Chủ Nhật, 9 tháng 7, 2017

Hết hạn hợp đồng muốn nghỉ việc, nhưng Ngân hàng không cho, làm sao?

Hỏi: Kính gửi luật sư. Hiện em đang làm cho một Ngân hàng tại Bình Dương, Ngân hàng em vừa mới bị sáp nhập xong. HĐLĐ của em hiện tại là ký với Ngân hàng cũ, ngân hàng hiện tại em chưa ký lại HĐ với Ngân hàng mới. Ngày 2/2/2016 HĐLĐ của em sẽ hết hạn, tuy nhiên Ngân hàng không đồng ý cho nghỉ việc (những anh chị trong cơ quan hết hạn HĐLĐ trước em cơ quan đều không cho nghi việc) vì liên quan đến hoạt động tín dụng. Nhưng kể từ thời điểm vào làm việc tại Ngân hàng này, em chỉ nhận bàn giao quản lý hồ sơ (trong đó có hồ sơ nợ xấu) chứ không trực tiếp làm ra hồ sơ nợ xấu. Em muốn nhờ công ty tư vấn dùm em những vấn đề sau: Nếu hết hạn HĐLĐ mà em không muốn tái ký HĐLĐ thì em phải làm như thế nào? Nếu hết hạn HĐ em tự nghỉ thì có sai không? Trường hợp Ngân hàng không đồng ý cho em nghỉ việc thì có đúng không? Ngân hàng hiện đang giữ bằng tốt nghiệp đại học của em, nếu Ngân hàng không chịu trả lại bằng và các quyền lợi khác (BHXH, BHYT ...) của em thì em phải làm như thế nào? Rất mong sớm nhận được sự tư vấn của các Luật sư. Xin chân thành cảm ơn! (Quoc L.)

Người lao động nên thông báo bằng văn bản trong thời hạn quy định, về việc đơn phương chấm dứt hay không tái ký HĐLĐ để phía NSDLĐ có thời gian giải quyết các vấn đề liên quan (ảnh minh hoạ)

Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

HĐLĐ của bạn là hợp đồng thuộc dạng xác định thời hạn. Theo qui định, khi hợp đồng hết hạn, nếu các bên không thỏa thuận ký hợp đồng mới, thì hợp đồng đương nhiên tự động chấm dứt. Không cần bàn cãi về việc này.

Mặt khác, dù hợp đồng của bạn ký là với Ngân hàng cũ, nhưng nay đã sáp nhập vào Ngân hàng mới, thì Ngân hàng mới có nghĩa vụ thừa kế các nghĩa vụ của Ngân hàng cũ với tư cách là “Người sử dụng lao động”.

Tuy nhiên, cần lưu ý là theo qui định tại Bộ luật lao động, thì khi hợp đồng lao động hết hạn nều “người lao động vẫn tiếp tục làm việc” thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới. “Nếu không ký kết hợp đồng lao động mới, thì hợp đồng đã giao kết hiển nhiên được xem như trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn”.

Chính vì vậy, nếu thực sự bạn không muốn tiếp tục làm việc tại ngân hàng, thì bạn phải làm rõ việc “nghỉ” hay “tiếp tục làm việc” trước thời điểm kết thúc hợp đồng. Không nên để rơi vào tình huống như nói ở trên, tức là sẽ “bị” chuyển thành dạng hợp đồng không xác định thời hạn. Việc “làm rõ” ở đây có nghĩa là bạn phải gặp Ban giám đốc, gửi văn bản nêu rõ là mình sẽ không ký hợp đồng mới và muốn chấm dứt làm việc tại ngân hàng khi hợp đồng hết hạn vào ngày 2/2/2016 sắp tới.

Theo tôi nghĩ, sở dĩ Ngân hàng không/chưa muốn cho bạn nghỉ ngay lúc này vì chưa nắm hết tình hình/sự vụ của Ngân hàng cũ, nên “sợ” rằng nếu những người cũ đồng loạt nghỉ hết, thì lỡ có vướng vào vấn đề trách nhiệm hay liên đới nào đó sẽ không biết “nắm áo” ai mà giải quyết. Điều này là dễ hiểu.

Về nguyên tắc, cho dù đã nghỉ việc, thì NLĐ vẫn có trách nhiệm hợp tác với công ty để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng, liên quan, bàn giao hồ sơ, sổ sách, công việc …mà mình phụ trách trong thời gian làm việc. Bạn hãy hình dung nếu mình bỏ ngang, trong khi chưa có người tiếp quản, thì sẽ rất khó khăn cho Ngân hàng mới, thậm chí có thể gây thiệt hại cho Ngân hàng …

Hay nói cách khác, tôi cho rằng việc không tái ký hợp đồng là quyền của bạn. Tuy nhiên, bạn cần thể hiện trách nhiệm bằng cách nói rõ là mình sẽ không tiếp tục làm việc và yêu cầu công ty sớm nhận bàn giao công việc. Chẳng hạn tối đa là trong vòng 30 ngày kể từ khi hợp đồng kết thúc và sau này nếu có việc gì thật sự cần thiết, thì bạn sẽ hỗ trợ, cung cấp thông tin … (tất nhiên là trong khả năng cho phép). Như vậy, sẽ vui vẻ dễ xử lý hơn cho cả hai bên. Chúc bạn mọi việc tốt đẹp. 


Quý vị hãy gửi câu hỏi đến email ecolaw2@gmail.com - để được luật sư tư vấn (hoàn toàn miễn phí). Nội dung và câu hỏi gửi đến càng chi tiết, đầy đủ, thì nội dung trả lời sẽ càng chính xác, hiệu quả.  Các câu hỏi - đáp (được mã hoá tên, địa chỉ để bảo mật) sẽ được đăng trên blog này để mọi người cùng tham khảo, phổ biến pháp luật.


Câu lạc bộ Giám đốc nhân sự blog - địa chỉ tin cậy của mọi người

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét