Thứ Sáu, 26 tháng 2, 2021

Người lao động cao tuổi & Hợp đồng lao động với NLĐ cao tuổi

Ls. Trần Hồng Phong giới thiệu

Người lao động cao tuổi là người tiếp tục lao động sau độ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật lao động 2019. Chỉ khi NLĐ cao tuổi có nguyện vọng tiếp tục làm việc, có đủ sức khoẻ lao động và NSDLĐ có nhu cầu thì hai bên mới thoả thuận giao kết HĐLĐ. Pháp luật quy định như thế nào về Người lao động cao tuổi và Hợp đồng lao động với NLĐ cao tuổi?

<< NLĐ cao tuổi phải luôn bảo đảm có sức khoẻ tốt trong thời gian hợp đồng lao động. Nếu NLĐ cao tuổi không đủ sức khỏe thì phía NSDLĐ có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ (ảnh minh hoạ)

>> Bài liên quan: Chấm dứt HĐLĐ khi NLĐ đến tuổi nghỉ hưu

* Cơ sở pháp lý:

- Bộ luật lao động 2019.

- Chờ Nghị định hướng dẫn của Chính Phủ (sẽ cập nhật)

I. Thế nào là "Người lao động cao tuổi"?

Tại Điều 148 BLLĐ 2019 định nghĩa về "Người lao động cao tuổi như sau: "Người lao động cao tuổi là người tiếp tục lao động sau độ tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật này".

Trong khi đó, Khoản 2 Điều 169 BLLĐ quy định về tuổi nghỉ hưu. Cụ thể: 

"2. Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ".

Như vậy, hiểu một cách đơn giản, Người lao động cao tuổi là NLĐ đang làm việc tại doanh nghiệp, tổ chức theo HĐLĐ; có tuổi từ đủ tuổi nghỉ hưu trở lên. 

Ví dụ: Ông A sinh năm 1960, làm việc tại công ty B theo HĐLĐ không xác định thời hạn. Đến năm 2021, ông A đủ 60 tuổi. Công ty B và ông A thoả thuận ông A sẽ tiếp tục làm việc thêm 2 năm nữa (do có kinh nghiệm chuyên môn và sức khoẻ tốt). Hai bên ký HĐLĐ xác định thời hạn 2 năm, từ 1/7/2021 đến hết 30/6/2023. Trong trường hợp này, ông A được xác định là "người lao động cao tuổi".

II. Chế độ, quy định dành riêng cho NLĐ cao tuổi

NLĐ cao tuổi, vì lý do tuổi tác nên sức khoẻ và độ nhanh nhạy, dẻo dai chắc chắn sẽ không còn được tốt như tuổi thanh niên. Do vậy pháp luật có quy định riêng về chế độ, điều kiện dành riêng cho đối tượng này. Tức là nếu doanh nghiệp nào sử dụng NLĐ cao tuổi, thì phải tuân thủ những quy định sau đây.

Cụ thể, tại Điều 148 và 1149 BLLĐ (2019) quy định như sau:

1. Người lao động cao tuổi có quyền thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc rút ngắn thời giờ làm việc hằng ngày hoặc áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian.

2. Nhà nước khuyến khích sử dụng người lao động cao tuổi làm việc phù hợp với sức khỏe để bảo đảm quyền lao động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực.

3. Khi sử dụng người lao động cao tuổi, hai bên có thể thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn.

4. Khi người lao động cao tuổi đang hưởng lương hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội mà làm việc theo hợp đồng lao động mới thì ngoài quyền lợi đang hưởng theo chế độ hưu trí, người lao động cao tuổi được hưởng tiền lương và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật, hợp đồng lao động.

5. Không được sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người lao động cao tuổi, trừ trường hợp bảo đảm các điều kiện làm việc an toàn.

6. Người sử dụng lao động có trách nhiệm quan tâm chăm sóc sức khỏe của người lao động cao tuổi tại nơi làm việc.

Phía NSDLĐ cần lưu ý:

- Những chế độ, quy định nói trên, cần được ghi nhận/thể hiện trong HĐLĐ giữa hai bên. 

- Hai bên có thể thoả thuận những điều kiện, ưu đãi tốt hơn cho NLĐ cao tuổi so với quy định trong BLLĐ 2019. Có thể có những thoả thuận linh hoạt về thời gian làm việc, có mặt tại nơi làm việc ...vv.

- HĐLĐ với NLĐ cao tuổi là loại hợp đồng xác định thời hạn, nhưng thời hạn không nên quá lâu (tốt nhất là 1 năm; sau đó tiếp tục có nhu cầu và sức khoẻ NLĐ vẫn tốt thì ký hợp đồng lao động mới).

- Hai bên có thể thoả thuận quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ theo thủ tục đơn giản và rút ngắn thời gian báo trước so với quy định chung. 

- Theo quy định tại các Điều 35, 36 BLLĐ 2019, khi NLĐ đủ tuổi nghỉ hưu thì mỗi bên đều có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ. Điều này nên hiểu rộng, áp dụng cả đối với trường hợp NLĐ đã đủ tuổi nghỉ hưu nhưng đang làm việc theo dạng "HĐLĐ người cao tuổi" - nêu trong bài viết này. 

III. Hợp đồng lao động với NLĐ cao tuổi:

Khi người lao động cao tuổi làm việc tại doanh nghiệp, tức là giữa hai bên đã phát sinh một quan hệ hợp đồng lao động. Điều đó có nghĩa là hai bên phải giao kết HĐLĐ. 

Hợp đồng lao động đối với NLĐ cao tuổi phải là loại xác định thời hạn (thường là 1 năm) và có thể chấm dứt theo thoả thuận.

Trong HĐLĐ của NLĐ cao tuổi, hai bên nên thoả thuận những nội dung sau: 

- Thời gian làm việc và địa điểm làm việc (về việc rút ngắn thời giờ làm việc hằng ngày hoặc áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian).

- Khi sức khoẻ của NLĐ cao tuổi không bảo đảm để làm việc, thì phía NSDLĐ (và cả NLĐ) đều có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ và thời gian báo trước.

- NLĐ cao tuổi phải khám sức khoẻ định kỳ tối thiểu 6 tháng/lần. Kết quả khám sức khoẻ được dùng làm cơ sở để tiếp tục hoặc chấm dứt HĐLĐ.

- Các trường hợp có thể tạm hoãn, tạm dừng HĐLĐ.

..................




* Quy định tại BLLĐ 2019: 

Điều 148. Người lao động cao tuổi

1. Người lao động cao tuổi là người tiếp tục lao động sau độ tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật này.

2. Người lao động cao tuổi có quyền thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc rút ngắn thời giờ làm việc hằng ngày hoặc áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian.

3. Nhà nước khuyến khích sử dụng người lao động cao tuổi làm việc phù hợp với sức khỏe để bảo đảm quyền lao động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực.

Điều 149. Sử dụng người lao động cao tuổi

1. Khi sử dụng người lao động cao tuổi, hai bên có thể thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn.

2. Khi người lao động cao tuổi đang hưởng lương hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội mà làm việc theo hợp đồng lao động mới thì ngoài quyền lợi đang hưởng theo chế độ hưu trí, người lao động cao tuổi được hưởng tiền lương và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật, hợp đồng lao động.

3. Không được sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người lao động cao tuổi, trừ trường hợp bảo đảm các điều kiện làm việc an toàn.

4. Người sử dụng lao động có trách nhiệm quan tâm chăm sóc sức khỏe của người lao động cao tuổi tại nơi làm việc.

Điều 169. Tuổi nghỉ hưu

1. Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu.

2. Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.

3. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

4. Người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 35. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động

1. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động như sau:

a) Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

b) Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;

c) Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng;

d) Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

2. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước trong trường hợp sau đây:

a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này;

b) Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 97 của Bộ luật này;

c) Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động;

d) Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

đ) Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo quy định tại khoản 1 Điều 138 của Bộ luật này;

e) Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật này, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;

g) Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Bộ luật này làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.

Điều 36. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động

1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp sau đây:

a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động được xác định theo tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của người sử dụng lao động. Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc do người sử dụng lao động ban hành nhưng phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở;

b) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc đã điều trị 06 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng hoặc quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.

Khi sức khỏe của người lao động bình phục thì người sử dụng lao động xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động với người lao động;

c) Do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa hoặc di dời, thu hẹp sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc;

d) Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại Điều 31 của Bộ luật này;

đ) Người lao động đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật này, trừ trường hợp có thỏa thuận khác;

e) Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên;

g) Người lao động cung cấp không trung thực thông tin theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của Bộ luật này khi giao kết hợp đồng lao động làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng người lao động.

2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, đ và g khoản 1 Điều này, người sử dụng lao động phải báo trước cho người lao động như sau:

a) Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

b) Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;

c) Ít nhất 03 ngày làm việc đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng và đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;

d) Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

3. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động quy định tại điểm d và điểm e khoản 1 Điều này thì người sử dụng lao động không phải báo trước cho người lao động.


.............

Hợp đồng lao động

  1. Quy định về Hợp đồng lao động
  2. Hợp đồng lao động & nội dung hợp đồng lao động (sơ đồ tóm lược)
  3. Quy định về HĐLĐ đối với giám đốc doanh nghiệp Nhà nước
  4. Ai là người có thẩm quyền giao kết/ký Hợp đồng lao động?
  5. Quy định về uỷ quyền trong giao kết Hợp đồng lao động
  6. Quy định về sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng lao động
  7. Phụ lục hợp đồng lao động là gì?
  8. Bản mô tả công việc (Job description) - Phụ lục quan trọng của HĐLĐ
  9. Các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động
  10. Quyền đơn phương chấm dứt HĐLD của Người lao động (sơ đồ tóm lược)
  11. Thế nào là: Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật?
  12. Quy định về tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động
  13. Quyền tạm hoãn, hoặc đơn phương chấm dứt HĐLĐ của lao động nữ mang thai
  14. Hợp đồng lao động vô hiệu
  15. Trình tự, thủ tục tuyên bố HĐLĐ vô hiệu của Thanh tra lao động & xử lý HĐLĐ vô hiệu
  16. Trách nhiệm của NSDLĐ khi chấm dứt HĐLĐ
  17. Trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm & Cách tính trợ cấp thôi việc, mất việc làm
  18. Quy định về cho thuê lại lao động

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét