Thứ Hai, 10 tháng 7, 2017

Công ty không trả lương đã 9 tháng, lại đòi phải bàn giao sổ sách, tính sao?

Hỏi: Chào Luật Sư! Tôi có 2 vấn đề khó hiểu rất mong nhận được ý kiến luật sư tư vấn. Nội dung như sau: Tôi tên Nguyễn A., hiện là kế toán tại công ty TNHH XD B. Văn phòng đặt tại nhà riêng của giám đốc tại TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Nhưng tôi làm công tác tại đội thi công Công trình thủy điện đặt tại Đăk Nông. Thời gian vào làm việc từ ngày 21/04/2016 đến nay đảm nhận nhiệm vụ kế toán, lập báo cáo và ghi chép những chi phí phát sinh tại đội. Như: báo cáo thuế, đi ngân hàng, giao dịch chứng từ, xuất hóa đơn. Mức lương trả hàng tháng là : 5.000.000 đồng/tháng + tiền ăn hỗ trợ 40.000đ/ngày + các chi phí công tác.

Khi NSDLĐ trả lương không đầy đủ và đúng thời hạn, NLĐ có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ (ảnh minh hoạ)

Vấn đề 1: Trong thời gian làm việc vừa qua công ty còn nợ chưa thanh toán tiền lương cho chúng tôi đã 9 tháng 20 ngày. Đã thế tôi và một số nhân viên khác trong công ty không được Công ty ký hợp đồng lao động cũng như hưởng các chế độ khác như BHXH, BHYT,... Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên ban lãnh đạo công ty giải quyết nhưng ban giám đốc cứ hẹn nhiều lần và cuối cùng là bảo với chúng tôi là không từng ký hợp đồng với ai và cũng không chịu trả hay chứng thực là đã nợ số tiền nêu trên. Hiện tại chúng tôi chỉ biết nằm chờ vì công ty cũng không nói rằng bố trí công tác cho chúng tôi hay thôi việc hoặc nghỉ việc hưởng 70% lương theo quy định. Khiến chúng tôi không dám đi xin việc khác cũng như không dám lên đội thi công tập trung vì từ tháng 11/2011 công ty đã không hề cấp cho chúng tôi bất cứ khoản tiền nào về xe cũng như tiền ăn nằm chờ việc. Vậy xin hỏi luật sư có thể hướng dẫn chúng tôi để đòi quyền lợi chính đáng cũng như tìm việc để đảm bảo cuộc sống.

Vấn đề 2: Do đặc thù công việc nên tôi phải quản lý chứng từ cũng như hóa đơn thuế GTGT của Công ty. Nhưng vừa rồi giám đốc công ty bảo tôi phải bàn giao lại hóa đơn cho vợ mà không có chức danh quyền hạn cũng không có vị trí nào trong công ty.  Chính vì lý do đó nên tôi không bàn giao vì tôi không hiểu tại sao phải bàn giao trong khi tôi còn đang công tác và đang làm báo cáo hàng tháng đầy đủ cho công ty. Vì lẽ đó nên đôi khi nhất quyết không giao vì có liên quan trực tiếp tới quyền lợi của tôi vì nếu lỡ mất thì tôi phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật. Về việc đó nên vừa rồi giám đốc có cử Phó GĐ đến nhà riêng của tôi, hăm dọa sẽ xử tôi nếu tôi không không giao ra hóa đơn theo thời hạn mà ông ta đưa ra là 2 ngày và còn lấy thêm lý do là bởi vì tôi không có HĐLĐ rằng nếu không giao ra hóa đơn thì sẽ kiện tôi tội ăn cắp hóa đơn thuế GTGT. Dựa vào những điểm trên tôi thật không biết mình đã làm sai điều gì nên tôi rất hoang mang lo sợ vì lời đe dọa nêu trên. Mục đích tôi giữ hóa đơn là cũng để tiện cho công tác quản lý và báo cáo vì chưa tìm được người thích hợp để bàn giao. Hơn thế nữa tôi muốn tạo áp lực cho công ty phải giải quyết cho tôi chúng những khoản tiền lương công ty còn nợ cũng như quyền lợi chính đáng mà chúng tôi được hưởng. Vậy xin hỏi luật sư có thể cho tôi biết có nên giao hóa đơn ra và sẽ mất hết quyền lợi vì công ty sẽ không thừa nhận. Hay giữ lại và vẫn làm báo cáo kịp thời chờ bên kia kiện tôi tội ăn cắp hóa đơn. Tôi xin chân thành cám ơn (Ng A.)


Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Qua câu chuyện của anh, cho thấy Giám đốc nói riêng và công ty này nói chung có kiểu làm việc rất ngang ngược, bất chấp pháp luật và điều đáng nói hơn là cũng không có lương tâm, tình người gì cả. Những doanh nghiệp như vậy không chỉ riêng anh, mà tất cả mọi người đều không nên làm việc.

Chắc anh đã tìm hiểu và biết về nguyên tắc, công ty phải ký hợp đồng với người lao động, phải đóng các khoản chế độ như BHXH, BHYT, hàng tháng phải trả lương …vv. Luật qui định, nếu người lao động làm việc thời gian dài mà hai bên không ký hợp đồng lao động chính thức thì vẫn được xem như giữa hai bên có một hợp đồng lao động thuộc dạng “không xác định thời hạn”.

Luật cũng qui định người sử dụng lao động (công ty) có trách nhiệm trả lương đầy đủ, theo tháng (hoặc tuần, ngày) và đúng kỳ hạn. Do vậy, việc công ty không trả lương cho anh và những người khác tới hơn 9 tháng là vi phạm ở mức độ nghiêm trọng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động.

Sau đây tôi sẽ lần lượt trả lời từng vấn đề anh hỏi:

Vấn đề thứ 1: Trong trường hợp này, anh (cũng như những người khác) có thể lựa chọn một trong hai hướng giải quyết như sau (ngay lập tức, không nên trễ ngày nào):

Một là: tiếp tục làm việc và gửi đơn tới Phòng LĐTBXH TP. Tuy Hòa, nhờ can thiệp, yêu cầu công ty trả lương đầy đủ. Nếu không được thì có thể kiện ra tòa án. Cùng với việc đòi tiền lương, anh còn có quyền đòi thêm tiền lãi do chậm thanh toán tiền lương, tiền BHXH, BHYT.

Hai là: nghỉ việc bằng cách đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, sau đó làm đơn yêu cầu giải quyết chế độ theo hướng như nêu tại phương án một ở trên.

Theo qui định tại khoản 3 điều 37 Bộ luật lao động, khi nghỉ việc anh cần có đơn báo trước cho công ty ít nhất 45 ngày. Lý do nghỉ là “không được trả lương đầy đủ và đúng thời hạn”.

Việc khiếu nại (hay kiện tụng) của anh hầu như là chắc thắng. Nhưng để thành công và có hiệu quả cao, anh phải chuẩn bị sẵn những chứng cứ để chứng minh những điều anh trình bày là đúng sự thật. Chứng cứ ở đây có thể là tài liệu, giấy tờ, nhân chứng … Anh hãy tự mình trả lời những câu hỏi sau đây:

- Bằng chứng nào chứng minh anh là người lao động, làm việc tại công ty, với vị trí là “kế toán” ?

- Bằng chứng nào chứng minh rằng anh đã làm việc tại công ty từ ngày 2/4/2016 đến nay?

- Bằng chứng nào chứng minh rằng anh đã thỏa thuận nhận lương 5.000.000 đồng/tháng?

Vấn đề thứ 2: Hướng giải quyết theo kiểu nói rằng sẽ “tố cáo anh về tội ăn cắp hóa đơn” do anh “không có hợp đồng lao động” cho thấy ông giám đốc này thậm chí còn có máu ... giang hồ. Nhưng anh đừng sợ. Vì anh đâu có “ăn cắp” hóa đơn của công ty. Ngược lại, nếu ông giám đốc này mà tố cáo "tào lao" như vậy thậm chí còn có khả năng bị dính đòn “hồi mã thương” – có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “vu khống”.

Theo tôi, trước mắt anh vẫn nên không giao hóa đơn, sổ sách cho ai cả. Anh cứ nói thẳng với giám đốc là nếu ông yêu cầu tôi chuyển giao cho bất kỳ ai thì phải có văn bản rõ ràng. Nếu không, lỡ có chuyện gì ai sẽ chịu trách nhiệm? Đồng thời, anh cũng có thể ra điều kiện rằng chỉ khi nào trả lương cho tôi xong thì tôi mới bàn giao. Mà muốn bàn giao thì cũng phải có quyết định thôi việc – giải quyết theo đúng qui định của pháp luật, bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

Ý cuối, dù phần trao đổi như trên là đã khá rõ, tôi nghĩ anh vẫn nên nhờ luật sư hay tìm đến Trung tâm trợ giúp pháp lý tại địa phương nhờ hỗ trợ thêm (nhất là trong việc soạn thảo đơn từ cho thêm phần chặt chẽ).

Chúc anh và mọi người sớm nhận được quyền lợi của mình một cách thỏa đáng. 

..........

Quy định tại Bộ luật lao động 2012:

Điều 37. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động
1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn trong những trường hợp sau đây:

a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;

b) Không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;

c) Bị ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động;

d) Bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động;
đ) Được bầu làm nhiệm vụ chuyên trách ở cơ quan dân cử hoặc được bổ nhiệm giữ chức vụ trong bộ máy nhà nước;

e) Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền;

g) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 90 ngày liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và một phần tư thời hạn hợp đồng đối với người làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa được hồi phục.

2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 1 Điều này, người lao động phải báo cho người sử dụng lao động biết trước:

a) Ít nhất 3 ngày làm việc đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và g khoản 1 Điều này;

b) Ít nhất 30 ngày nếu là hợp đồng lao động xác định thời hạn; ít nhất 03 ngày làm việc nếu là hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng đối với các trường hợp quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều này;

c) Đối với trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều này thời hạn báo trước cho người sử dụng lao động được thực hiện theo thời hạn quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.

3. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.


Quý vị hãy gửi câu hỏi đến email ecolaw2@gmail.com - để được luật sư tư vấn (hoàn toàn miễn phí). Nội dung và câu hỏi gửi đến càng chi tiết, đầy đủ, thì nội dung trả lời sẽ càng chính xác, hiệu quả.  Các câu hỏi - đáp (được mã hoá tên, địa chỉ để bảo mật) sẽ được đăng trên blog này để mọi người cùng tham khảo, phổ biến pháp luật.


Câu lạc bộ Giám đốc nhân sự blog - địa chỉ tin cậy của mọi người

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét