Thứ Tư, 12 tháng 7, 2017

Hỏi về việc tính ngày nghỉ phép năm

Hỏi: Chào luật sư, xin tư vấn giúp tôi về cách tính ngày phép năm. Cụ thể như sau: Công nhân A bắt đầu làm việc tại công ty tôi từ tháng 6-2015 (tháng 7/2015 mới  ký Hợp đồng lao động). Cuối năm 2015 do chưa làm đủ 12 tháng nên chưa tính phép cho năm 2015 (Điều 111 BLLĐ 2012). Vậy cuối năm 2016 tiền phép của công nhân A được tính: 7 ngày của năm 2015 + 12 ngày của năm 2016 = 19 ngày. Tính như vậy là đúng hay sai? Xin luật sư tư vấn giúp tôi. Cảm ơn luật sư nhiều. Trân trọng. (Chau T.)

Trung bình mỗi năm NLĐ được nghỉ 12 ngày hưởng nguyên lương, gọi là ngày "nghỉ hàng năm" (ảnh minh hoạ)

Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Thắc mắc của bạn thực ra cũng đơn giản thôi, nếu bạn “ráng” đọc thêm vài dòng nữa (Điều 114) trong Bộ luật lao động thì sẽ thấy ngay kết quả thôi (Hi). Thế này nhé, Điều 111 Bộ luật lao động 2012 qui định như sau (tôi chép nguyên văn).

Điều 111. Nghỉ hằng năm

1. Người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:

a) 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;

b) 14 ngày làm việc đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có có điều kiện sinh sống khắc nghiệt theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành hoặc lao động chưa thành niên hoặc lao động là người khuyết tật;

c) 16 ngày làm việc đối với người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có điều kiện sinh sống đặc biệt khắc nghiệt theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành.

2. Người sử dụng lao động có quyền quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động.

3. Người lao động có thể thoả thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần.

4. Khi nghỉ hằng năm, nếu người lao động đi bằng các phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy mà số ngày đi đường cả đi và về trên 02 ngày thì từ ngày thứ 03 trở đi được tính thêm thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hằng năm và chỉ được tính cho 01 lần nghỉ trong năm.

Và:

Điều 114. Thanh toán tiền lương những ngày chưa nghỉ

1. Người lao động do thôi việc, bị mất việc làm hoặc vì các lý do khác mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được thanh toán bằng tiền những ngày chưa nghỉ.
2. Người lao động có dưới 12 tháng làm việc thì thời gian nghỉ hằng năm được tính theo tỷ lệ tương ứng với số thời gian làm việc. Trường hợp không nghỉ thì được thanh toán bằng tiền.

Đối chiếu với các qui định trên, chúng ta thấy rằng:

- Không có nghĩa là cứ phải làm việc đủ 12 tháng thì mới được nghỉ phép. Mà cần hiểu là làm việc đủ 12 tháng thì được nghỉ 12 ngày phép. Tức trung bình cứ làm việc 1 tháng thì được nghỉ 1 ngày phép. Như vậy, anh công nhân mà bạn nói do làm việc từ tháng 7 đến tháng 12 năm 2015 là 6 tháng, nên hiển nhiên sẽ được nghỉ phép 6 ngày. (Thời gian 1 tháng đầu có thể xem như là thử việc. Thời gian này nếu công ty cũng tính để cho nghỉ phép thì cũng được)

- Về nguyên tắc, nói chung ngày nghỉ phép trong năm nào thì “dứt điểm” luôn trong năm đó mà không nhất thiết phải chuyển sang năm sau. Nhiều doanh nghiệp gần cuối năm là “kêu gọi” mọi người nghỉ phép cho hết, bảo đảm quyền lợi.

- Việc trả lương cho ngày chưa nghỉ phép là “giải pháp” - chỉ áp dụng khi vì lý do nào đó mà người lao động không/chưa nghỉ phép. Còn nói chung công ty nên tạo điều kiện để người lao động được nghỉ phép năm theo đúng qui định (mà vẫn được hưởng nguyên lương).

Nói tóm lại, trường hợp bạn hỏi theo tôi nên giải quyết như sau:

- Thanh toán lương cho 7 ngày phép năm 2015 mà chưa nghỉ: đúng.

- Năm 2016 vẫn đang còn hơn 2 tháng nữa mới kết thúc (hôm nay là ngày 12/9/2016), công ty nên động viên và tạo điều kiện để người lao động nghỉ phép năm trong thời gian còn lại trong năm 2016. Chỉ khi nào họ không nghỉ thì mới trả lương như bạn nêu. Thân mến.


Quý vị hãy gửi câu hỏi đến email ecolaw2@gmail.com - để được luật sư tư vấn (hoàn toàn miễn phí). Nội dung và câu hỏi gửi đến càng chi tiết, đầy đủ, thì nội dung trả lời sẽ càng chính xác, hiệu quả.  Các câu hỏi - đáp (được mã hoá tên, địa chỉ để bảo mật) sẽ được đăng trên blog này để mọi người cùng tham khảo, phổ biến pháp luật.


Câu lạc bộ Giám đốc nhân sự blog - địa chỉ tin cậy của mọi người

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét