Thứ Ba, 18 tháng 7, 2017

Điều gì sẽ xảy ra khi đang bị “đình chỉ công tác”?

Hỏi: Qua bạn bè và internet, chúng tôi được biết đến chuyên mục Luật sư tư vấn của công ty luật Ecolaw. Tôi có người bạn tên là P., làm giám đốc một chi nhánh công ty cổ phần có vốn nước ngoài. Tổng Giám đốc là người nước ngoài. Cách đây khoảng 2 tháng, Tổng Giám đốc (TGĐ) công ty có quyết định đình chỉ chức vụ Giám đốc của bạn tôi để điều tra và làm rõ một số sự việc trong điều hành chi nhánh công ty, làm thất thoát tài chính của chi nhánh công ty. Một thời gian ngắn sau đó (02 tuần), TGĐ gửi đơn tố cáo bạn tôi vi phạm tài chính trong khi điều hành chi nhánh (tố cáo vi phạm Khoản 1 Điều 126 của Bộ Luật Lao động năm 2012). Bạn tôi đã có những giải trình với cơ quan công an để chứng minh việc làm của minh là hoàn toàn vì công ty, đem lại lợi ích cho công ty chứ không đúng như tố cáo của TGĐ. Tuy nhiên, TGĐ liên tục gửi đơn yêu cầu cơ quan công an điều tra và thậm chí bắt giữ bạn tôi. Đến nay, đã gần hết 03 tháng tạm đình chỉ theo điều 129 của Bộ Luật Lao động mà chưa có kết luận điều tra. Bạn tôi muốn biết, khi hết 03 tháng tạm đình chỉ mà cơ quan an ninh vẫn không thể đưa ra kết luận điều tra:

Nếu vi phạm của NLĐ có dấu hiệu hình sự, thì phải chờ kết quả xác minh và kết luận của cơ quan có thẩm quyền (ảnh minh hoạ)

- Công ty phải xử lý trường hợp của bạn tôi như thế nào?

- Công ty có quyền tiếp tục đình chỉ và tố cáo bạn tôi nữa hay không?

Tôi có biết thêm tại Điểm C Khoản 4 Điều 123 Bộ luật lao động 2012 quy định không được xử lý kỷ luật lao động khi "Đang chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra xác minh và kết luận đối với hành vi vi phạm được quy định tại khoản 1 Điều 126 của Bộ luật này". Như vậy, trường hợp của bạn tôi có nằm trong phạm vi điều chỉnh của quy định này không? Việc tạm đình chỉ được kéo dài đến tận bao giờ vì tôi và bạn tôi đang có nhiều dự định công việc trong cuộc sống không thể ngồi chờ ở nhà. Tôi và bạn tôi rất mong các luật sư giúp đỡ để làm rõ các băn khoăn trên. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn! (Le D. T)


Luật sư Trần Hồng Phong trả lời :

Có thể thấy bạn đã nghiên cứu luật khá kỹ, biết rõ về tình huống pháp lý của bạn mình.

Đi vào câu hỏi, theo bạn thì hiện « cơ quan an ninh » đã làm việc với bạn của bạn (tạm gọi là ông A). Tuy nhiên, nói « cơ quan an ninh » chắc là chưa chính xác. Trong trường hợp này theo tôi hiểu thì có lẽ là cơ quan công an ( cảnh sát điều tra hoặc cảnh sát về tội phạm kinh tế).

Về nguyên tắc, để chính thức điều tra, cơ quan tiến hành tố tụng (Viện kiểm sát hoặc công an) cần phải ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông A thì mới có căn cứ pháp lý để « chính thức » điều tra. Những gì đã diễn ra có lẽ chỉ là những xác minh ban đầu, để cơ quan công an đánh giá xem có căn cứ để có thể làm các bước tiếp theo hay không. Vì vậy, trường hợp này không hẳn là trường hợp đang phải « chờ cơ quan có thẩm quyền điều tra, xác minh và kết luận ». Vì không có (giấy tờ) gì để mà "chờ".

Theo đánh giá của tôi, có thể sắp tới cơ quan công an sẽ có công văn trả lời cho ông TGĐ về đơn tố cáo của ông ta. Và nhiều khả năng là công an sẽ từ chối việc khởi tố vụ án – vì cho rằng đây là vụ việc có « tính chất dân sự ». Sở dĩ tôi đoán như vậy là vì việc ông A. « làm thất thoát tài chính » có thể thể hiện ở các chứng từ chi, hợp đồng mua bán ... – tức là có « chứng từ ». Do vậy, khó có thể qui ông A về hành vi « lừa đảo » hay « lạm dụng tín nhiệm » chiếm đoạt tài sản. Mà việc này thuộc về trách nhiệm quản lý của người giám đốc chi nhánh. Có thể ông A đã vi phạm những qui định về việc chi tiêu của chi nhánh chẳng hạn.

Nói như vậy không có nghĩa là ông A. sẽ hoàn toàn « thoát » được mà không có trách nhiệm gì – trong trường hợp ông A. thực sự có sai phạm, làm thất thoát tài sản, gây thiệt hại cho công ty. Trong trường hợp này, ông TGĐ có thể « thất bại » trong việc tố cáo ông A. (qui vào trách nhiệm hình sự) nhưng vẫn hoàn toàn có quyền và khả năng buộc ông A. phải bồi thường thiệt hại cho công ty (qui về trách nhiệm dân sự). Cùng đó, công ty có quyền áp dụng mức kỷ luật lao nhất là « sa thải » ông A. – theo qui định tại khoản 1 Điều 126 Bộ luật lao động (năm 2012) mà bạn dẫn ra ở trên. Lúc này sự việc sẽ trở thành một vụ án dân sự (kiện đòi bồi thường thiệt hại) và có thể thêm một vụ án lao động nữa (kiện về hình thức kỷ luật lao động – sa thải – giữa ông A. với công ty) – trong trường hợp ông A. không đồng ý với quyết định kỷ luật dành cho mình.

Nói tóm lại, theo tôi đánh giá, thì trong những ngày tới (khi hết thời hạn tạm đình chỉ công việc) sự việc sẽ chuyển qua một giai đoạn mới. Cụ thể là công ty sẽ tự mình giải quyết, thay vì là bên công an. Hy vọng những nhận định trên đây sẽ phần nào giúp ích được cho bạn và người bạn của bạn. Thân mến.

........

Quy định tại Bộ luật lao động (2012):

Điều 123. Nguyên tắc, trình tự xử lý kỷ luật lao động

1. Việc xử lý kỷ luật lao động được quy định như sau:

a) Người sử dụng lao động phải chứng minh được lỗi của người lao động;

b) Phải có sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở;

c) Người lao động phải có mặt và có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa; trường hợp là người dưới 18 tuổi thì phải có sự tham gia của cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật;

d) Việc xử lý kỷ luật lao động phải được lập thành biên bản.

2. Không được áp dụng nhiều hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với một hành vi vi phạm kỷ luật lao động.

3. Khi một người lao động đồng thời có nhiều hành vi vi phạm kỷ luật lao động thì chỉ áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất tương ứng với hành vi vi phạm nặng nhất.

4. Không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang trong thời gian sau đây:

a) Nghỉ ốm đau, điều dưỡng; nghỉ việc được sự đồng ý của người sử dụng lao động;

b) Đang bị tạm giữ, tạm giam;

c) Đang chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra xác minh và kết luận đối với hành vi vi phạm được quy định tại khoản 1 Điều 126 của Bộ luật này;

d) Lao động nữ có thai, nghỉ thai sản; người lao động nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.

5. Không xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động vi phạm kỷ luật lao động trong khi mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.



Quý vị hãy gửi câu hỏi đến email ecolaw2@gmail.com - để được luật sư tư vấn (hoàn toàn miễn phí). Nội dung và câu hỏi gửi đến càng chi tiết, đầy đủ, thì nội dung trả lời sẽ càng chính xác, hiệu quả.  Các câu hỏi - đáp (được mã hoá tên, địa chỉ để bảo mật) sẽ được đăng trên blog này để mọi người cùng tham khảo, phổ biến pháp luật.


Câu lạc bộ Giám đốc nhân sự blog - địa chỉ tin cậy của mọi người

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét