Thứ Ba, 18 tháng 7, 2017

Bị cho nghỉ việc vì có trách nhiệm liên quan, quyền lợi ra sao?

Hỏi: Tôi là nhân viên thuộc phòng kế toán, ký HĐLĐ chính thức với công ty từ ngày 7/12/2015, thời hạn 1 năm. Đến nay đã hết hạn hợp đồng nhưng chưa tái ký nên đương nhiên trở thành hợp đồng vô thời hạn. Vừa qua công ty có xảy ra việc mất hàng hóa (nhập từ nước ngoài về) chưa xác định được nguyên nhân. Công ty đang có ý định cho một số nhân viên nghỉ việc. Họ cho rằng bộ phận kế toán không kiểm soát chặt chẽ qua việc mất mát này nên cho nghỉ việc luôn. Tôi muốn hỏi: Nếu công ty cho nghỉ ngay có phải bồi thường gì cho người lao động và cụ thể là bao nhiêu ? (công ty có tham gia bảo hiểm thất nghiệp). Trường hợp công ty cho nghỉ việc có báo trước 30 ngày (trong thời gian bàn giao) thì xem như công ty không vi phạm gì ? Mong quí luật sư dành chút thời gian để giải đáp dùm, tôi xin chân thành cám ơn. Trân trọng. (Dieu K.)

NSDLĐ muốn đơn phương chấm dứt HĐLĐ phải có lý do hợp lý (ảnh minh hoạ)

Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Vì công ty chưa cho ai nghỉ việc, cũng chưa rõ lý do, nên tình huống của bạn mới chỉ là giả thuyết – nên chúng tôi cũng chỉ trao đổi theo tình huống giả định bạn nhé.

Trước hết, việc mất mát hàng hóa tại công ty, nếu có liên quan đến những hành vi như trộm cắp, lừa dối của Người lao động, thì nếu bị công ty phát hiện người thực hiện hành vi sẽ có thể bị kỷ luật sa thải. Việc này quy định tại Điều 126 Bộ luật lao động (năm 2012) - "người lao động có hành vi trộm cắp". Thậm chí nếu giá trị tài sản từ 2 triệu đồng trở lên, thì thủ phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “trộm cắp tài sản”. Nếu công ty có đơn tố cáo gửi đến cơ quan công an và cơ quan công an điều tra làm rõ được.

Thứ hai, nếu không xác định được cụ thể ai là thủ phạm, mà xác định lý do mất tài sản (thất thoát) do sự thiếu trách nhiệm của người lao động nào đó trong công ty, thì những người này cũng có thể bị xem như có dấu hiệu vi phạm kỷ luật lao động. Công ty có quyền xác minh, tiến hành việc xử lý kỷ luật lao động và áp dụng các hình thức kỷ luật theo quy định. Mức kỷ luật nghiêm khắc nhất là sa thải. Tuy nhiên, trong Nội quy lao động của công ty phải ghi rõ những trường hợp/tình huống nào thì bị kỷ luật, bị sa thải.

Tôi cũng muốn nói rõ hơn là tình huống "công ty cho nghỉ việc" như bạn nêu trong bối cảnh hiện tại là chưa rõ ràng. Có thể là hình thức sa thải, nhưng cũng có thể là việc công ty "đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động". Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 38 Bộ luật lao động (2012), thì công ty không có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi người lao động không vi phạm kỷ luật, trừ khi họ "thường xuyên không hoàn thành công việc theo HĐLĐ". (xem điều luật bên dưới).

Riêng việc bạn ở bộ phận kế toán, có liên quan, liên đới trách nhiệm gì không, về nguyên tắc trước hết căn cứ theo trách nhiệm của bạn theo thể hiện trong hợp đồng lao động và theo sự đánh giá và hướng giải quyết chủ quan của công ty. Với tư cách là người sử dụng lao động, công ty có quyền xác minh, tìm bằng chứng ... Nếu thực sự bạn có sai sót về nghiệp vụ hay tắc trách, thiếu trách nhiệm, “góp phần” vào việc công ty bị mất tài sản thì bạn cũng bị xem xét kỷ luật lao động, bao gồm cả biện pháp kỷ luật cao nhất là sa thải. (Nếu bạn không đồng ý thì có quyền khiếu nại hay thậm chí khởi kiện ra tòa. Ở đây chỉ là tình huống giả định).

Các vấn đề liên quan khác như: có giải quyết chế độ gì, bồi thường, hay thông báo trước 30 ngày ...vv - vì chưa xảy ra trên thực tế, nên nếu chúng tôi có trả lời cũng sẽ phức tạp và khó hiểu, phải giả định nhiều tình huống. Bạn nên tự tìm hiểu trong Bộ luật lao động (năm 2012) thì sẽ rõ ràng, dễ hiểu hơn. Thân mến.

.......

Quy định tại Bộ luật lao động (2012):

Điều 38. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động

1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp sau đây:


a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;

b) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đã điều trị 06 tháng liên tục, đối với người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.

Khi sức khỏe của người lao động bình phục, thì người lao động được xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động;

c) Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc;

d) Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại Điều 33 của Bộ luật này.

2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước:

a) Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

b) Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn;

c) Ít nhất 03 ngày làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này và đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.



Quý vị hãy gửi câu hỏi đến email ecolaw2@gmail.com - để được luật sư tư vấn (hoàn toàn miễn phí). Nội dung và câu hỏi gửi đến càng chi tiết, đầy đủ, thì nội dung trả lời sẽ càng chính xác, hiệu quả.  Các câu hỏi - đáp (được mã hoá tên, địa chỉ để bảo mật) sẽ được đăng trên blog này để mọi người cùng tham khảo, phổ biến pháp luật.


Câu lạc bộ Giám đốc nhân sự blog - địa chỉ tin cậy của mọi người

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét