Thứ Sáu, 6 tháng 4, 2018

Bị ngất trong giờ nghỉ có phải tai nạn lao động và hướng giải quyết

Hỏi: Thưa luật sư, trưa hôm qua (4/4/2018), tại Nhà máy của công ty chúng tôi có xảy ra sự việc một công nhân bốc xếp (là nhân viên có ký HĐLĐ với nhà cung cấp dịch vụ bốc xếp A), trong lúc đang ăn trưa tại căn-teen Nhà máy thì bị ngất. Sau khi sơ cấp cứu, anh này đã được đưa đến bệnh viện và chẩn đoán ban đầu là xuất huyết não. (Xin xem bản tường trình của Trưởng bộ phận đính kèm).

Một số thông tin về anh nhân viên này như sau: Nhân viên là NLĐ, có ký HĐLĐ với công ty A. Công ty A và công ty chúng tôi ký hợp đồng dịch vụ bốc dỡ hàng hoá. Anh nhân viên này được công ty A cử đến làm việc tại Nhà máy công ty chúng tôi. Nhân viên được công ty A đóng BHXH, BHYT và bảo hiểm tai nạn 24/24 và phẫu thuật nằm viện.

Xin được hỏi: Trong trường hợp này, về mặt pháp lý thì công ty chúng tôi có chịu trách nhiệm nào hay không? Và trường hợp này có được xem là tai nạn lao động không? Hướng giải quyết của công ty chúng tôi lúc này là nên thế nào? Rất mong được quý luật sư tư vấn giúp, xin chân thành cám ơn. (V. Gi)


<< Khi NLĐ có vấn đề về sức khoẻ, NSDLĐ phải có biện pháp sơ cấp cứu kịp thời (ảnh minh hoạ)

Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Qua thông tin, tôi có vài nhận xét và trao đổi cơ bản như sau:

Theo quy định tại Điều 142 Bộ luật lao động 2012 thì "Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động". Tức là có yếu tố XẢY RA TRONG QUÁ TRÌNH LAO ĐỘNG, GẮN LIỀN VỚI VIỆC THỰC HIỆN CÔNG VIỆC.

Theo tường trình, thì anh nhân viên bị choáng xuất huyết não trong giờ nghỉ (ăn trưa) và liên quan đến vấn đề tim mạch (bệnh lý). Do vậy, không/chưa có cơ sở để xác định đây là "tai nạn lao động". Tuy nhiên đây là vấn đề chuyên môn và thuộc thẩm quyền xác định, quyết định của cơ quan y tế. Trước mắt, công ty mình cũng chỉ nắm và trình bày cho đúng sự thật thôi.


Nói chung, các vấn đề liên quan đến quyền lợi của NLĐ (trong đó có quyền lợi về bảo hộ sức khoẻ) được giải quyết theo pháp luật và thuộc trách nhiệm của Người sử dụng lao động. Cụ thể là phải có HĐLĐ, đóng BHXH, BHYT ... - là loại bảo hiểm bắt buộc theo quy định tại Bộ luật lao động. (Ngoài ra, tuỳ điều kiện và tính chất công việc, NSDLĐ có thể mua thêm các gói bảo hiểm y tế bên ngoài). Do vậy, vấn đề quan trọng ở đây là công ty A có ký HĐLĐ với anh nhân viên không? Anh nhân viên có tham gia BHXH theo đúng quy định không? Nếu có, thì cơ quan bảo hiểm sẽ thanh toán chi phí khám chữa bệnh theo quy định về bảo hiểm y tế hoặc sẽ do công ty A chi trả hay thoả thuận với gia đình anh A.

Về vấn đề công ty bạn có chịu trách nhiệm gì không, thì bước đầu tôi cho rằng không phải chịu trách nhiệm trong trường hợp này. Vì nguyên nhân không phải do mất an toàn trong lao động, hay do môi trường lao động, hay do anh nhân viên làm việc quá sức (thuộc trách nhiệm của công ty bạn) mà do bệnh tật có sẵn trong cơ thể NLĐ.

Để tránh những trường hợp tương tự, khi thuê dịch vụ ngoài, công ty bạn cần yêu cầu công ty đối tác phải khám sức khoẻ định kỳ cho NLĐ, NLĐ phải có giấy xác nhận của cơ sở y tế bảo đảm có đủ sức khoẻ để làm việc. Vấn đề này thuộc trách nhiệm của Người sử dụng lao động (là công ty A), pháp luật có quy định.

Về hướng giải quyết, theo tôi dù sao công ty bạn cũng nên quan tâm theo dõi, có thể cử người thăm nom và có hỗ trợ hoặc biếu tặng cơ bản cho anh nhân viên. Đồng thời yêu cầu công ty A phải cam kết bảo đảm NLĐ có đủ sức khoẻ mới được cử sang làm việc. Trước mắt công ty bạn cần đề nghị công ty A quan tâm và thực hiện theo chế độ BHYT mà anh nhân viên đang có, cũng như thực hiện đầy đủ những trách nhiệm pháp lý của mình đối với anh nhân viên, với tư cách là NSDLĐ.

.........

Bài liên quan:



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét