Thứ Ba, 11 tháng 7, 2017

Hỏi về việc xây dựng chính sách lương mới trong công ty

Hỏi: Thưa quý luật sư, tôi có câu hỏi liên quan đến chính sách lương của công ty, mong luật sư tư vấn giúp. Hiện tại chính sách lương của công ty tôi theo cơ cấu sau: Tổng thu nhập = Lương căn bản + Phụ cấp + Hoa hồng theo doanh thu + thưởng theo doanh thu + thưởng khác. Trong đó, các khoản thưởng và hoa hồng theo doanh thu sẽ được tính theo chính sách của từng bộ phận/phòng ban. Nay Ban giám đốc công ty có kế hoạch thay đổi chính sách lương hiện tại, cụ thể như sau: Tổng thu nhập = Lương căn bản + (Phụ cấp + Hoa hồng theo doanh thu + thưởng theo doanh thu + thưởng khác) * K. Trong đó: K là hệ số đánh giá kết quả và chất lượng công việc của từng vị trí chức danh (cao nhất là 1). Hệ số K được thiết lập dựa trên các chỉ tiêu như: Chuyên cần; Hiệu quả công việc; Tuân thủ quy định; Hoàn thành công việc; Hoàn thành yêu cầu công việc; Các chỉ tiêu khác theo từng vị trí chức danh. Mục đích của Chính sách mới này là giảm trừ lương đối với những nhân viên sai phạm trong công việc, ảnh hưởng hiệu quả và kết quả kinh doanh của Công ty.

Khi xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và công bố công khai tại nơi làm việc, đồng thời gửi cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện (ảnh minh hoạ)

Vậy tôi xin hỏi, với chính sách mới này có đi ngược lại với các quy định hiện hành không và có rủi ro gì cho công ty hay không? Kinh mong được quý luật sư xem xét và tư vấn giúp. Xin chân thành cám ơn (H.Q).

Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Sau khi xem qua những điều bạn trình bày và hỏi, tôi có ý kiến như dưới đây:

Trước hết, tôi thấy chính sách lương như hiện tại là hợp lý, đúng luật. Còn đối với Chính sách mới (như nêu trong thư), thì thấy như sau: Việc đưa vào hệ số K - liên đới đến các chỉ số Phụ cấp, Hoa Hồng + Thưởng – theo mô tả của bạn có vẻ chưa ổn. Đặc biệt là nội hàm của hệ số K bao gồm những gì, thì chưa rõ hoặc có dấu hiệu sai luật.

Về tiền lương và chính sách tiền lương, cần lưu ý như sau:

- Phụ cấp thường là khoản cố định. Nói chung phụ cấp không thể bị giảm vì những lý do liên quan đến kỷ luật lao động - như “chuyên cần” chẳng hạn.

- Theo quy định tại điều 90 Bộ luật lao động (về Tiền lương), thì tiền lương được trả “căn cứ vào năng suất lao động và chất lượng công việc” chứ không liên quan đến vấn đề kỷ luật lao động. Chẳng hạn như chuyện chuyên cần (đi làm trễ, nghỉ không phép …vv) là hành vi vi phạm kỷ luật lao động, thì người vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định và trình tự luật định, nhưng công ty KHÔNG ĐƯỢC TRỪ LƯƠNG.

- Cụ thể, tại Điều 128 Bộ luật lao động quy định khi xử lý kỷ luật lao động không được “dùng hình thức phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động”.

Ngoài ra, khi xây dựng Chính sách lương, cũng cần phải hỏi ý kiến bên Công đoàn và công khai trước khi thực hiện … Cụ thể khoản 2 điều 93 BLLĐ (năm 2012) quy định như sau:

Điều 93. Xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động

2. Khi xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và công bố công khai tại nơi làm việc của người lao động trước khi thực hiện, đồng thời gửi cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động.


Tóm lại: Việc ban hành hệ số K là có thể được. Tuy nhiên nội hàm của hệ số này không được liên đới đến những nội dung thuộc về dấu hiệu “vi phạm kỷ luật lao động” – như “chuyên cần”. Công ty cần phải lấy ý kiến của Công đoàn và công khai trước khi áp dụng.



Quý vị hãy gửi câu hỏi đến email ecolaw2@gmail.com - để được luật sư tư vấn (hoàn toàn miễn phí). Nội dung và câu hỏi gửi đến càng chi tiết, đầy đủ, thì nội dung trả lời sẽ càng chính xác, hiệu quả.  Các câu hỏi - đáp (được mã hoá tên, địa chỉ để bảo mật) sẽ được đăng trên blog này để mọi người cùng tham khảo, phổ biến pháp luật.


Câu lạc bộ Giám đốc nhân sự blog - địa chỉ tin cậy của mọi người

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét