Thứ Bảy, 1 tháng 7, 2017

Từ Trưởng phòng bị điều chuyển thành Phó phòng, có thể không chấp hành?

Hỏi: Xin chào luật sư: Tôi đang làm cho một công ty với chức danh là trưởng phòng. Nay do công ty tái cơ cấu lại các phòng ban nên phòng của tôi bị giải thể và công ty điều chuyển tôi về làm việc ở một phòng khác với chức danh là phó phòng. Thu nhập và tiền lương của tôi cũng được điều chỉnh xuống ngạch phó phòng. Xin hỏi : công ty làm như vậy có đúng không? Nếu tôi không muốn chấp hành lệnh điều chuyển có được không? Xin cám ơn ( Nong Ch.)


Trong quá trình sử dụng lao động, vì lý do sản xuất kinh doanh, NSDLĐ có quyền điều chuyển NLĐ (ảnh minh hoạ)

Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Trước hết, cần phải xác định việc anh “được” (hay “bị”) chuyển sang phòng khác với chức danh là phó phòng hoàn toàn không phải là biện pháp xử lý kỷ luật lao động của công ty đối với anh, mà là do công ty có sự thay đổi về cơ cấu tổ chức. Cụ thể là công ty đã “thu hẹp” (tinh giản) lại các phòng ban.

Việc thay đổi như vậy là điều hết sức bình thường, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, đối với mọi doanh nghiệp.

Đây có thể xem là trường hợp công ty “thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc”. Do vậy, với tư cách là người lao động, tôi cho rằng anh nên thông hiểu và chia sẻ với công ty về vấn đề này.

Xét về mặt pháp luật, việc điều chuyển như vậy cũng không có gì sai. Tuy nhiên, lẽ ra và hay hơn thì công ty nên trao đổi với anh để hai bên có thể “vui vẻ” hơn và có thể điều chỉnh lại hợp đồng lao động (nếu trong hợp đồng ghi rõ anh là “trưởng phòng”) cho phù hợp với thực tế mới.

Theo qui định tại Bộ luật lao động, trong trường hợp người lao động bị “điều chuyển” như vậy, mỗi bên đều có quyền của mình. Cụ thể như sau:

- Anh (người lao động) có quyền từ chối không nhận vị trí công tác mới, bằng cách gửi đơn xin đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Đây là trường hợp “không được bố trí theo đúng công việc đã thỏa thuận trong hợp đồng” - theo qui định tại khoản a Điều 37 Bộ luật lao động.

- Đối với công ty (người sử dụng lao động), nếu anh không đồng ý thuyên chuyển thành phó phòng và cũng không chịu chấm dứt hợp đồng lao động - thì công ty cũng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với anh. Đây là trường hợp “buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc” – theo qui định tại khoản d Điều 38 Bộ luật lao động.

Nói tóm lại, theo tôi, công ty anh làm như vậy là không sai và việc anh không muốn chấp hành đồng nghĩa với việc anh sẽ có thể bị công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

Nếu có lời khuyên, thì tôi khuyên anh nên đồng ý để trước mắt vẫn ổn định công việc. Và biết đâu anh sẽ có những cơ hội tốt hơn trong tương lai. Hơn nữa, công ty cũng không làm điều gì xấu với anh. Hy vọng là anh đồng ý với quan điểm của tôi?



Quý vị hãy gửi câu hỏi đến email ecolaw2@gmail.com - để được luật sư tư vấn (hoàn toàn miễn phí). Nội dung và câu hỏi gửi đến càng chi tiết, đầy đủ, thì nội dung trả lời sẽ càng chính xác, hiệu quả.  Các câu hỏi - đáp (được mã hoá tên, địa chỉ để bảo mật) sẽ được đăng trên blog này để mọi người cùng tham khảo, phổ biến pháp luật.


Câu lạc bộ Giám đốc nhân sự blog - địa chỉ tin cậy của mọi người

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét