Thứ Năm, 25 tháng 5, 2017

Thắc mắc về việc “nghỉ giữa ca” không được tính vào thời gian làm việc

Hỏi: (Ghi chú: Tiếp theo câu hỏi & trả lời của ls Trần Hồng Phong - Thắc mắc về thời gian làm việc tại công ty , chúng tôi tiếp tục nhận được câu hỏi của bạn NTH như sau). Rất cám ơn quý luật sư đã giải đáp thắc mắc. Tuy nhiên tôi vẫn còn rất băn khoăn, bởi cũng theo Bộ Luật lao động 2012 quy định, thời gian nghỉ giữa ca được tính vào thời giờ làm việc, như vậy việc công ty cho nghỉ giữa ca 1 tiếng vẫn phải tính vào thời giờ làm việc. Vậy chúng tôi phải làm thành 9 giờ chứ không phải 8 giờ. Còn công ty vợ tôi, việc phân công 2 ca làm việc sáng và chiều như vậy cũng không hợp lý. Vì theo điều 109, bộ Luật lao động 2012, thời gian chuyển giữa hai ca ít nhất là 12 giờ. Việc phân thành 2 ca như vậy không thỏa điều kiện trên. Rất mong quý công ty giải thích thêm cho tôi được rõ. Cám ơn rất nhiều. (NTH)

Người lao động làm việc theo ca, liên tục từ 6 - 8 giờ, được "nghỉ trong giờ làm việc" và tính vào thời gian làm việc (ảnh minh họa)

Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Trước hết, tôi muốn nói là thời gian làm việc như hiện tại, tại công ty anh và công ty vợ anh không phải là làm việc theo ca. Mà là “thời giờ làm việc bình thường” trong ngày, được chia thành 2 buổi: sáng và chiều. Do vậy thời gian nghỉ trưa không được tính vào thời gian làm việc - như quy định tại Bộ luật lao động. Và do vậy, cũng không phải là trường hợp làm việc 9 giờ/ngày như anh đã nói.

Vậy thời gian làm việc như thế nào thì được xem là làm việc theo ca? Để được hưởng chế độ “nghỉ trong giờ làm việc?

Từ quy định tại Điều 108 Bộ luật lao động, và trên thực tế cho thấy rằng, thời gian làm việc được chia theo ca thường được áp dụng trong các hoạt động sản xuất (như nhà máy/dây chuyển sản xuất), mà tại đó do yêu cầu về kỹ thuật công nghệ, đòi hỏi sự hoạt động liên tục của máy móc, thiết bị, hoặc các công đoạn sản xuất không cho phép dừng … (Ví dụ: đúc một mẻ thép, đòi hỏi phải vận hành máy liên tục mấy chục giờ không nghỉ).

Trong những trường hợp như vậy, Người sử dụng lao động có quyền và có quy định rõ trong Nội quy lao động của doanh nghiệp, chia thời giờ làm việc thành các ca làm việc. Trên thực tế mỗi ngày làm việc thường được chia thành 3 ca, mỗi ca 8 giờ (làm việc liên tục). Cụ thể: ca 1 (ca sáng):  từ 6h đến 14h, ca 2 (ca chiều): từ 14h đến 22h, ca 3 (ca tối): từ 22h đến 6h ngày hôm sau.

Điều quan trọng cần lưu ý là: mỗi “ca” làm việc phải có thời gian làm việc liên tục từ 8 giờ (hay 6 giờ) trở lên. Nếu thời gian làm việc liên tục dưới 6 giờ, thì không tạo thành một “ca” làm việc. Những người làm việc theo chế độ theo ca, sẽ được hưởng chế độ “nghỉ trong giờ làm việc”. Vấn đề này được quy định tại Điều 108 Bộ luật lao động, cụ thể như sau:

Điều 108. Nghỉ trong giờ làm việc

1. Người lao động làm việc liên tục 08 giờ hoặc 06 giờ theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật này được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút, tính vào thời giờ làm việc.

2. Trường hợp làm việc ban đêm, thì người lao động được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút, tính vào thời giờ làm việc.

3. Ngoài thời gian nghỉ giữa giờ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người sử dụng lao động quy định thời điểm các đợt nghỉ ngắn và ghi vào nội quy lao động.

Tại Điều 5 Nghị định 45/2013/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Bộ luật lao động, có quy định rõ hơn về “nghỉ trong giờ làm việc” - có để cập đến danh từ “CA” làm việc như sau:

1. Thời gian nghỉ giữa giờ làm việc quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 108 của Bộ luật lao động được coi là thời giờ làm việc áp dụng trong ca liên tục 08 giờ trong điều kiện bình thường hoặc 06 giờ trong trường hợp được rút ngắn. Thời điểm nghỉ cụ thể do người sử dụng lao động quyết định.

2. Ngoài thời giờ nghỉ ngơi trong ca làm việc bình thường được quy định tại Khoản 1 Điều này, người lao động làm việc trong ngày từ 10 giờ trở lên kể cả số giờ làm thêm thì được nghỉ thêm ít nhất 30 phút tính vào giờ làm việc.

Cần lưu ý: việc “nghỉ trong giờ làm việc” tuy được thực hiện, nhưng vẫn phải bảo đảm sự vận hành, liên tục của ca sản xuất. Chứ không phải là khi người lao động “nghỉ trong giờ làm việc” là ngưng sản xuất, tắt máy. Giả sử ca có 3 người, thì luân phiên nhau nghỉ. Hoặc thậm chí ca có 1 người, thì vẫn phải vận dụng nghỉ ngơi một cách linh hoạt. Việc luân phiên nghỉ trong giờ làm việc thông thường cũng sẽ được quy định trong Nội quy lao động của doanh nghiệp.

Như vậy, theo những quy định như trình bày ở trên, thì việc nghỉ trưa tại công ty anh và công ty vợ anh không được xem là nghỉ giữa ca hay nghỉ giữa hai ca – vì thời gian làm việc liên tục là 4 giờ (nhỏ hơn 6 giờ). Trên thực tế chúng ta hay nói là “làm việc trong giờ hành chính”. Và do vậy thời gian nghỉ trưa không được tính vào thời gian làm việc.

Cuối cùng, vì anh có nêu ra quy định tại Điều 109 Bộ luật lao động, nên tôi muốn giải thích  thêm: Điều 109 là quy định về “nghỉ chuyển ca” – với cách hiểu về “ca làm việc” như nêu ở trên. Thông thường Người lao động sẽ được phân công làm việc theo một ca cố định sau mỗi chu kỳ khoảng 1 tháng, thì sẽ được chuyển sang ca khác. Điều này là nhằm bảo đảm sự công bằng và sức khỏe của NLĐ giữa các ca. Và khi chuyển từ ca này sang ca khác, Người lao động phải bảo đảm được nghỉ ít nhất 12 giờ liên tục.
………

Quy định tại Bộ luật lao động (năm 2012)

Điều 109. Nghỉ chuyển ca

Người lao động làm việc theo ca được nghỉ ít nhất 12 giờ trước khi chuyển sang ca làm việc khác.
.......................

Bài liên quan:

Quý vị hãy gửi câu hỏi đến email ecolaw2@gmail.com - để được luật sư tư vấn (hoàn toàn miễn phí). Nội dung và câu hỏi gửi đến càng chi tiết, đầy đủ, thì nội dung trả lời sẽ càng chính xác, hiệu quả.  Các câu hỏi - đáp (được mã hoá tên, địa chỉ để bảo mật) sẽ được đăng trên blog này để mọi người cùng tham khảo, phổ biến pháp luật.


Câu lạc bộ Giám đốc nhân sự blog - địa chỉ tin cậy của mọi người



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét