Chủ Nhật, 7 tháng 5, 2017

Vừa ký hợp đồng xong thì bị sếp bắt viết đơn xin nghỉ việc, giải quyết ra sao?

Hỏi: Chào luật sư, xin luật sư giải thích giùm em vụ này được không ạ? Chồng em mới vô công ty và thử việc 1 tháng, sau khi hết thời gian thử việc chồng em ký với công ty 1 bản hợp đồng lao động thời hạn 1 năm. Nhưng sau đó công ty kêu lên, bắt chồng em phải viết đơn xin nghỉ việc. Chồng em có xin qua bộ phận khác, nhưng quản lý Hàn Quốc bên chồng em làm lại không đồng ý và không nói lý do đuổi chồng em. Vậy cho em hỏi trong trường hợp này em nên giải quyết như thế nào? Em xin chân thành cảm ơn. (Th. Thanh)

(ảnh minh họa)


Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Từ những thông tin của bạn, giả sử là đúng sự thật, tôi có ý kiến trao đổi như sau:

- Hợp đồng lao động đã ký giữa hai bên (chồng bạn và công ty) có thời hạn 1 năm là cơ sở pháp lý ràng buộc và chứng minh giữa hai bên có một quan hệ hợp đồng trong lao động và sử dụng lao động. Theo đó, đã làm phát sinh quyền và trách nhiệm của mỗi bên, theo quy định tại Bộ luật lao động.

- Việc công ty yêu cầu chồng bạn viết đơn xin nghỉ việc có dấu hiệu "ép buộc" trái luật, hay có thể xem là hành vi có dấu hiệu "đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật". 

- Theo quy định tại Bộ luật lao động 2012, phía Người sử dụng lao động (công ty) có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng chỉ trong những điều kiện cụ thể, do pháp luật quy định. Cụ thể quy định tại Điều 38 Bộ luật lao động 2012, đó là khi:

a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;

b) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đã điều trị 06 tháng liên tục, đối với người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.

c) Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc;

d) Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại Điều 33 của Bộ luật này.

Ngoài ra, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn.

Như vậy, nếu không thuộc các trường hợp trên, mà công ty ép chồng bạn phải nghỉ việc, thì có thể xem là hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.

Về hướng giải quyết: 

- Theo tôi trước mắt chồng bạn không nên viết đơn xin nghỉ việc, đồng thời yêu cầu phía công ty phải trả lời rõ (bằng văn bản) lý do vì sao bắt chồng bạn phải xin nghỉ việc hoặc ép phải nghỉ việc? 

- Xét về mặt pháp luật, do chồng bạn vẫn đang là "người lao động" tại công ty, đang có hợp đồng lao động hợp pháp, có hiệu lực, nên vẫn phải đi làm bình thường, tuân thủ các quy định về kỷ luật lao động, hành chính ...vv. Không nên tự ý nghỉ việc không lý do (vì có thể bị công ty lấy cớ vi phạm kỷ luật, tự ý nghỉ việc để sa thải).

Nếu cuối cùng công ty vẫn ép chồng bạn phải nghỉ việc (chẳng hạn như không cho vào làm việc), thì chồng bạn có thể khiếu nại lên cơ quan quản lý lao động tại địa phương (Liên đoàn lao động quận/huyện). Sau đó nếu hai bên không hòa giải được, thì chồng bạn có thể khởi kiện ra tòa án, yêu cầu công ty phải nhận lại chồng bạn vào làm việc theo hợp đồng đã ký hoặc phải bồi thường thiệt hại (theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật).

...........

Quy định tại Bộ luật lao động 2012:

Điều 38. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động

1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp sau đây:

a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;

b) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đã điều trị 06 tháng liên tục, đối với người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.
Khi sức khỏe của người lao động bình phục, thì người lao động được xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động;

c) Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc;

d) Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại Điều 33 của Bộ luật này.

2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước:

a) Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

b) Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn;

c) Ít nhất 03 ngày làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này và đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.



Quý vị hãy gửi câu hỏi đến email ecolaw2@gmail.com - để được luật sư tư vấn (hoàn toàn miễn phí). Nội dung và câu hỏi gửi đến càng chi tiết, đầy đủ, thì nội dung trả lời sẽ càng chính xác, hiệu quả.  Các câu hỏi - đáp (được mã hoá tên, địa chỉ để bảo mật) sẽ được đăng trên blog này để mọi người cùng tham khảo, phổ biến pháp luật.


Câu lạc bộ Giám đốc nhân sự blog - địa chỉ tin cậy của mọi người

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét