Thứ Tư, 19 tháng 7, 2017

Dân số Việt Nam đang già với tốc độ nhanh gấp 4 lần nước giàu

Các nước giàu mất vài thập kỷ, thậm chí cả thế kỷ để chuyển sang thời kỳ dân số già, còn Việt Nam chỉ trong 22 năm. Già hóa dân số là một trong những biến đổi nhân khẩu lớn nhất trên thế giới hiện nay. Trung bình cứ một giây có 2 người bước vào tuổi 60, 9 người thì có một từ 60 tuổi trở lên. Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và hiện có khoảng 10 triệu người cao tuổi, chiếm 11% dân số. Dự báo đến năm 2030, tỷ trọng người cao tuổi nước ta là 17% và 20 năm sau đạt 25%.

Người già Việt Nam chật vật kiếm sống hằng ngày. Ảnh: Channel news asia



Theo quy chuẩn về nhân khẩu thế giới, giai đoạn già hóa dân số của một nền kinh tế là khi nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên chiếm 10%. Khi nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên chiếm 20% tổng dân thì được xem là giai đoạn dân số già.

Các nền kinh tế phát triển phải mất vài thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già. Ví dụ Australia mất 73 năm, Mỹ phải 69 năm, Canada 65 năm để bước sang giai đoạn dân số già. Trong khi đó Việt Nam chỉ mất 22 năm để chính thức bước vào giai đoạn dân số già, tiến sĩ Nguyễn Văn Tân, Phó tổng Cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho biết tại hội thảo về già hóa dân số diễn ra tại Hà Nội ngày 17-18/7.


“Già hóa dân số là đặc trưng của những nước thu nhập cao, không phải tại các nước thu nhập thấp. Việt Nam là nước có thu nhập trung bình nhưng đã bước vào giai đoạn già hóa dân số với tốc độ rất nhanh”, ông Tân nói. Đại diện Ngân hàng Thế giới cũng nhấn mạnh: “Lịch sử các nước cho thấy dân số già khi đã giàu còn Việt Nam thì khác. Dân số Việt Nam đang già hóa nhanh chóng nhưng mức thu nhập lại thấp hơn so với hầu hết các nước có dân số già hiện nay”.

Nguyên nhân của thực trạng này là tuổi thọ bình quân ngày càng tăng trong khi tỷ suất sinh và tỷ suất chết giảm. Thực trạng này không chỉ mang đến nhiều cơ hội phát triển kinh tế xã hội mà còn đặt ra nhiều thách thức lớn đối với những chính sách liên quan công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Tại Việt Nam, số người cao tuổi được hưởng lương hưu, trợ cấp xã hội chỉ chiếm gần 30%. Còn 70% số người cao tuổi còn lại không nhận được trợ cấp. Chính vì vậy, rất nhiều người cao tuổi vẫn phải tự lao động và kiếm sống.

Bên cạnh đó, người Việt sống thọ nhưng không khỏe mạnh. Nửa thế kỷ qua, tuổi thọ trung bình của dân số thế giới tăng thêm 21 tuổi còn Việt Nam tăng đến 33 tuổi. Tuy nhiên, trung bình mỗi người cao tuổi ở nước ta phải chịu 14 năm bệnh tật trong cuộc sống của mình, với tỷ lệ một người mắc 2,69 bệnh.

Các chuyên gia khuyến nghị trong 22 năm trước khi “về già” Việt Nam cần tận dụng thời gian để điều chỉnh chính sách nhằm giảm nhẹ các tác động do già hóa dân số gây ra, đặc biệt là chuẩn bị tiềm lực kinh tế, phát triển an sinh xã hội để mang lại cuộc sống hạnh phúc cho người cao tuổi.


Nam Phương

...........


Dân số Việt đứng trước ngưỡng 'siêu già'

Nếu các nước phát triển mất hàng thế kỷ chuyển từ già hóa dân số sang dân số già, thì Việt Nam chỉ mất 16-18 năm, dự báo đạt mức "siêu già" vào năm 2050.

Chia sẻ tại hội thảo hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia về Dân số diễn ra ngày 23/11, bác sĩ Mai Xuân Phương, Tổng Cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế, cho biết tình trạng mức sinh giảm nhanh, mức chết giảm, tuổi thọ tăng khiến Việt Nam đứng trước nhiều thách thức già hóa dân số. Trong nửa thế kỷ qua, trong khi tuổi thọ trung bình của thế giới tăng thêm 21 tuổi thì Việt Nam tăng đến 33 tuổi.

Theo bác sĩ Phương, tăng tuổi thọ là một trong những thành tựu vĩ đại của loài người. Tuổi thọ Việt Nam hiện đạt mức cao với trung bình 73 tuổi nhưng gánh nặng bệnh tật cũng cao. Khoảng 95% người cao tuổi có bệnh, chủ yếu là các bệnh mãn tính, đặt ra nhiều khó khăn trong chăm sóc sức khỏe.

Thống kê cho thấy trên 70% người cao tuổi phải tự lao động kiếm sống cùng với sự hỗ trợ của con cháu và gia đình. Chỉ có 25,5% sống bằng lương hưu hay trợ cấp xã hội. Tỷ lệ đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, sản xuất khó khăn do thiên tai, dịch họa dẫn đến thu nhập của người nông dân nói chung, người cao tuổi nói riêng còn thấp.

Khoảng 72,3% số người cao tuổi sống cùng con cháu, trong khi xu hướng quy mô gia đình Việt Nam đang chuyển dần từ gia đình truyền thống sang gia đình hạt nhân. Tình trạng người cao tuổi sống không có vợ/chồng chiếm tỷ lệ cao, trong đó số cụ bà cô đơn cao gấp 5,44 lần so với cụ ông. Phụ nữ cao tuổi sống ly hôn, ly thân gấp 2,2 lần so với nam giới. Việc phải sống một mình là điều rất bất lợi đối với người cao tuổi, bởi gia đình luôn là chỗ dựa cơ bản cho mỗi thành viên khi về già.

Nữ giới chiếm tỷ trọng cao trong số người già, dẫn đến hiện tượng "nữ hóa dân số cao tuổi" ở Việt Nam. Phụ nữ cao tuổi thường phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn so với nam giới cao tuổi xét về thu nhập, tình trạng sức khỏe cũng như khả năng tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế.

"Tỷ lệ người cao tuổi hiểu biết về quyền lợi dành cho họ không cao. Hệ thống an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe chưa đáp ứng được nhu cầu", ông Phương nhấn mạnh. Khoảng 30% người cao tuổi không có bất cứ loại bảo hiểm y tế nào, 50% không đủ tiền chi trả điều trị.

Theo ông Phương, hiện nay nhận thức và hành vi của người dân chưa thích ứng với xã hội già hóa. Một bộ phận xã hội còn có quan niệm thiên lệch rằng người cao tuổi là gánh nặng. Người già cần được tạo cơ hội để đóng góp vào quá trình phát triển và được chia sẻ các lợi ích, phát huy lợi thế bản thân. Cần có chiến lược dài hạn làm chậm lại quá trình "già hóa dân số", duy trì mức sinh thấp hợp lý. Việc mở rộng và đa dạng hóa các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi là rất cần thiết. Ngày Dân số Việt Nam 26/12 năm nay tập trung vào thông điệp “Cộng đồng chung tay chăm sóc người cao tuổi”.

Lê Phương

Nguồn: VnExpress
.......

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét