Thứ Bảy, 1 tháng 7, 2017

Khi hợp đồng lao động hết hạn và lao động nữ đang có thai, Công ty có quyền không tái ký hợp đồng mới không?

Hỏi: Tôi là trưởng phòng nhân sự của công ty, xin hỏi trường hợp sau: Công ty đang ký hợp đồng lao động có thời hạn 1 năm với một nữ nhân viên. Vậy nếu trường hợp nữ nhân viên này đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng mà hợp đồng lao động hết hạn, thì Công ty có quyền không ký tiếp (tái ký) hợp đồng không? Xin chân thành cám ơn (Nguyễn Tuấn H.)

Lao động nữ trong thời gian nghỉ thai sản được hưởng lương do BHXH trả theo chế độ thai sản, nếu có tham gia BHXH (ảnh minh hoạ)


Luật sư Trần Hồng Phong trả lời: 

Trường hợp bạn hỏi có 2 vấn đề cần lưu ý:

- Một là cần nắm rõ các vấn đề liên quan đến giao kết hợp đồng lao động. Cụ thể là các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động và việc gia hạn/tái ký hợp đồng lao động mới.

- Hai là, vì người lao động là nữ, nên theo quy định tại Bộ luật lao động (năm 2012), có những quy định riêng dành cho lao động nữ. Về nguyên tắc, NSDLĐ phải tôn trọng và thực hiện đúng những quy định này.

Như vậy, để bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật, trong trường hợp công ty không muốn tái ký hợp đồng lao động, khi hợp đồng cũ (đang có hiệu lực) hết hạn, thì vẫn phải "ưu tiên" xem xét những quy định của pháp luật đối với lao động nữ trước.

Dưới đây là những quy định về lao động nữ liên quan đến câu hỏi của bạn, tại Bộ luật lao động (2012):
.......

Điều 32. Các trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động
1. Người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự.
2. Người lao động bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.
3. Người lao động phải chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc.
4. Lao động nữ mang thai theo quy định tại Điều 156 của Bộ luật này. (xem điều luật bên dưới)
5. Các trường hợp khác do hai bên thoả thuận.

Điều 39. Trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
1. Người lao động ốm đau hoặc bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đang điều trị, điều dưỡng theo quyết định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 38 của Bộ luật này.
2. Người lao động đang nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng và những trường hợp nghỉ khác được người sử dụng lao động đồng ý.
3. Lao động nữ quy định tại khoản 3 Điều 155 của Bộ luật này. (xem điều luật bên dưới)
4. Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Điều 36. Các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động
1. Hết hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 192 của Bộ luật này. (Ghi chú: là trường hợp NLĐ là cán bộ công đoàn)
2. Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.
3. Hai bên thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động.
4. Người lao động đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội và tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 187 của Bộ luật này.
5. Người lao động bị kết án tù giam, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án.
6. Người lao động chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết.
7. Người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết; người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.
8. Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải theo quy định tại khoản 3 Điều 125 của Bộ luật này.
9. Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 37 của Bộ luật này.
10. Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật này; người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc do sáp nhật, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp, hợp tác xã.

Điều 155. Bảo vệ thai sản đối với lao động nữ
3. Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.
4. Trong thời gian mang thai, nghỉ hưởng chế độ khi sinh con theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, lao động nữ không bị xử lý kỷ luật lao động.

Điều 156. Quyền đơn phương chấm dứt, tạm hoãn hợp đồng lao động của lao động nữ mang thai
Lao động nữ mang thai nếu có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chứng nhận tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động. Thời hạn mà lao động nữ phải báo trước cho người sử dụng lao động tuỳ thuộc vào thời hạn do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định.

Điều 157. Nghỉ thai sản
1. Lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con là 06 tháng.
Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 02 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.
Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.
2. Trong thời gian nghỉ thai sản, lao động nữ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
3. Hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu có nhu cầu, lao động nữ có thể nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương theo thoả thuận với người sử dụng lao động.
4. Trước khi hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu có nhu cầu, có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của người lao động và được người sử dụng lao động đồng ý, lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất được 04 tháng.
Trong trường hợp này, ngoài tiền lương của những ngày làm việc do người sử dụng lao động trả, lao động nữ vẫn tiếp tục được hưởng trợ cấp thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
.............
Với những quy định khá chi tiết như trên, tôi có ý kiến trao đổi với bạn như sau:
- Trước hết, trong thời gian hợp đồng đang có hiệu lực, trước và sau khi sinh con 6 tháng, lao động nữ được hưởng chế độ "nghỉ thai sản". Hay nói một cách cụ thể hơn là được quyền nghỉ việc, không đến công ty làm việc và được cơ quan BHXH trả lương theo chế độ BHXH (Tất nhiên là với điều kiện doanh nghiệp phải đăng ký và đóng BHXH cho người lao động).
- Khi lao động nữ nghỉ thai sản, có 2 tình huống: Một là hợp đồng lao động sẽ chuyển sang tình trạng "tạm hoãn" nếu người lao động đề nghị và đủ điều kiện theo quy định tại Điều 156 BLLĐ. Hai là hợp đồng lao động vẫn tiếp tục, nhưng thực tế lao động nữ đang nghỉ thai sản, công ty không phải trả lương (do BHXH trả). 

- Nếu hợp đồng thuộc dạng tạm hoãn, thì sau khi hết thời gian tạm hoãn, sẽ tiếp tục thực hiện cho thời gian còn lại theo giao kết trong hợp đồng.

- Sau khi loại trừ và thực hiện theo quy định của pháp luật đối với các tinh huống nêu trên, thì khi hết hạn hợp đồng, về nguyên tắc nếu không có nhu cầu tiếp tục sử dụng lao động, công ty có quyền không tái ký hợp đồng lao động mới.
Nói tóm lại: Công ty có quyền không tái ký khi hợp đồng lao động có thời hạn kết thúc, nếu thực sự không có nhu cầu sử dụng lao động này nữa. Tuy nhiên, nếu tại thời điểm kết thúc người lao động nữ đang thuộc trường hợp nghỉ thai sản hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng, thì hai bên cần phải "chờ đợi" cho đến khi những sự kiện này kết thúc mới làm thủ tục thanh lý, kết thúc hợp đồng lao động.


Quý vị hãy gửi câu hỏi đến email ecolaw2@gmail.com - để được luật sư tư vấn (hoàn toàn miễn phí). Nội dung và câu hỏi gửi đến càng chi tiết, đầy đủ, thì nội dung trả lời sẽ càng chính xác, hiệu quả.  Các câu hỏi - đáp (được mã hoá tên, địa chỉ để bảo mật) sẽ được đăng trên blog này để mọi người cùng tham khảo, phổ biến pháp luật.


Câu lạc bộ Giám đốc nhân sự blog - địa chỉ tin cậy của mọi người

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét