Thứ Ba, 18 tháng 7, 2017

Đình chỉ công tác không phải là biện pháp xử lý kỷ luật lao động

Hỏi: Thưa quý luật sư, cô Nguyễn T K. là nhân viên kinh doanh tại công ty chúng tôi. Vừa qua, cô K. đã tự ý “nghỉ phép” 3 tuần liên tục mà không xin phép Ban giám đốc công ty. (Thực ra, cô K. có xin phép bằng miệng Trưởng phòng của mình. Nhưng theo qui định của công ty thì trưởng phòng không có quyền cho nghỉ phép như vậy). Sau khi công ty phát hiện, có yêu cầu cô K. làm thủ tục nghỉ phép cho đúng thì cô chỉ gửi email vào xin phép theo kiểu đối phó. Trước sự việc như vậy, Ban giám đốc công ty dự định áp dụng biện pháp kỷ luật là đình chỉ công tác đối với cô K trong vòng 1,5 tháng (không cho hưởng lương trong thời gian này). Xin hỏi : Việc công ty dự định xử lý như vậy có đúng luật ? Để quyết định như vậy cần tiến hành các thủ tục gì? Xin chân thành cám ơn quý luật sư (Hoàng X.).

Tạm đình chỉ công việc không phải là hình thức xử lý kỷ luật lao động mà là biện pháp hỗ trợ cho việc xác minh, điều tra (ảnh minh hoạ) 

Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Theo những tình tiết như anh trình bày trên, theo tôi cô K đã vi phạm kỷ luật lao động của công ty. Ở đây là đã nghỉ phép trái qui định, trái luật lao động. 

Tuy nhiên, "biện pháp" đình chỉ công việc, hay nói đúng hơn là hình thức kỷ luật mà công ty anh dự định áp dụng với cô K là không đúng quy định của pháp luật.

Theo quy định tại Điều 125 Bộ Luật lao động (năm 2012), chỉ có 3 hình thức kỷ luật sau được áp dụng đối với người vi phạm kỷ luật lao động. Đó là: Khiển trách; Kéo dài thời gian nâng lương không quá 6 tháng, cách chức; Sa thải.

Vậy hình thức "đình chỉ công tác" là gì và có ý nghĩa như thế nào? (Ghi chú: nói chính xác là "tạm đình chỉ công việc").

Theo Điều 129 Bộ luật lao động (2012), việc ‘tạm đình chỉ công việc của người lao động” được áp dụng khi vụ việc có tình tiết phức tạp hoặc việc người lao động tiếp tục làm việc sẽ gây khó khăn cho việc xác minh, tìm hiểu sự việc. (xem điều luật bên dưới).

Như vậy, có thể thấy đình chỉ lao động thực chất chỉ là biện pháp hành chính (trong nội bộ công ty) có ý nghĩa ngăn chặn và nhằm mục đích hỗ trợ việc xác minh, điều tra làm rõ sự việc. Đây không phải là hình thức kỷ luật áp dụng đối với người vi phạm. (Chưa kể về nguyên tắc thì cho dù có bị đình chỉ công việc - thì người lao động vẫn có quyền lợi như bình thường, tức vẫn được hưởng lương trong thời gian bị đình chỉ: tối thiểu là 50%). 

Do vậy, theo tôi việc công ty bạn đình chỉ công việc của cô K không phải là hình thức kỷ luật lao động như anh nghĩ. Trong trường hợp này, công ty có thể và chỉ có thể xem xét và chọn 1 trong 3 hình thức kỷ luật như nêu trên. Thậm chí có sa thải cô K thì vẫn ‘đúng luật” hơn so với “đình chỉ”!

Về thủ tục, qui trình xử lý kỷ luật đối với cô K, công ty phải thực hiện đúng với qui định của pháp luật lao động. Cụ thể, công ty phải tổ chức một phiên họp xử lý kỷ luật cô K. Trước đó phải gửi thư mời họp.

Theo quy định tại Điều 123 BLLĐ (2012), thành phần tham gia phiên họp phải có :

+ Đại diện của công ty (bên sử dụng lao động), Giám đốc - người đại diện theo pháp luật của công ty, đồng thời chủ trì phiên họp.

+ Đại diện Ban chấp hành công đoàn trong công ty (nếu là doanh nghiệp lớn, có tổ chức công đoàn cơ sở tại công ty).

+ Đương sự: người vi phạm kỷ luật lao động, ở đây là cô K.

+ Người ghi biên bản.

+ Nhân chứng (nếu có): là người biết, chứng kiến sự việc.

Kết quả và nội dung phiên họp phải được ghi nhận trong “Biên bản cuộc họp”. Trong đó thể hiện lời trình bày của cô K về những sai phạm của mình (nếu có), ý kiến của Ban chấp hành công đoàn, hình thức kỷ luật do Người chủ trì đề nghị …vv. Sau đó, căn cứ vào kết quả cuộc họp, giám đốc công ty sẽ ban hành “Quyết định xử lý kỷ luật lao động” đối với cô K.

----------------------

Quy định tại Bộ luật lao động (2012):

Điều 129. Tạm đình chỉ công việc


1. Người sử dụng lao động có quyền tạm đình chỉ công việc của người lao động khi vụ việc vi phạm có những tình tiết phức tạp, nếu xét thấy để người lao động tiếp tục làm việc sẽ gây khó khăn cho việc xác minh. Việc tạm đình chỉ công việc của người lao động chỉ được thực hiện sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.

2. Thời hạn tạm đình chỉ công việc không được quá 15 ngày, trường hợp đặc biệt cũng không được quá 90 ngày. Trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc, người lao động được tạm ứng 50% tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc. Hết thời hạn tạm đình chỉ công việc, người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc.

3. Trường hợp người lao động bị xử lý kỷ luật lao động, người lao động cũng không phải trả lại số tiền lương đã tạm ứng.

4. Trường hợp người lao động không bị xử lý kỷ luật lao động thì được người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc.

Điều 123. Nguyên tắc, trình tự xử lý kỷ luật lao động

1. Việc xử lý kỷ luật lao động được quy định như sau:

a) Người sử dụng lao động phải chứng minh được lỗi của người lao động;

b) Phải có sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở;

c) Người lao động phải có mặt và có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa; trường hợp là người dưới 18 tuổi thì phải có sự tham gia của cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật;

d) Việc xử lý kỷ luật lao động phải được lập thành biên bản.

2. Không được áp dụng nhiều hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với một hành vi vi phạm kỷ luật lao động.

3. Khi một người lao động đồng thời có nhiều hành vi vi phạm kỷ luật lao động thì chỉ áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất tương ứng với hành vi vi phạm nặng nhất.

4. Không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang trong thời gian sau đây:

a) Nghỉ ốm đau, điều dưỡng; nghỉ việc được sự đồng ý của người sử dụng lao động;

b) Đang bị tạm giữ, tạm giam;

c) Đang chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra xác minh và kết luận đối với hành vi vi phạm được quy định tại khoản 1 Điều 126 của Bộ luật này;

d) Lao động nữ có thai, nghỉ thai sản; người lao động nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.

5. Không xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động vi phạm kỷ luật lao động trong khi mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.


Quý vị hãy gửi câu hỏi đến email ecolaw2@gmail.com - để được luật sư tư vấn (hoàn toàn miễn phí). Nội dung và câu hỏi gửi đến càng chi tiết, đầy đủ, thì nội dung trả lời sẽ càng chính xác, hiệu quả.  Các câu hỏi - đáp (được mã hoá tên, địa chỉ để bảo mật) sẽ được đăng trên blog này để mọi người cùng tham khảo, phổ biến pháp luật.


Câu lạc bộ Giám đốc nhân sự blog - địa chỉ tin cậy của mọi người

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét