Thứ Tư, 28 tháng 11, 2018

Quy định về nghĩa vụ đóng góp bắt buộc vào Quỹ phòng, chống thiên tai

Ls. Trần Hồng Phong giới thiệu

Theo quy định tại Luật phòng, chống thiên tai 2013, Nhà nước, các tổ chức, và công dân từ 18 tuổi trở lên đều có quyền và nghĩa vụ tham gia phòng, chống thiên tai thông qua nhiều hình thức. Trong đó có việc Doanh nghiệp và NLĐ phải "đóng góp bắt buộc" vào Quỹ phòng, chống thiên tai hàng năm. Đây là một nội dung mà Giám đốc nhân sự và NLĐ cần biết và thực hiện.

<< NLĐ có nghĩa vụ mỗi năm đóng góp 1 ngày lương vào Quỹ phòng, chống thiên tai (ảnh minh họa)




* Cơ sở pháp lý & văn bản luật:

- Luật phòng, chống thiên tai (2013).

- Nghị định 94/2014/NĐ-CP - hướng dẫn thực hiện Luật phòng, chống thiên tai (có hiệu lực từ 8/12/2014).

- Quyết định về việc thành lập Quỹ phòng, chống thiên tai của các UBND cấp tỉnh.

I. Quy định chung:

Tại Luật phòng, chống thiên tai 2013 quy định như sau:

- Phòng, chống thiên tai là trách nhiệm của Nhà nước, tổ chức, cá nhân, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, tổ chức và cá nhân chủ động, cộng đồng giúp nhau.

- Phòng, chống thiên tai được thực hiện theo phương châm bốn tại chỗ: chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ.

- Khuyến khích tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chủ động thực hiện biện pháp phòng, chống thiên tai; khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng công trình, nghiên cứu và áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào hoạt động phòng, chống thiên tai. Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia phòng, chống thiên tai.

- Nguồn tài chính cho phòng, chống thiên tai: Ngân sách nhà nước; Quỹ phòng, chống thiên tai; Nguồn đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân.

* Quỹ phòng, chống thiên tai:

1. Quỹ phòng, chống thiên tai là quỹ được thành lập ở cấp tỉnh, do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý. Quỹ phòng, chống thiên tai không bao gồm ngân sách nhà nước và không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước.

2. Nguồn tài chính của Quỹ phòng, chống thiên tai:

a) Đóng góp bắt buộc của tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài tại địa bàn, công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi đến hết tuổi lao động theo quy định của pháp luật;

b) Các nguồn hợp pháp khác.

3. Quỹ phòng, chống thiên tai được sử dụng để hỗ trợ hoạt động phòng, chống thiên tai và ưu tiên hỗ trợ cho các hoạt động sau đây:

a) Cứu trợ khẩn cấp về lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh và các nhu cầu cấp thiết khác cho đối tượng bị thiệt hại do thiên tai;

b) Hỗ trợ tu sửa nhà ở, cơ sở y tế, trường học;

c) Xử lý vệ sinh môi trường vùng thiên tai.

4. Việc quản lý, sử dụng Quỹ phòng, chống thiên tai phải bảo đảm đúng mục đích, kịp thời, công khai, minh bạch, công bằng và hiệu quả.

Chính phủ quy định cụ thể việc thành lập, mức đóng góp, đối tượng được miễn, giảm, tạm hoãn đóng góp, quản lý, sử dụng và thanh quyết toán Quỹ phòng, chống thiên tai.


II. Đối tượng và mức đóng góp vào Qũy phòng, chống thiên tai

Tại Nghị định 94/2014/NĐ-CP quy định như sau:

* Đối tượng và mức đóng góp:

1. Các tổ chức kinh tế hạch toán độc lập/Doanh nghiệp đóng góp từ 500.000 đồng - 100.000.000 đồng/năm:

Mức đóng góp bắt buộc một năm là "hai phần vạn trên tổng giá trị tài sản hiện có tại Việt Nam" - theo báo cáo tài chính hàng năm. Nhưng tối thiểu 500 nghìn đồng, tối đa 100 triệu đồng và được hạch toán vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh.

> Quy định này được hiểu là các doanh nghiệp hàng năm có nghĩa vụ đóng góp bắt buộc vào Quỹ Phòng, chống thiên tai theo mức như trên.

2. Người lao động tại doanh nghiệp đóng góp 1 ngày lương/năm:

Công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi đến hết tuổi lao động theo quy định của pháp luật về lao động đóng góp như sau:

a) Cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức, lực lượng vũ trang ...: đóng 1 ngày lương/người/năm theo mức lương cơ bản sau khi trừ các khoản thuế, bảo hiểm phải nộp;

b) Người lao động trong các doanh nghiệp: đóng 1 ngày lương/người/năm theo mức lương tối thiểu vùng;

c) Người lao động khác: đóng 15.000 đồng/người/năm.

Lưu ý:

- UBND cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định miễn, giảm, tạm hoãn việc đóng góp vào Quỹ.

III. Thu, nộp và quản lý, sử dụng Quỹ phòng, chống thiên tai

Tại Điều 8 Nghị định 94/2014/NĐ-CP quy định về việc quản lý thu, kế hoạch thu nộp Quỹ phòng, chống thiên tai như sau:

* Hình thức thu:

1. Đối với doanh nghiệp và NLĐ làm việc tại doanh nghiệp:

Thủ trưởng tổ chức kinh tế hạch toán độc lập (Giám đốc công ty) có trách nhiệm nộp Quỹ theo định mức được quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định 94/2014/NĐ-CP, chuyển vào tài khoản của cơ quan quản lý Quỹ cấp tỉnh hoặc tài khoản cấp huyện do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền.

Lưu ý:

- Tại Nghị định 94/2014/NĐ-CP không quy định cụ thể về việc Doanh nghiệp/NSDLĐ có quyền trực tiếp yêu cầu người lao động đóng tiền vào Quỹ phòng, chống thiên tai. Tuy nhiên thông thường, thì Ban quản lý Quỹ hoặc UBND cấp huyện/quận sẽ gửi công văn đến doanh nghiệp, trong đó ghi cụ thể số tiền phải đóng (gồm cả phần của Doanh nghiệp và phần của NLĐ) và yêu cầu doanh nghiệp đóng vào tài khoản Quỹ. Điều này được hiểu là doanh nghiệp có trách nhiệm "thu hộ" khoản đóng góp bắt buộc này của NLĐ cho Nhà nước.

- Vì việc đóng tiền vào Quỹ phòng, chống thiên tai là nghĩa vụ luật định của NLĐ, nên doanh nghiệp/NSDLĐ có thể thực hiện việc thu khoản tiền đóng góp của NLĐ bằng cách trừ vào tiền lương, nhưng cần phải có sự thống nhất với Ban chấp hành Công đoàn, cũng như có thông báo, giải thích cho NLĐ trước khi thực hiện. Hoặc cũng có thể yêu cầu NLĐ nộp tiền mặt, sau đó tổng hợp và chuyển cho Quỹ.

2. Đối với cơ quan, tổ chức Nhà nước:

Thủ trưởng cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thu của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, cán bộ, nhân viên trong lực lượng vũ trang thuộc phạm vi quản lý và chuyển vào tài khoản của cơ quan quản lý Quỹ cấp tỉnh hoặc vào tài khoản cấp huyện do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền.

3. Đối với công dân tại địa phương:

Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thu của các đối tượng lao động khác trên địa bàn (trừ các đối tượng đã thu theo các khoản nêu trên) và nộp vào tài khoản cấp huyện do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền. Việc thu bằng tiền mặt phải có chứng từ theo mẫu của Bộ Tài chính.

* Thời hạn nộp Quỹ hàng năm:

- Đối với tổ chức kinh tế hạch toán độc lập/Doanh nghiệp nộp tối thiểu 50% số phải nộp trước 30 tháng 5, số còn lại nộp trước 30 tháng 10 hàng năm.

- Đối với cá nhân nộp một lần trước 30 tháng 5 hàng năm;

- Thủ trưởng cơ quan, tổ chức và Ủy ban nhân dân cấp xã căn cứ đối tượng, mức đóng góp thuộc phạm vi quản lý, các đối tượng được miễn, giảm, tạm hoãn để xây dựng kế hoạch thu của cơ quan, đơn vị và địa phương.

* UBND cấp tỉnh ban hành Quyết định về thành lập Quỹ phòng, chống thiên tai:

Theo quy định, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn việc lập, phê duyệt, thông báo kế hoạch thu Quỹ đối với từng cơ quan, đơn vị có liên quan. Việc này trên thực tế được các địa phương triển khai bằng cách UBND cấp tỉnh ban hành một Quyết định về việc thành lập Quỹ phòng, chống thiên tai.

Thông thường, khi một Nghị định ra đời, các Bộ liên quan sẽ ban hành một Thông Tư, hướng dẫn thực hiện Nghị định. Tuy nhiên hiện nay (12/2018), chưa thấy có thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 94/2014/NĐ-CP, cho nên trong quá trình thực hiện có thể nảy sinh một số vướng mắc. Chẳng hạn như: doanh nghiệp có quyền trừ tiền đóng góp Quỹ vào tiền lương của NLĐ hay không? ...vv.

.......


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét