Thứ Tư, 14 tháng 11, 2018

Quy chế đối thoại định kỳ tại nơi làm việc - (Biểu mẫu)

Để thực hiện nguyên tắc dân chủ tại cơ sở, theo quy định NSDLĐ có trách nhiệm bảo đảm và tổ chức đối thoại tại nơi làm việc nhằm chia sẻ thông tin, tăng cường sự hiểu biết giữa người sử dụng lao động và người lao động để xây dựng quan hệ lao động tại nơi làm việc. Đối thoại tại nơi làm việc được thực hiện thông qua việc trao đổi trực tiếp giữa người lao động và người sử dụng lao động hoặc giữa đại diện tập thể lao động với người sử dụng lao động, bảo đảm việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Để thực hiện hiệu quả quy định trên, doanh nghiệp cần xây dựng và ban hành Quy chế đối thoại định kỳ tại nơi làm việc.

<< Đối thoại giữa NLĐ và NSDLĐ cần được tổ chức thường xuyên, định kỳ (ảnh minh họa)



......

Dưới đây là mẫu "Quy chế đối thoại định kỳ tại nơi làm việc" được giới thiệu trên website một Sở LĐTBXH mà các doanh nghiệp có thể tham khảo:

.......

Tên doanh nghiệp:
Số: xxx/QC-NS/2018

QUY CHẾ ĐỐI THOẠI ĐỊNH KỲ TẠI NƠI LÀM VIỆC

(Ban hành kèm theo Quyết định số …/QĐ-…,ngày … tháng … năm 201…
của Tổng Giám đốc công ty …………)


Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG


Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

1. Quy chế này quy định việc thực hiện phát huy quyền làm chủ của các thành viên trong công ty ………………. (gọi tắt là công ty), bao gồm các công ty thành viên, đơn vị phụ thuộc (nếu có), phòng ban, phân xưởng của công ty.

2. Đối tượng áp dụng của Quy chế này làGiám đốc hoặc người được ủy quyền hợp pháp tại các công ty thành viên, đơn vị phụ thuộc (nếu có), phòng ban, phân xưởng của công ty (sau đây gọi chung là người sử dụng lao động); Ban chấp hành Công đoàn cơ sở công ty; người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

Điều 2. Mục đích xây dựng Quy chế đối thoại định kỳ tại nơi làm việc

Nhằm tạo điều kiện trao đổi trực tiếp giữa người sử dụng lao động với người lao động hoặc Ban chấp hành Công đoàn với người sử dụng lao động để chia sẻ thông tin, tăng cường sự hiểu biết giữa người sử dụng lao động và người lao động, bảo đảm việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc theo quy định pháp luật.

Điều 3. Nguyên tắc thực hiện quy chế đối thoại định kỳtại nơi làm việc

1. Người sử dụng lao động phải tôn trọng, bảo đảm các quyền dân chủ của người lao động tại nơi làm việc; được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật thông qua việc đối thoại định kỳ tại nơi làm việc của công ty.

2. Công ty xây dựng và thực hiện công khai, minh bạch quy chế đối thoại định kỳtại nơi làm việc này nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động.

Chương II
NỘI DUNG, QUY TRÌNH ĐỐI THOẠI ĐỊNH KỲ TẠI NƠI LÀM VIỆC


Điều 4. Trách nhiệm tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc


1. Người sử dụng lao động chủ trì, phối hợp với Ban chấp hành Công đoàn cơ sở thực hiện đối thoại định kỳ tại nơi làm việc 03 tháng một lầnđể trao đổi, thảo luận các nội dung:

a. Tình hình sản xuất, kinh doanh của công ty.

b. Việc thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy, quy chế và cam kết, thỏa thuận khác tại nơi làm việc.

c. Điều kiện làm việc.

d. Yêu cầu của người lao động, tập thể lao động đối với người sử dụng lao động.

e. Yêu cầu của người sử dụng lao động với người lao động, tập thể lao động.

f. Nội dung khác mà hai bên quan tâm.

Khoảng cách giữa hai lần đối thoại định kỳ liền kề tối đa không quá 90 ngày.

Thời gian tổ chức đối thoại định kỳ tại công ty được thực hiện vào tuần thứ 2 của tháng cuối mỗi quý.

Trường hợp thời gian tổ chức đối thoại định kỳ trùng với thời gian tổ chức hội nghị người lao động thì đơn vị không phải tổ chức đối thoại định kỳ.

2. Người sử dụng lao động có trách nhiệm:

a) Ban hành quy chế đối thoại định kỳ tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của Ban chấp hành Công đoàn cơ sở và phổ biến công khai đến người lao động để thực hiện;

b) Bố trí địa điểm, thời gian và các điều kiện vật chất cần thiết khác bảo đảm cho đối thoại;

c) Cử thành viên đại diện tham gia đối thoại;

d) Tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc;

3. Ban chấp hành Công đoàn cơ sở có trách nhiệm:

a) Tham gia ý kiến vào quy chế đối thoại định kỳ tại nơi làm việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động;

b) Tổ chức bầu các thành viên đại diện cho tập thể lao động tham gia đối thoại tại hội nghị người lao động;

c) Phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức thực hiện đối thoại định kỳ tại nơi làm việc.

Điều 5. Số lượng, thành phần, tiêu chuẩn thành viên tham gia đối thoại định kỳ tại nơi làm việc

1. Mỗi bên tham gia đối thoại quyết định số lượng thành viên đại diện của mình tham gia đối thoại (mỗi bên phải có ít nhất là 03 người).

2. Thành phần tham gia đối thoại gồm:

a) Người sử dụng lao động hoặc người được ủy quyền hợp pháp và các thành viên đại diện cho người sử dụng lao động do người sử dụng lao động cử;

b) Ban chấp hành Công đoàn cơ sở và các thành viên đại diện cho tập thể người lao động do hội nghị người lao động bầu;

3. Tiêu chuẩn thành viên tham gia đối thoại định kỳ tại nơi làm việc:

a) Có phẩm chất đạo đức tốt, trung thực, thẳng thắn, là cá nhân tiêu biểu trong lao động sản xuất, kinh doanh;

b) Được người lao động tín nhiệm chọn là đại diện cho tập thể người lao động;

Điều 6. Quy trình đối thoại định kỳ tại nơi làm việc

1. Chuẩn bị nội dung, thời gian, địa điểm và thành phần tham gia đối thoại:

a) Sau 60 ngày kể từ ngày kết thúc lần đối thoại trước liền kề, người sử dụng lao động, Chủ tịch Công đoàn cơ sở tổng hợp nội dung và gửi nội dung yêu cầu đối thoại cho bên đối thoại;

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được nội dung yêu cầu đối thoại, người sử dụng lao động và Chủ tịch Công đoàn cơ sở thống nhất nội dung, thời gian, địa điểm, thành phần tham gia đối thoại định kỳ tại nơi làm việc;

c) Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày hai bên thống nhất nội dung, thời gian, địa điểm, thành phần tham gia đối thoại định kỳ tại nơi làm việc, người sử dụng lao động ra quyết định bằng văn bản tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc. Quyết định tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc phải được gửi đến Chủ tịch Công đoàn cơ sở và các thành viên tham gia đối thoại ít nhất 05 ngày làm việc trước ngày tổ chức đối thoại;

d) Người sử dụng lao động và Chủ tịch Công đoàn cơ sở phân công các thành viên tham gia đối thoại của mỗi bên chuẩn bị nội dung, số liệu, tài liệu liên quan cho buổi đối thoại.

2. Tổ chức đối thoại:

a) Đối thoại định kỳ tại nơi làm việc được tổ chức tại địa điểm và thời gian đã thống nhất. Trường hợp người sử dụng lao động thay đổi địa điểm, thời gian đối thoại thì phải thông báo cho Chủ tịch Công đoàn cơ sở và các thành viên đối thoại định kỳ tại nơi làm việc biết trước ít nhất 01 ngày làm việc trước ngày tổ chức đối thoại ghi trong quyết định tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc;

b) Đối thoại định kỳ tại nơi làm việc chỉ được tiến hành với sự có mặt ít nhất 2/3 số thành viên đại diện cho mỗi bên. Trường hợp cuộc đối thoại không đủ 2/3 số thành viên đại diện cho mỗi bên, người sử dụng lao động quyết định hoãn cuộc đối thoại vào thời gian sau đó, song thời gian hoãn tối đa không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức cuộc đối thoại bị hoãn;

c) Trong quá trình đối thoại, các thành viên tham gia đối thoại có trách nhiệm cung cấp thông tin, số liệu, tư liệu, trao đổi, thảo luận dân chủ các nội dung đối thoại.

3. Kết thúc đối thoại:

a) Người sử dụng lao động và Chủ tịch Công đoàn cơ sở lập biên bản cuộc đối thoại. Biên bản cuộc đối thoại ghi rõ những nội dung đã thống nhất và các biện pháp tổ chức thực hiện; những nội dung chưa thống nhất và thời gian tiến hành đối thoại những nội dung chưa thống nhất hoặc mỗi bên tiến hành thủ tục giải quyết tranh chấp lao động theo quy định của pháp luật lao động. Đại diện của hai bên ký tên, đóng dấu xác nhận nội dung biên bản. Biên bản cuộc đối thoại định kỳ tại nơi làm việc được lập thành 04 bản và có giá trị như nhau, mỗi bên tham gia đối thoại giữ một bản và hai bản gởi về lưu tại Văn phòng Công ty và Phòng Nhân sự Công ty;

b) Người sử dụng lao động có trách nhiệm niêm yết công khai biên bản cuộc đối thoại định kỳ tại nơi làm việc và đăng tải trên hệ thống thông tin nội bộ hoặc trang thông tin điện tử của Công ty.

Điều 7. Đối thoại khi một bên có yêu cầu

1. Trường hợp một bên có yêu cầu tổ chức đối thoại thì trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được nội dung yêu cầu đối thoại, người sử dụng lao động có trách nhiệm chủ trì phối hợp với Ban chấp hành Công đoàn cơ sở tổ chức đối thoại.

2. Số lượng, thành phần tham gia đối thoại và trách nhiệm của các bên trong tổ chức đối thoại được thực hiện tương tự như đối thoại định kỳ tại nơi làm việc.

Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN


Điều 8. Người sử dụng lao động có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Ban chấp hành Công đoàn cơ sở công ty tổ chức thực hiện tốt Quy chế này.

Riêng tại các Công ty thành viên (nếu có), Ban Giám đốcvà Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở thành viên căn cứ Nghị định số 60/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ và Quy chế này xây dựng Quy chế đối thoại định kỳ tại nơi làm việc cho đơn vị mình. (nếu công ty có công ty thành viên thì giữ nguyên nội dung này).

Điều 9. Các ông (bà): Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn, Văn phòng, Giám đốc các công ty thành viên (nếu có), phòng, ban, phân xưởng thuộc công ty và tập thể người lao động công ty chịu trách nhiệm thi hành, tổ chức thực hiện Quy chế này./.

                                                                    GIÁM ĐỐC
                                                              (ký tên, đóng dấu)

......

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét