Thứ Hai, 10 tháng 7, 2017

Công ty nợ lương đã 6 tháng, không có HĐLĐ, cũng không biết công ty ở đâu: làm sao để bảo vệ quyền lợi?

Hỏi: Xin chào các luật sư. Tôi có 2 vấn đề rất mong muốn các luật sư giải đáp cho: Vấn đề 1: Sau khi ra trường, vào cuối tháng 3/2016 tôi đi xin việc và được vị giám đốc công ty TNHH XXX tuyển dụng và được phân bố làm kỹ thuật cầu tại công trường ở miền núi. Lúc đầu giám đốc nói sẽ thử việc 2 tháng với mức lương 5 triệu/tháng + tiền ăn 40 ngàn/ngày.  Vào đầu tháng 6/2016, giám đốc có lên công trường và trả cho tôi được 10 triệu tiền lương và cũng thống nhất bằng miệng bắt đầu tăng lương cho tôi lên 6,5 triệu đồng kể từ tháng 6 trở đi.

NSDLĐ có trách nhiệm trả lương cho NLĐ (ảnh minh hoạ)

Trong thời gian làm việc vừa qua tới nay công ty còn nợ chưa thanh toán tiền lương cho tôi là 6 tháng 10 ngày. Đã thế tôi và một số nhân viên khác trên công trường không được công ty ký hợp đồng lao động cũng như hưởng các chế độ khác như BHXH, BHYT,... Tôi đã nhiều lần kiến nghị lên nhưng giám đốc cứ hẹn nhiều lần và cuối cùng là bảo với chúng tôi là không từng ký hợp đồng lao động với ai và cũng không chịu trả hay chứng thực là sẽ tăng lương và đã nợ số tiền nêu trên. Với vấn đề như trên tôi xin hỏi luật sư: trong khi không có hợp đồng vậy mình có cách nào để đòi lại quyền lợi, và làm trong thời gian bao lâu? Khi không có hợp đồng lao động giữa hai bên thì có vẫn được xem như giữa hai bên có một hợp đồng lao động thuộc dạng “không xác định thời hạn”?

Vấn đề 2: Trong giấy tờ tôi thấy công ty của ông giám đốc đóng tại địa điểm ở quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng. Nhưng khi tôi tới thăm dò và hỏi thì mọi người ở đây không ai biết cả, và được biết công ty này chỉ có mình ông ta làm giám đốc thôi. Liệu khi mình khiếu nại vậy chính quyền có giải quyết được không? khi làm đơn mình gởi đến nơi nào để được giải quyết? ( tôi có đơn xác nhận công tác tại công ty do ông B đóng dấu ).  Tôi rất mong các luật sư giải đáp và chỉ ra cách để đòi lại công bình cho người lao động nói chung và đặc biệt cho những người làm trên công trình miền núi nói riêng. Xin chân thành cảm ơn! (Binh V.)


Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Trường hợp như anh nêu đúng là hiếm gặp và thật sự khó mà nghĩ rằng trên thực tế là có những kiểu công ty như vậy. Đúng là bó tay, khóc ròng!

Với thực tế như anh nói, thì thậm chí ông giám đốc còn có dấu hiệu lừa gạt người lao động. Ở đây là sự bóc lột sức lao động, chiếm đoạt tiền lương/tiền công của người lao động. 

Xét về mặt pháp lý, với những tình tiết như anh kể, dù không có một bản hợp đồng lao động mực đen giấy trắng giữa hai bên, nhưng có thể khẳng định giữa hai bên đã tồn tại một quan hệ hợp đồng lao động. Theo đó, phía công ty (đại diện là ông giám đốc) là người sử dụng lao động. Còn anh, và những người khác, là “người lao động” của công ty. Quan hệ lao động giữa hai bên được điều chỉnh bởi những qui định trong Bộ luật lao động hiện hành. Do hai bên không thỏa thuận một cách cụ thể sau khi kết thúc thời gian thử việc, nên có thể xem như giữa hai bên có một hợp đồng lao động thuộc dạng “không xác định thời hạn”.

Về nguyên tắc, người lao động có nghĩa vụ trả lương và đóng (một phần) các khoản bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, trả công tác phí … cho người lao động. Ở đây, công ty đã nợ lương anh tới hơn 6 tháng, đây là hành vi vi phạm hợp đồng lao động. Do vậy, theo thủ tục chung, trước mắt anh gửi “Đơn khiếu nại về việc nợ tiền lương” đến Phòng LĐTBXH huyện – nơi anh đang làm việc nhờ giúp đỡ. Nơi đây sẽ mời ông giám đốc và anh lên giải quyết, hòa giải. Nếu ông giám đốc vẫn không đồng ý hay tự nguyện thanh toán các khoản lương, chế độ theo qui định, thì anh có quyền kiện công ty ra Tòa án, yêu cầu công ty trả lương và các khoản chế độ cho mình.

Vấn đề khá khó khăn ở đây có thể là việc cần phải tìm và cung cấp chính xác địa chỉ của công ty, chi nhánh công ty và nơi ông giám đốc đang ở. Có như vậy, các cơ quan chức năng mới có thể liên hệ và mời lên làm việc. Vì đây là một vụ tranh chấp lao động/dân sự, nên phía anh phải có nghĩa vụ tự mình tìm, xác minh và cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng (tòa án, Phòng LĐTBXH …).

Theo tôi nghĩ, dù sao ty công ty mà anh làm việc cũng không thể là một công ty “ma”. Do vậy, anh vẫn có cơ hội để truy tìm. Tuy nhiên, trong bối cảnh như hiện nay, trước hết anh nên chấm dứt, không tiếp tục làm việc trong khi công ty đang nợ lương quá nhiều như vậy mà đi tìm công việc mới. (Trong trường hợp này anh có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ mà không có lỗi gì).

Còn việc khiếu nại, khởi kiệm đòi tiền lương tuy về mặt lý thuyết thì có vẻ đơn giản, nhưng trên thực tế sẽ rất nhiêu khê, khó khăn và thậm chí tốn kém, mất thời gian. Do vậy, anh cũng không nhất thiết phải “sống chết” về chuyện này ngay lúc này. Mà cứ làm một cách thong thả trong tư tưởng. Hoặc nếu gặp được ông giám đốc, anh có thể thỏa thuận cho ông ta nợ tiền lương trong một thời gian nữa, chẳng hạn là 6 tháng. Nhưng phải có giấy tờ rõ ràng.

Tôi gửi lời chia sẻ và thông cảm về những khó khăn của anh. Và chúc anh sớm đòi được tiền lương, tìm được công việc mới tốt đẹp hơn. 


Quý vị hãy gửi câu hỏi đến email ecolaw2@gmail.com - để được luật sư tư vấn (hoàn toàn miễn phí). Nội dung và câu hỏi gửi đến càng chi tiết, đầy đủ, thì nội dung trả lời sẽ càng chính xác, hiệu quả.  Các câu hỏi - đáp (được mã hoá tên, địa chỉ để bảo mật) sẽ được đăng trên blog này để mọi người cùng tham khảo, phổ biến pháp luật.


Câu lạc bộ Giám đốc nhân sự blog - địa chỉ tin cậy của mọi người

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét