Thứ Ba, 18 tháng 7, 2017

Bị sa thải: trách nhiệm và quyền lợi ra sao?

Hỏi : Tôi đã làm việc cho một công ty nước ngoài được 04 năm 04 tháng. Tuần trước (ngày 28/10/2016) tôi bị ban giám đốc Cty triệu tập và ra quyết định sa thải, chấm dứt HD lao động đối với tôi vì những lí do sau: 1- Yêu cầu xin lệnh giao hàng cho khách hàng mà chưa nhận được thư xác nhận đơn hàng của khách hàng. Tôi là đại diện bán hàng khu vực phía bắc nên mọi vấn đề về giao hàng đều do nhân viên phía trong nhà máy phụ trách, tôi chỉ đưa lệnh giao hàng để ban giám đốc duyệt sau đó bộ phận kế toán xuất hoá đơn và phiếu xuất kho xuống nhà máy mới cho giao hàng.

Bị sa thải là điều không người nào mong muốn (ảnh minh hoạ)


2- Tự ý chuyển kho hàng mẫu về nhà mà không thông báo cho ban lãnh đạo cty. Vì tôi là đại diện bán hàng tại khu vực phía bắc (Công ty này không có văn phòng đại diện, những lúc tôi không đi gặp khách hàng thì tôi ở nhà làm việc qua email & điện thoại), tôi phải tự tìm kho để hàng mẫu và lấy mẫu hàng ngày để gửi cho khách hàng. Nên tôi thấy để kho ở nhà mình là thuận tiện nhất cho việc nhận mẫu từ Công ty trong miền nam gửi ra và lấy mẫu gửi cho khách hàng ở khu vực phía bắc. 3- Tự ý cho đối thủ cạnh tranh đi cùng xe ô tô của công ty đi gặp khách hàng. Vì đối thủ cạnh tranh là một đồng nghiệp cũ làm cùng công ty nhưng sau đó đã xin nghỉ và mở công ty riêng kinh doanh mặt hàng giống như công ty của chúng tôi. Vì tôi đi đón đồng nghiệp tại sân bay Nội Bài ở Miền Nam ra thì thấy người đồng nghiệp này đang đứng nói chuyện cùng với người đồng nghiệp cũ kia nên chúng tôi đã đi cùng ô tô đến nhà máy của khách hàng.

Vì 03 lý do trên nên tôi đã phải chấm dứt hợp đồng lao động. Hai lí do ban đầu là 1&2 thì tôi bị nhận thư cảnh cáo và công ty sẽ có những hành động thích hợp theo luật pháp Việt Nam nếu không nhận được sự hợp tác từ tôi. Lí do thứ 3 là thư cảnh báo cuối cùng cho tôi và công ty quyết định chấm dứt hợp đồng lao động ngay tại thời điểm này. Cả 03 biên bản trên đều đưa ra cho tôi tại một thời điểm và TGĐ công ty tuyên bố sa thải tôi, ngay sau đó tôi phải bàn giao lai máy tính xách tay cho Công ty. Hiện nay kho hàng mẫu và một máy in vẫn đang để ở nhà tôi và công ty chưa cho người đến chuyển đi. Tôi vẫn chưa nhận được lương của tháng 10 và bất kỳ thông tin về việc trợ cấp xin việc mới. Tôi rất mong nhận được sự tư vấn và giúp đỡ của công ty luật Ecolaw để tôi có thể nắm rõ những quyền lợi và trách nhiệm của tôi trong việc này. Tôi xin chân thành cảm ơn và mong sớm nhận được thư phúc đáp. Kính chúc quí vị sức khỏe và luôn mang lại sự công bằng cho xã hội. Kính thư. (Tran Trung K.)


Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Qua những thông tin mà anh gửi đến, chúng tôi có vài ý trao đổi ngắn như sau:

Sa thải là hình thức kỷ luật lao động nghiêm khắc nhất, áp dụng cho trường hợp “người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, tiết lộ bí mật công nghệ, kinh doanh hoặc có hành vi khác gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của doanh nghiệp”. Công ty sa thải anh, có nghĩa là công ty đánh giá những sai phạm của anh là nghiêm trọng.

1. Những hành động của anh (3 hành động) thật khó để chúng tôi có thể đánh giá đó có phải là hành vi sai phạm nghiêm trọng hay không. Tuy nhiên, theo chúng tôi thì hành vi như vậy là không đứng mực, không nên và thiếu sự khôn khéo (anh có thể tự đặt mình vào vị trí là “chủ” công ty, thì sẽ thấy không/khó có thể chấp nhận được hành vi đó). Còn việc tự ý mang hàng về nhà là sai. Tuy nhiên, những sai phạm này có/đã gây thiệt hại cho công ty chưa thì chúng tôi cũng không thể đánh giá được. Theo tôi được biết, có những công ty qui định rõ nếu người nào có hành vi vi phạm, gây thiệt hại cho công ty từ 10 triệu đồng trở lên là bị sa thải.

2. Về nguyên tắc, nếu hành vi sai phạm của anh (tạm cho là như vậy) gây thiệt hại cho công ty, thì ngoài việc bị sa thải, anh còn có thể bị công ty yêu cầu (hoặc khởi kiện) đòi bồi thường thiệt hại. Ví dụ: một giám đốc chi nhánh tự ý lấy xe của công ty đi việc riêng và làm hư hỏng xe. Thì ngoài việc bị sa thải, công ty có quyền yêu cầu người này bồi thường chi phí sửa chữa xe.

3. Tuy nhiên, về mặt thủ tục thì việc công ty sa thải anh chỉ bởi một quyết định mà chưa tiến hành phiên họp xử lý kỷ luật lao động là không đúng. Về nguyên tắc, công ty phải tổ chức một cuộc họp để xử lý kỷ luật lao động. Tại phiên họp, công ty sẽ “kết tội” anh, và anh có quyền trình bày, bào chữa cho những sai sót của mình. Căn cứ vào kết quả của phiên họp, nếu có đủ căn cứ để sa thải anh – theo qui định tại Điều 126 Bộ luật lao động (năm 2012), thì giám đốc công ty mới ra quyết định sa thải anh.

4. Về quyền lợi, dù bị sa thải thì anh vẫn được nhận lương đến ngày bị sa thải và vẫn có chế độ bảo hiểm xã hội như mọi người lao động khác. Tuy nhiên, anh sẽ không được nhận tiền trợ cấp thôi việc và có thể bị công ty “cấn trừ” vào tiền lương, chế độ … - nếu (như đã nói trên) hành vi của anh gây thiệt hại cho công ty.

5. Vì hiện nay hàng hóa của công ty vẫn còn ở nhà anh, nên chắc chắn hai bên sẽ còn gặp nhau. Tốt nhất, anh nên để nghị công ty làm rõ tất cả các vấn đề trên. Các vấn đề chi tiết như thế nào chúng tôi nghĩ rằng mình không cần thiết phải nói thêm ra. Anh cũng nên tìm đọc Bộ luật lao động (2012) để nắm rõ hơn về các vấn đề khác có liên quan. Chúc anh mọi điều tốt đẹp.



Quý vị hãy gửi câu hỏi đến email ecolaw2@gmail.com - để được luật sư tư vấn (hoàn toàn miễn phí). Nội dung và câu hỏi gửi đến càng chi tiết, đầy đủ, thì nội dung trả lời sẽ càng chính xác, hiệu quả.  Các câu hỏi - đáp (được mã hoá tên, địa chỉ để bảo mật) sẽ được đăng trên blog này để mọi người cùng tham khảo, phổ biến pháp luật.


Câu lạc bộ Giám đốc nhân sự blog - địa chỉ tin cậy của mọi người

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét