BHXH vừa là quyền lợi, vừa mang tính bắt buộc, nhưng ... (ảnh minh họa)
Không chỉ người chủ sử dụng lao động muốn trốn đóng để tiết kiệm chi phí, bản thân nhiều người lao động (NLĐ) cũng ngại tham gia BHXH.Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo công bố "Báo cáo nghiên cứu khoảng trống trong tham gia BHXH ở một số ngành tại Việt Nam" do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức ngày 2-6-2017 tại Hà Nội.
Sợ bị "ràng buộc"
Theo số liệu Khảo sát mức sống hộ gia đình Việt Nam năm 2014, ngành xây dựng ở Việt Nam có tới 3 triệu NLĐ hưởng lương nhưng chỉ có 6% tham gia BHXH. Trong ngành sản xuất, kinh doanh sản phẩm mây tre đan Việt Nam thì tỷ lệ này cao hơn, 20% trong số 300.000 NLĐ hưởng lương tham gia BHXH.
Để có cái nhìn cụ thể hơn về tình trạng trốn tham gia BHXH, Tổ chức Lao động Quốc tế ILO đã thực hiện báo cáo phân tích về "khoảng trống" tham gia BHXH trong ngành xây dựng và sản xuất mây tre đan. Kết quả nghiên cứu cho thấy, bản thân doanh nghiệp (DN) và NLĐ đều "ngại" tham gia bảo BHXH.
Bà Paulette Castel, chuyên gia tư vấn của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết: "Một mặt NLĐ mong muốn có nghề nghiệp ổn định với DN, nhưng mặt khác họ cũng muốn nếu có điều kiện thì sẵn sàng quay trở về nông thôn lập nghiệp ổn định. Đặc biệt, bản thân những NLĐ trong ngành xây dựng họ có nhu cầu về bảo đảm thu nhập trong ngắn hạn hơn là tham gia vào các khoản lợi ích xã hội."
Khi được khảo sát, lao động sản xuất mây tre đan cũng không có hứng thú tham gia bảo hiểm xã hội, họ không thể cam kết đóng đủ 20 năm BHXH để nhận lương hưu. Lý do được đưa ra là do họ khá tự tin vào khả năng lao động ở tuổi già và sự hỗ trợ của gia đình. "Nhiều NLĐ trong ngành xây dựng họ ngại ký hợp đồng lao động, đóng BHXH vì sợ bị ràng buộc. Tình trạng không muốn ký hợp đồng diễn ra từ cả hai phía, việc sử dụng nhân công chủ yếu qua thỏa thuận miệng," bà Paulette Castel nói.
Luật BHXH đã thay đổi quy định NLĐ có hợp động lao động từ 3 tháng phải tham gia bảo hiểm xã hội xuống chỉ còn một tháng để đảm bảo quyền lợi của NLĐ. Tuy nhiên, thực tế việc thực hiện quy định này khó khả thi , nhất là với tâm lý muốn tự do của NLĐ thì việc mở rộng diện bao phủ BHXH sẽ càng thêm khó khăn.
Cạnh tranh không lành mạnh
Nghiên cứu cho thấy, trong ngành xây dựng, sản xuất mây tre đan thường sử dụng nhân công tạm thời thông qua hợp đồng miệng, trả công nhật, chỉ những NLĐ gắn kết lâu dài mới được ký hợp đồng và mua bảo hiểm. Đáng lưu ý hơn cả, NLĐ thường thỏa mãn với đề xuất của DN về việc sẽ trả cho họ mức lương thực nhận cao hơn nếu không đóng BHXH.
Với tỷ lệ tham gia các loại BHXH lên tới 28% tiền lương thì đây là một khoản chi phí khá lớn. Các chuyên gia cho rằng, thực chất việc không tham gia BHXH là một hình thức cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN.
"Các DN đóng BHXH sẽ tốn nhiều tiền hơn cho lao động, do đó chỉ khi việc tuân thủ các quy định về tham gia BHXH được thực thi đồng đều thì mới tạo nên sự cạnh tranh công bằng giữa các DN. Để thực hiện được điều này, cần phải thúc đẩy việc tuân thủ quy định về tham gia BHXH theo từng vùng," bà Paulette Castel nhấn mạnh.
Để khuyến khích DN, NLĐ tham gia BHXH, bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, chuyên gia về an sinh xã hội cho rằng cần phát triển hệ thống BHXH đa tầng với sự liên thông giữa bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện. Việc tham gia bảo hiểm tự nguyện chủ yếu dựa trên đóng góp của người dân có hỗ trợ, đảm bảo của Nhà nước. "Đặc biệt là cần sớm xây dựng bộ chỉ số đánh giá sự hài lòng của DN, người dân đối với thủ tục hành chính BHXH để từ đó cải thiện chất lượng dịch vụ phục vụ của cơ quan BHXH để tạo niềm tin cho các bên tham gia," bà Nguyễn Thị Diệu Hồng nói.
........
Từ kinh nghiệm quốc tế "bảo hiểm cho con người là bảo hiểm cho nền kinh tế", bà Celine Peyron Bista, chuyên gia tư vấn của ILO cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đơn giản hóa các thủ tục tiếp cận, tham gia BHXH. Đối với công nghệ, xây dựng một phương thức tham gia linh hoạt sẽ cho phép NLĐ tiếp cận bảo hiểm tốt hơn.
Nguồn: HỒNG KIỀU (VIETNAM+)
.........
Năm 2017
- Trục lợi 'chùm khế ngọt' bảo hiểm y tế hàng trăm tỉ (5/2017)
- BHXH bắt buộc với lao động nước ngoài: yếu cơ sở, thiếu ngoại trừ (5/2017)
- Giảm mức đóng BHXH bắt buộc cho doanh nghiệp (5/2017)
- Cảnh báo lừa đảo xuất khẩu lao động (4/2017)
- Nhức nhối nợ bảo hiểm xã hội (4/2017)
- Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu: Phải có tiêu chí cho người “ở lại” (4/2017)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét