000.000 đồng. Sau khi phỏng vấn, công ty mời chị A thử việc trong thời gian 60 ngày (2 tháng). Như vậy, mức lương mỗi tháng công ty A trả chị B (lương thử việc) không được thấp hơn 85% của 6.000.000 đồng.

Trên thực tế, có một số doanh nghiệp lợi dung quy định này, để liên tục mời người vào làm việc thật sự, theo theo danh nghĩa và hình thức là "thử việc". Sau đó công ty không ký hợp đồng lao động mà lại mời người khác vào "thử việc". Tuy nhiên điều này có vẻ không ổn.

Lưu ý: (chúng tôi sẽ cập nhật lại nội dung phần này)

- Trong thời gian thử việc, phía NSDLĐ không phải đóng tiền BHXH cho NLĐ thử việc (vì không thuộc đối tượng tham gia BHXH theo quy định tại Luật BHXH). Tuy nhiên, có một điểm cần lưu ý là theo quy định tại Khoản 3 Điều 186 Bộ luật Lao động (2012) thì:

"3. Đối với người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp thì ngoài việc trả lương theo công việc, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp".

Quy định trên, có thể hiểu (theo hướng có lợi cho người thử việc - xem như là "người lao động") là: Mặc dù không phải là đối tượng được tham gia BHXH, nhưng Công ty có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương cho người thử việc/Người lao động một khoản tiền tương đương với tỷ lệ mức đóng BHXH bắt buộc thuộc phần trách nhiệm của công ty là 22%. (Cụ thể bao gồm: BHXH 18%, BHYT 3%, BHTN 1%).

4. Kết thúc thời gian thử việc & Thông báo kết quả thử việc

Sau thời gian thử việc, nếu phía Người sử dụng lao động thấy Người thử việc đạt yêu cầu, thì hai bên sẽ chính thức ký/giao kết hợp đồng lao động đầu tiên. Ngược lại, nếu không đạt yêu cầu, thì Người sử dụng lao động có quyền từ chối, không ký hợp đồng lao động.

Theo quy định tại Điều 27 BLLĐ 2019, khi kết thúc thời gian thử việc, người sử dụng lao động phải thông báo kết quả thử việc cho người lao động.

Trường hợp thử việc đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết (đối với trường hợp thỏa thuận thử việc trong hợp đồng lao động) hoặc phải giao kết hợp đồng lao động đối với trường hợp giao kết hợp đồng thử việc.

Trường hợp thử việc không đạt yêu cầu thì chấm dứt hợp đồng lao động đã giao kết hoặc hợp đồng thử việc.

5. Mỗi bên có quyền huỷ bỏ hợp đồng thử việc mà không cần báo trước và không phải bồi thường

Đáng lưu ý, là tại Khoản 2 Điều 27 BLLĐ 2019 quy định trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường. 

Từ những quy định trên, người sử dụng lao động lưu ý:

-  Tốt nhất trong thời hạn 03 ngày trước khi kết thúc thời gian thử việc, NSDLĐ phải thông báo cho người lao động kết quả công việc người lao động đã làm thử.

- Trường hợp công việc làm thử đạt yêu cầu thì trong khoảng 1 tuần sau khi kết thúc thời gian thử việc, NSDLĐ phải giao kết/ký hợp đồng lao động với NLĐ. Trên cơ sở thoả thuận, tuân thủ các quy định về giao kết HĐLĐ.

- Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền huỷ bỏ thoả thuận thử việc mà không cần báo trước và không phải bồi thường nếu việc làm thử không đạt yêu cầu mà hai bên đã thoả thuận. Khái niệm "Không cần báo trước" ở đây được hiểu là vẫn cần phải thông báo (tốt nhất là bằng văn bản) nhưng chỉ một lần, có thể có hiệu lực ngay lập tức kể từ lúc thông báo.  

...................

* Nguồn tham khảo:

* Quy định tại BLLĐ 2019:

Điều 24. Thử việc

1. Người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận về thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc.

2. Nội dung chủ yếu của hợp đồng thử việc gồm thời gian thử việc và nội dung quy định tại các điểm a, b, c, đ, g và h khoản 1 Điều 21 của Bộ luật này.

3. Không áp dụng thử việc đối với người lao động giao kết hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng.

Điều 25. Thời gian thử việc

Thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc một lần đối với một công việc và bảo đảm điều kiện sau đây:

1. Không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;

2. Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;

3. Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ;

4. Không quá 06 ngày làm việc đối với công việc khác.

Điều 26. Tiền lương thử việc

Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.

Điều 27. Kết thúc thời gian thử việc

1. Khi kết thúc thời gian thử việc, người sử dụng lao động phải thông báo kết quả thử việc cho người lao động.

Trường hợp thử việc đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết đối với trường hợp thỏa thuận thử việc trong hợp đồng lao động hoặc phải giao kết hợp đồng lao động đối với trường hợp giao kết hợp đồng thử việc.

Trường hợp thử việc không đạt yêu cầu thì chấm dứt hợp đồng lao động đã giao kết hoặc hợp đồng thử việc.

2. Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường.

Bài liên quan:
  • Quy trình tuyển dụng
  • Thư mời thử việc
  • Hợp đồng thử việc
  • Bảng đánh giá kết quả thử việc
  • Thông báo kết quả thử việc
.....

Luật cũ đã hết hiệu lực (tham khảo)

* Quy định tại Bộ luật lao động 2012:

Điều 26. Thử việc

1. Người sử dụng lao động và người lao động có thể thoả thuận về việc làm thử, quyền, nghĩa vụ của hai bên trong thời gian thử việc. Nếu có thoả thuận về việc làm thử thì các bên có thể giao kết hợp đồng thử việc.

Nội dung của hợp đồng thử việc gồm các nội dung quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, g và h khoản 1 Điều 23 của Bộ luật này.

2. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ thì không phải thử việc.

Điều 27. Thời gian thử việc

Thời gian thử việc căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc 01 lần đối với một công việc và bảo đảm các điều kiện sau đây:

1. Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;

2. Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.

3. Không quá 6 ngày làm việc đối với công việc khác.

Điều 28. Tiền lương trong thời gian thử việc

Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thoả thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.

Điều 29. Kết thúc thời gian thử việc


1. Khi việc làm thử đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động.

2. Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền huỷ bỏ thoả thuận thử việc mà không cần báo trước và không phải bồi thường nếu việc làm thử không đạt yêu cầu mà hai bên đã thoả thuận.


........

Quy định tại Nghị định 05/2015/NĐ-CP:

Điều 7. Thông báo kết quả về việc làm thử

1. Trong thời hạn 03 ngày trước khi kết thúc thời gian thử việc đối với người lao động làm công việc có thời gian thử việc quy định tại Khoản 1 và 2 Điều 27 của Bộ luật Lao động, người sử dụng lao động phải thông báo cho người lao động kết quả công việc người lao động đã làm thử; trường hợp công việc làm thử đạt yêu cầu thì khi kết thúc thời gian thử việc, người sử dụng lao động phải giao kết ngay hợp đồng lao động với người lao động.

2. Khi kết thúc thời gian thử việc đối với người lao động làm công việc có thời gian thử việc quy định tại Khoản 3 Điều 27 của Bộ luật Lao động, người sử dụng lao động phải thông báo cho người lao động kết quả công việc người lao động đã làm thử; trường hợp công việc làm thử đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động phải giao kết ngay hợp đồng lao động với người lao động
.................

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét