Thứ Tư, 12 tháng 7, 2017

Áp dụng 4 ngày nghỉ định kỳ trong tháng như thế nào khi có ngày lễ và nghỉ thai sản?

Hỏi: Xin quí luật sư cho tôi hỏi về luật lao động: theo qui định tại điều 110 Bộ luật lao động (năm 2012) thì mỗi tháng người lao động được nghỉ định kỳ 4 ngày, vậy được áp dụng thế nào? Các ngày nghỉ lễ, nghỉ thai sản …vv có được tính là thời giờ nghi ngơi trong 4 ngày qui định của luật không? Ví dụ: trong 1 tháng người lao động phải được bố trí 4 ngày nghỉ định kỳ theo qui định, nhưng trong tháng đó lại có 1 ngày nghỉ lễ + 2 ngày nghỉ thai sản – sẽ có một số tình huống sau: a/ Người đó phải được bố trí nghỉ cả 7 ngày (4 ngày nghỉ định kỳ + 1 ngày nghỉ lễ + 2 ngày nghỉ thai sản); b/ Người đó được bố trí nghỉ 4 ngày (1 ngày nghỉ định kỳ + 1 ngày nghỉ lễ + 2 ngày thai sản) và được xem là đã có 4 ngày nghỉ ngơi tương ứng với 4 ngày nghỉ định kỳ. Tôi tìm nhưng chưa thấy tài liệu nào nói rõ về vấn đề này. Kính mong các luật sư giải thích giúp. Ngoài ra tôi cũng xin hỏi là có thể “gộp” các ngày nghỉ lại với nhau hay không? Tôi xin chân thành cám ơn (Nguyen Ng. S)

Ngày nghỉ chế độ của NLĐ phải được bảo đảm và tôn trọng. Doanh nghiệp không có quyền tự ý cắt xén ngày nghỉ của NLĐ (ảnh minh hoạ)


Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Có lẽ anh chưa tham khảo đầy đủ các điều luật trong Bộ luật lao động. Bộ luật lao động (năm 2012) qui định như sau (tóm ý):

Điều 110: Mỗi tuần NLĐ được nghỉ ít nhất 1 ngày, hoặc bình quân 1 tháng ít nhất 4 ngày (nếu không thể nghỉ hàng tuần).

Điều 115: NLĐ được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương đối với những ngày lễ, tết. Nếu những ngày nghỉ này trùng vào ngày nghỉ hàng tuần thì NLĐ được nghỉ bù vào ngày tiếp theo.

Như vậy, về nguyên tắc, công ty phải sắp xếp sao đó trên tinh thần bảo đảm trong 1 tháng NLĐ phải có ít nhất 4 ngày nghỉ (đây là ngày nghỉ “hàng tuần”/“cố định”). Lưu ý là những ngày nghỉ này là hiển nhiên phải có của NLĐ, không liên quan gì đến những ngày nghỉ khác như: lễ, tết. Và luật quy định rất rõ là nếu ngày lễ, tết trùng vào ngày nghỉ cố định thì NLĐ sẽ được nghỉ bù vào ngày tiếp theo. Tức là không có chuyện nếu 2 ngày nghỉ "trùng" nhau thì xem như chỉ được nghỉ 1 ngày.

Riêng về tình huống đối với lao động nữ mang thai, thì luật có những qui định khá chi tiết nhưng phức tạp. Có trường hợp không tính vào ngày nghỉ lễ, nghỉ tết, nghỉ hàng tuần. Nhưng lại có trường hợp tính luôn vào ngày nghỉ lễ, nghỉ tết, nghỉ hàng tuần.

Cụ thể: nghỉ khám thai tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Nhưng nghỉ khi sẩy thai, hút thai ... thì lại tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. (Bạn cần tham khảo thêm quy định về chế độ thai sản.)

Như vậy, tóm lại là về cơ bản không có chuyện khi các ngày nghỉ trùng nhau, thì NLĐ bị “cắt” bớt ngày nghỉ khác mà luật qui định. Tức phương án b do anh đưa ra là không đúng.

Lưu ý thêm: nếu có trường hợp các ngày nghỉ chế độ “đứt quãng” với nhau, chẳng hạn như thứ Hai nghỉ, thứ Ba đi làm, thứ Tư lại nghỉ thì hai bên (công ty và người lao động) có thể tự thỏa thuận linh hoạt. Chẳng hạn có thể nghỉ “gộp”, nghỉ đổi ngày ... – miễn là vẫn bảo đảm được nghỉ đủ ngày (không bị cắt xén). 

Điều cuối cùng mà tôi muốn nói, là những nội dung anh hỏi về nguyên tắc phải được công ty xây dựng và đưa vào Nội quy lao động và/hoặc Thoả ước lao động tập thể. Trở thành một chính sách nhất quán, áp dụng ổn định lâu dài. Chứ không phải là khi xảy ra tình huống thì mới "nghĩ cách" áp dụng là không ổn. Thân mến.

.........

Quy định tại Bộ luật lao động (2012):

Điều 110. Nghỉ hằng tuần

1. Mỗi tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Trong trường hợp đặc biệt do chu kỳ lao động không thể nghỉ hằng tuần, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân 01 tháng ít nhất 04 ngày.

2. Người sử dụng lao động có quyền quyết định sắp xếp ngày nghỉ hằng tuần vào ngày chủ nhật hoặc một ngày cố định khác trong tuần nhưng phải ghi vào nội quy lao động.

Điều 111. Nghỉ hằng năm

1. Người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:

a) 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;

b) 14 ngày làm việc đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có có điều kiện sinh sống khắc nghiệt theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành hoặc lao động chưa thành niên hoặc lao động là người khuyết tật;

c) 16 ngày làm việc đối với người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có điều kiện sinh sống đặc biệt khắc nghiệt theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành.

2. Người sử dụng lao động có quyền quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động.

3. Người lao động có thể thoả thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần.

4. Khi nghỉ hằng năm, nếu người lao động đi bằng các phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy mà số ngày đi đường cả đi và về trên 02 ngày thì từ ngày thứ 03 trở đi được tính thêm thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hằng năm và chỉ được tính cho 01 lần nghỉ trong năm.


Điều 115. Nghỉ lễ, tết

1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:

a) Tết Dương lịch 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);

b) Tết Âm lịch 05 ngày;

c) Ngày Chiến thắng 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);

d) Ngày Quốc tế lao động 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);

đ) Ngày Quốc khánh 01 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch);

e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).

2. Lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài ngày nghỉ lễ theo quy định tại khoản 1 Điều này còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.

3. Nếu những ngày nghỉ theo quy định tại khoản 1 Điều này trùng vào ngày nghỉ hằng tuần, thì người lao động được nghỉ bù vào ngày kế tiếp.




Quý vị hãy gửi câu hỏi đến email ecolaw2@gmail.com - để được luật sư tư vấn (hoàn toàn miễn phí). Nội dung và câu hỏi gửi đến càng chi tiết, đầy đủ, thì nội dung trả lời sẽ càng chính xác, hiệu quả.  Các câu hỏi - đáp (được mã hoá tên, địa chỉ để bảo mật) sẽ được đăng trên blog này để mọi người cùng tham khảo, phổ biến pháp luật.


Câu lạc bộ Giám đốc nhân sự blog - địa chỉ tin cậy của mọi người

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét