Thứ Tư, 19 tháng 7, 2017

Doanh nghiệp nợ BHXH: Quá khó khi năng suất lao động thấp và tỷ lệ đóng cao

Ls. Trần Hồng Phong/

Tin từ Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho hay tính đến cuối tháng 10-2016, doanh nghiệp đang nợ tiền BHXH lên tới trên 14.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, nói một cách công bằng, BHXH đang là gánh nặng quá lớn đối với nhiều doanh nghiệp, trong bối cảnh năng suất lao động rất thấp, tỷ lệ đóng rất cao, chứ không hẳn doanh nghiệp nào cũng có ý đồ xấu hay coi thường pháp luật.

Bản thân doanh nghiệp cũng chịu nhiều áp lực và khó khăn trong việc đóng BHXH (ảnh minh hoạ)



Tỷ lệ đóng của doanh nghiệp quá cao

So với nhiều nước và ngay trong khối ASEAN, Việt Nam đang có mức đóng BHXH cao nhất. Dù chưa tính khoản phí công đoàn chúng ta đang quy định đóng bảo hiểm ở mức 32,5% mức lương tháng, trong đó doanh nghiệp đóng 22%, người lao động đóng 10,5%. Trong khi đó, Malaysia chỉ đóng BHXH 13%, Philippines 10%, Indonesia 8%... Tỷ lệ đóng BHXH giữa doanh nghiệp và người lao động ở ta cũng khác rất xa, khi nhiều nước quy định doanh nghiệp và người lao động đóng bằng nhau, mỗi bên 50%. Đây là những thông tin do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra gần đây.

BHXH Việt Nam thường nêu lý do Việt Nam đóng cao thì người lao động sẽ được hưởng lương cao khi về hưu. Nhưng theo tôi điều này là không thuyết phục, vì chúng ta chỉ nhìn mục tiêu một cách duy ý chí, mà không đánh giá đúng thực trạng và khả năng đóng BHXH của doanh nghiệp hiện nay. Tình trạng nợ BHXH ngày càng tăng không đơn giản chỉ là do duy nhất phía doanh nghiệp, mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan khác.

Chỉ riêng việc doanh nghiệp phải đóng BHXH cao như hiện nay và hạch toán vào giá thành, đã khiến giá thành sản phẩm sản xuất tại Việt Nam tăng cao, làm giảm sức cạnh tranh. Doanh nghiệp sẽ càng khó khăn hơn. Tại sao và căn cứ vào đâu, mà Việt Nam quy định doanh nghiệp phải đóng BHXH cao gấp đôi người lao động? Điều này có lẽ cần được xem xét, đánh giá lại. Theo tôi biết, đã có ý kiến đề nghị giảm mức đóng BHXH của doanh nghiệp để tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam.

Đóng nhiều nhưng hiệu quả kém do năng suất lao động quá thấp

Theo quy định hiện nay, người lao động làm việc tại doanh nghiệp bắt buộc phải tham gia BHXH, không có ngoại lệ nào cả. Giả sử một công nhân làm việc có mức lương 6 triệu đồng/tháng (đủ sống ở mức cơ bản tối thiểu tại khu vực TPHCM), thì hàng tháng doanh nghiệp sẽ phải đóng hơn 1,3 triệu đồng và người lao động đóng 600.000 đồng. Như vậy, số tiền doanh nghiệp thực tế chi ra cho một người lao động là 7,3 triệu đồng (gồm trả lương và đóng BHXH). Điều này cho thấy gánh nặng của doanh nghiệp rõ ràng là rất lớn.

BHXH bắt buộc toàn diện là chuẩn mực của một xã hội, của một nền kinh tế đã phát triển ở mức độ cao. Thực trạng kinh tế xã hội ở Việt Nam hiện chưa đạt tới tầm mức có thể thực hiện hay áp đặt một cách tuyệt đối những mục tiêu và quy định như pháp luật đưa ra hiện nay.


Với chi phí phải trả như vậy, đòi hỏi người lao động phải tạo ra một giá trị sản phẩm tối thiểu tương đương khoảng 9 triệu đồng/tháng thì doanh nghiệp mới có thể tồn tại được. Một doanh nghiệp có 100 lao động với mức lương như trên, thì quỹ lương (bao gồm cả đóng BHXH) đã lên tới gần 1 tỉ đồng/tháng. Càng nhiều người lao động, thì áp lực và số tiền phải đóng BHXH rất cao. Chính điều này cho thấy để có thể đóng BHXH, doanh nghiệp bắt buộc phải cắt giảm lao động ở mức thấp nhất, cùng đó là năng suất của người lao động phải cao.

Thế nhưng, thực tế cho thấy hiện nay năng suất lao động của Việt Nam đang rất thấp. Theo nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đưa ra gần đây, năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn Singapore tới gần 16 lần, thấp hơn Nhật 11 lần và Hàn Quốc 10 lần. Giả sử tỷ lệ đóng BHXH giữa Hàn Quốc và Việt Nam là giống nhau đi nữa, thì rõ ràng doanh nghiệp Việt Nam đang phải chịu áp lực đóng BHXH cao gấp nhiều lần so với doanh nghiệp các nước khác, do năng suất lao động quá thấp.

Năng suất lao động thấp như vậy rõ ràng không phải là lỗi và cũng không nằm trong khả năng của doanh nghiệp.

Cần thay đổi từ nhiều phía và mất nhiều thời gian


Trước thực trạng nợ BHXH như hiện nay, các cấp có thẩm quyền nhà nước thường nêu quan điểm theo hướng chỉ trích, quy kết hết mọi trách nhiệm cho doanh nghiệp, như cố tình chiếm đoạt tiền BHXH của người lao động, coi thường pháp luật.

Về mặt pháp luật, có xu hướng tăng nặng chế tài. Thậm chí, truy cứu trách nhiệm hình sự ở mức rất nặng. Chẳng hạn, theo điều 219 Bộ luật Dân sự (năm 2015, chưa có hiệu lực thi hành) quy định về tội trốn đóng BHXH, chỉ cần doanh nghiệp không đóng hoặc không đóng đầy đủ từ sáu tháng trở lên, với số tiền nợ trên 50 triệu đồng là người chủ đã có thể bị phạt tù.

Theo tôi, những quy định quá nghiêm khắc như vậy, trong bối cảnh như nói trên, chưa chắc đã tốt, mà có thể như con dao hai lưỡi, khiến giới doanh nhân, doanh nghiệp “sợ hãi” mà giảm quy mô sản xuất, cắt giảm lao động. Hay tệ hơn nữa là thay vì đầu tư tạo công ăn việc làm cho xã hội thì lại rút khỏi kinh doanh, chọn con đường an toàn. Điều này rõ ràng ảnh hưởng đến cả nền kinh tế, xã hội.

Dù hoàn toàn không nghi ngờ hay phản đối ý nghĩa tích cực của BHXH, nhưng tôi vẫn cho rằng BHXH bắt buộc toàn diện là chuẩn mực của một xã hội, của một nền kinh tế đã phát triển ở mức độ cao. Thực trạng kinh tế xã hội ở Việt Nam hiện chưa đạt tới tầm mức có thể thực hiện hay áp đặt một cách tuyệt đối những mục tiêu và quy định như pháp luật đưa ra hiện nay.

Chúng ta không nên tuyệt đối hóa việc tham gia BHXH như là con đường, giải pháp sống duy nhất cho người dân nói chung, người lao động nói riêng khi về già. Mà nên có những giải pháp trung gian, đa dạng và linh hoạt hơn.

Về giải pháp, theo tôi cần tổng thể và có thời gian. Chẳng hạn như:

Giảm tỷ lệ đóng BHXH đối với doanh nghiệp. Linh hoạt giữa BHXH bắt buộc và tự nguyện. Thậm chí có những quy định mở như cho phép thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người lao động về BHXH (mức đóng, hình thức đóng, tỷ lệ đóng, nội dung đóng…). Tham gia BHXH đang được hiểu là nghĩa vụ, nhưng bản chất chính là quyền lợi của người lao động. Đã là quyền lợi, thì sao lại quá cứng nhắc, tạo sức ép quá lớn cho doanh nghiệp và cả người lao động?

Khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp tăng năng suất lao động thông qua việc đầu tư máy móc, công nghệ, đào tạo nghề… Nhìn xa hơn, là nâng cao chất lượng đào tạo, dạy nghề. Đây là trách nhiệm của Nhà nước.

Ngoài ra, tuy là gián tiếp, nhưng cần phải tinh giản bộ máy cồng kềnh của BHXH Việt Nam, công khai minh bạch về quỹ BHXH. Việc này là rất quan trọng, để người lao động và doanh nghiệp có thêm sự tin tưởng vào việc đóng BHXH.

.........

Đến nay, mới chỉ có một vụ kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội

Tại hội nghị triển khai các giải pháp khởi kiện, thanh tra, thu hồi nợ BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (gọi chung là BHXH) diễn ra gần đây, ông Trần Đình Liệu, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam, cho hay số nợ BHXH đang tăng lên nhanh chóng. Nếu như đến tháng 9-2016, tổng số nợ BHXH là 13.100 tỉ đồng thì chỉ sau một tháng, con số này đã là hơn 14.200 tỉ đồng, chưa kể tới số nợ của các doanh nghiệp giải thể, phá sản, bỏ trốn, và của hai tập đoàn kinh tế nhà nước lớn là Vinashin, Vinalines gây ra.

Người lao động đã bị trừ tiền lương đóng BHXH rồi nhưng bị doanh nghiệp chiếm dụng. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới quyền lợi chính đáng của người lao động mà còn làm cho các công cụ, biện pháp thi hành pháp luật của Nhà nước không thực hiện được.

Theo Cơ quan BHXH Việt Nam, tổng số thu tính đến giữa tháng 11 năm nay chỉ đạt 78% kế hoạch thu, do đó, từ nay tới cuối năm, nếu muốn đạt được kế hoạch thu đề ra, ngoài việc mở rộng đối tượng phải nộp thì việc khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH là biện pháp rất quan trọng.

Theo ông Liệu, Luật BHXH năm 2014 có điểm mới là quy định tổ chức công đoàn sẽ chịu trách nhiệm khởi kiện các doanh nghiệp nợ đọng BHXH. Theo quy trình, ngành BHXH chuẩn bị toàn bộ danh sách, hồ sơ doanh nghiệp nợ BHXH cũng như đơn khởi kiện... rồi chuyển qua công đoàn và công đoàn chỉ việc ký vào đơn khởi kiện gửi ra tòa.

Thế nhưng, theo thông tin tại hội nghị nói trên, sau gần một năm kể từ khi luật có hiệu lực, chỉ duy nhất có một vụ khởi kiện doanh nghiệp nợ đọng BHXH trên cả nước do Liên đoàn Lao động Đà Nẵng đứng ra thực hiện vào tháng 6 vừa qua.

Trong khi đó, ông Lương Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, BHXH Việt Nam, cho hay tính đến 15-11, cơ quan BHXH các cấp đã cung cấp danh sách, hồ sơ 95 đơn vị sử dụng lao động nợ tiền BHXH cho công đoàn để thực hiện việc khởi kiện, trong đó nhiều nhất là ở tỉnh Điện Biên (51 hồ sơ), Nam Định (chín hồ sơ).

Ông Tuấn cho rằng tới nay chỉ có một vụ khởi kiện là do sự thiếu tự tin của các tổ chức công đoàn vì những vướng mắc trong quy định pháp luật cũng như trong quá trình thực hiện. Hơn nữa, quy định về thủ tục khởi kiện các vụ án lao động là phải qua các bước như ủy quyền của người lao động, tổ chức công đoàn cơ sở... Ngoài ra, lãnh đạo địa phương thường quan tâm đến việc ổn định hoạt động cho doanh nghiệp cũng khiến cho liên đoàn lao động các tỉnh còn ngại trách nhiệm, sợ kiện không chính xác...

Do đó, theo ông Tuấn, cần phải giải quyết vướng mắc ở khâu ủy quyền khởi kiện để công đoàn các cấp có đủ tự tin, chủ động khởi kiện vi phạm của người sử dụng lao động.
Trúc Diễm
.......



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét