Thứ Ba, 18 tháng 7, 2017

Kỷ luật lao động bằng cách “cho làm công nhân vệ sinh” là sai

Hỏi : Chúng tôi là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Xin luật sư cho biết: Nếu người lao động nghỉ không phép mà không có lý do chính đáng, công ty áp dụng hình thức xử lý kỷ luật như sau: 1. Vi phạm nghỉ không phép lần thứ nhất (cảnh cáo bằng văn bản); 2. Vi phạm nghỉ không phép lần thứ hai chuyển làm công tác khác “công nhân vệ sinh” áp dụng cho tất cả các chức danh ngoại trừ chức danh Tổng Giám đốc trong thời hạn 06 tháng. Sau khi xử lý kỷ luật tiền lương sẽ bị giảm 30% so với mức lương theo hợp đồng. Hình thức xử lý kỷ luật chuyển làm công tác khác và chế độ sau khi bị xử lý kỷ luật như trên có đúng không? (Kate Kate).

Công nhân vệ sinh là một nghề đáng tôn trọng như bao nghề khác, hoàn toàn không phải là một hình thức kỷ luật lao động (ảnh minh hoạ)

Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Trước hết, tôi thấy hình thức xử lý của công ty bạn thật hiếm thấy và có nhiều điều không ổn, chỉ tổ làm khổ làm khó cho chính công ty mà thôi. Tôi xin hỏi ngược lại: Giả sử công ty bạn đang có một Phó tổng giám đốc, trả lương 15 triệu đồng/ tháng. Nay vì vi phạm “không phép” như bạn nói, xem như công ty “tự nhiên” phải có thêm một “công nhân vệ sinh cao cấp” như vậy, rồi phải trả lương tới 10 triệu đồng/tháng. Hỏi có đáng và có phung phí không? Đó là chưa kể nếu nhiều người khác nữa cũng đều phải làm “công nhân vệ sinh” như vậy thì lấy đâu ra nhân sự để bảo đảm cho hoạt động bình thường của doanh nghiệp.

Xét về mặt pháp lý, theo quy định tại Điều 125 Bộ luật lao động (năm 2012), thì hình thức xử lý kỷ luật lao động gồm và chỉ gồm 1 trong 3 hình thức sau đây: 1. Khiển trách. 2. Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng; cách chức. và 3. Sa thải.

Hay nói khác đi, việc công ty đưa ra hình thức "kỷ luật" chuyển làm "công nhân vệ sinh" là hoàn toàn trái quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Điều 128 Bộ luật lao động (2012) quy định về những hành vi bị cấm khi xử lý kỷ luật lao động gồm:

1. Xâm phạm thân thể, nhân phẩm của người lao động.

2. Dùng hình thức phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động.

3. Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động.


Quý vị hãy gửi câu hỏi đến email ecolaw2@gmail.com - để được luật sư tư vấn (hoàn toàn miễn phí). Nội dung và câu hỏi gửi đến càng chi tiết, đầy đủ, thì nội dung trả lời sẽ càng chính xác, hiệu quả.  Các câu hỏi - đáp (được mã hoá tên, địa chỉ để bảo mật) sẽ được đăng trên blog này để mọi người cùng tham khảo, phổ biến pháp luật.


Câu lạc bộ Giám đốc nhân sự blog - địa chỉ tin cậy của mọi người

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét