Thứ Hai, 3 tháng 7, 2017

Hỏi về “tiền ký quĩ” và thời gian thử việc khi muốn xin thôi việc

Hỏi: Kính gửi Ecolaw, tôi đang có một rắc rối về luật lao động rất mong được luật sư tư vấn giúp đỡ. Ngày 17/10/2016, tôi đã ký hợp đồng thử việc tại công ty tôi đang làm việc với thời hạn là 2 tháng, và tôi phải đóng tiền ký quỹ cho công ty là 10.000.000 VNĐ, tiền ký quỹ này sẽ được hoàn trả sau 10 năm. Và tôi có được thông báo là số tiền này sẽ không được hoàn trả nếu tôi nghỉ trước thời hạn 10 năm cộng tiền phạt (10 triệu VNĐ cho mỗi năm làm việc) và nếu nghỉ trong thời gian thử việc thì chịu phạt tiền chi phí đào tạo.

Doanh nghiệp không có quyền thu tiền "ký quỹ" đối với NLĐ trong quá trình giao kết hay thực hiện HĐLĐ (ảnh minh hoạ)

Nhưng từ lúc kết thúc 2 tháng thử việc đến nay (17/12/2016) tôi chưa được ký hợp đồng chính thức, và chỉ nhận đựơc thông tin là tôi sẽ phải ký hợp đồng thử việc thêm 4 tháng nữa (tổng cộng là 6 tháng) nhưng chưa ký. Hiện tại lương của tôi vẫn là lương thử việc, hợp đồng thử việc 2 tháng đã hết hạn và tôi chưa ký bất kỳ một hợp đồng lao động nào khác. Hiện tại tôi muốn xin nghỉ việc tại công ty. Tôi xin hỏi luật sư trường hợp của tôi sẽ được giải quyết theo thử việc hay chính thức, và tôi phải thông báo bao nhiêu ngày trước khi nghỉ việc. Công ty tôi bắt nộp tiền ký quỹ khi chưa ký hợp đồng thử việc là đúng hay sai, tôi có thể lấy lại số tiền 10 triệu ký quỹ được không? Tôi mới ra trường nên không hiểu nhiều về luật lao động rất mong luật sư tư vấn giúp đỡ tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn. (Nguyen Ha Th.)

Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Do bạn không nói cụ thể hơn về công việc của mình, nội dung và ý nghĩa của khoản gọi là “tiền ký quĩ” cũng như vấn đề “đào tạo” của công ty, nên chúng tôi chỉ trả lời theo những qui định chung để bạn tham khảo.

Trước hết, về nguyên tắc công ty (NSDLĐ) không có quyền thu của người lao động bất kỳ khoản tiền nào mang ý nghĩa "trói buộc"NLĐ hay là biện pháp "bảo đảm".

Điều 20 Bộ luật lao động (2012) quy định NSDLĐ không được giữ bản chính giấy tờ tuỳ thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động; hay yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động - trong quá trình giao kết hay thực hiện HĐLĐ.

Về thời gian thử việc, Điều 27 BLLĐ (2012) quy định thời gian thử việc căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc 01 lần đối với một công việc và bảo đảm cao nhất không quá 60 ngày (đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên). Sau khi kết thúc thời gian thử việc, nếu NLĐ vẫn tiếp tục làm việc thì trong vòng 7 ngày hai bên phải ký HĐLĐ chính thức. Trường hợp của bạn HĐLĐ sẽ là một trong 2 loại sau: có thời hạn (từ 1-3 năm), hoặc không xác định thời hạn.

Như vậy, có thể khẳng định công ty mà bạn đang làm việc đã sai hoàn toàn: từ việc thu 10 triệu đồng tiền "ký quỹ", cho đến kéo dài thời gian thử việc, chỉ trả lại tiền ký quỹ sau 10 năm, ...vv. Thậm chí đây là doanh nghiệp có dấu hiệu lừa đảo, hay lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản của NLĐ. Những doanh nghiệp như thế này bạn không nên chọn để làm việc, vì có quá nhiều rủi ro, bất lợi.

Về việc bạn muốn nghỉ việc: Tuy hiện nay giữa hai bên vẫn chưa ký HĐLĐ chính thức, nhưng về mặt pháp luật, bạn đã được xem là NLĐ chính thức tại doanh nghiệp. Giữa hai bên đã phát sinh các quyền và nghĩa vụ theo quy định tại BLLĐ. Trong đó bao gồm cả việc bạn phải được đăng ký, tham gia BHXH, ...vv. 

Tuy nhiên, qua những thông tin bạn nêu, thì có thể hình dung công ty hoàn toàn chưa thực hiện trách nhiệm của mình, chưa cho bạn tham gia BHXH. (Vì nếu tham gia, thì trước đó hai bên đã phải ký HĐLĐ chính thức).

Trong bối cảnh như vậy, theo tôi trước mắt bạn chính thức gửi đơn xin thôi việc, báo trước 30 ngày. Đồng thời trong đơn bạn cũng đề nghị công ty phải trả lại bạn số tiền ký quỹ 10 triệu đồng. Bạn cứ nêu rõ việc công ty thu và giữ tiền này tới 10 năm là trái quy định của pháp luật, bạn không đồng ý.

Sau khi đã nghỉ việc, nếu công ty vẫn không chịu trả lại tiền cho bạn, thì bạn có quyền khiếu nại, hay thậm chí kiện ra toà để đòi. 

Trên đây chỉ là những hướng dẫn và phân tích mang tính nguyên tắc, bạn nên tìm hiểu kỹ hơn trong Bộ luật lao động. Chúc bạn mọi việc tốt đẹp.

...........

Quy định tại BLLĐ (2012):

Điều 20. Những hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động

1. Giữ bản chính giấy tờ tuỳ thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.

2. Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.

Điều 27. Thời gian thử việc

Thời gian thử việc căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc 01 lần đối với một công việc và bảo đảm các điều kiện sau đây:

1. Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;

2. Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.

3. Không quá 6 ngày làm việc đối với công việc khác.


Quý vị hãy gửi câu hỏi đến email ecolaw2@gmail.com - để được luật sư tư vấn (hoàn toàn miễn phí). Nội dung và câu hỏi gửi đến càng chi tiết, đầy đủ, thì nội dung trả lời sẽ càng chính xác, hiệu quả.  Các câu hỏi - đáp (được mã hoá tên, địa chỉ để bảo mật) sẽ được đăng trên blog này để mọi người cùng tham khảo, phổ biến pháp luật.


Câu lạc bộ Giám đốc nhân sự blog - địa chỉ tin cậy của mọi người

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét