Thứ Ba, 18 tháng 7, 2017

Làm bảo vệ, bị mất xe trong ca trực, bồi thường không nổi, tính sao?

Hỏi: Kính chào các luật sư. Tôi có vấn đề muốn được tư vấn giúp. Chả là vào tháng 11 năm 2016 tôi đi làm bảo vệ tại một công ty, nhưng không có hợp đồng lao động. Không may một hôm trong ca của tôi có làm mất 1 chiếc xe máy. Và tôi có thỏa thuận với chủ xe là đền bù làm 3 đợt, đợt 1 tôi đã trả xong, giờ đến đợt 2 nhưng tôi chưa có tiền, và tôi cũng vừa bị mất xe máy của tôi nữa. Tôi không biết như vậy thì pháp luật sẽ xử lý về hành vi của e như thế nào. Mong các luật sư giúp tôi với. Tôi xin chân thành cảm ơn. (Gi G).

Việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người ngoài công ty phải phù hợp với quy định tại Bộ luật dân sự (ảnh minh hoạ)  

Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:


Anh làm bảo vệ trong công ty, tuy không có HĐLĐ bằng văn bản, nhưng có làm việc, hưởng lương, xem như giữa hai bên (anh và công ty) tồn tại một hợp đồng lao động, mỗi bên có các quyền và nghĩa vụ của mình theo qui định tại Bộ luật lao động. (Ghi chú: Việc công ty không ký HĐLĐ với anh là sai, tuy nhiên chúng tôi không bàn về vấn đề này tại đây, vì không trực tiếp liên quan đến câu hỏi của anh).

Trong thư, do anh không nói rõ chiếc xe bị mất là của ai: khách hàng của công ty, hay nhân viên trong công ty, khi gửi xe có thẻ giữ xe hay không, có thu tiền hay không, trách nhiệm và công việc cụ thể của anh như thế nào?  – nên tôi không thể trả lời chính xác được.

Về nguyên tắc, có thể chia làm 2 trường hợp: xe mất là của khách và xe mất là của người trong nội bộ công ty. Nếu là xe của khách hàng, thì trách nhiệm giải quyết và đền bù cho khách trước hết thuộc trách nhiệm của công ty. Sau đó, công ty sẽ "làm việc" với anh, thoả thuận về trách nhiệm, việc liên đới bồi thường...vv. 

Ở đây, tôi giả sử là trường hợp chiếc xe mất là của nhân viên trong công ty.

Về nguyên tắc, công ty (thông qua nhân viên bảo vệ) có trách nhiệm bảo vệ tài sản (xe) của nhân viên trong phạm vi công ty – nếu không có thỏa thuận khác. Như vậy, khi xảy ra trường hợp mất xe thì trước hết thuộc trách nhiệm của công ty. Tức là công ty chính là người phải bồi thường cho nhân viên mất xe.

Anh làm việc tại công ty với tư cách là nhân viên bảo vệ, là NLĐ nhận lương qua công việc việc bảo vệ, chứ không phải là "chủ thầu" bãi xe, có thu nhập từ tiền giữ xe. Do vậy giữa anh và người mất xe không có mối quan hệ ràng buộc về trách nhiệm gửi - giữ xe. Hay nói khác đí, việc anh tự thỏa thuận bồi thường cho người mất xe, mà không hề thấy vai trò gì của công ty, theo tôi là hoàn toàn không hợp lý, không đúng luật. Thậm chí qua đó vô hình chung đã tạo "thuận lợi” cho công ty. Công ty được “thoát” trách nhiệm bồi thường.

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là anh không có lỗi, hay trách nhiệm gì. Về nguyên tắc, theo Hợp đồng lao động, anh có nghĩa vụ làm công việc bảo vệ, bao gồm việc canh giữ xe của nhân viên. Do vậy, khi xảy ra hậu quả mất xe, ít nhiều cho thấy anh có lỗi (có thể là sao nhãng, thiếu quan sát) và việc này rõ ràng đã gây thiệt hại cho công ty (có thể nói như vậy). 

Theo quy định tại Điều 130 Bộ luật lao động (2012), trong trường hợp này anh có trách nhiệm liên đới trong việc bồi thường thiệt hại (mất xe), vì có lỗi. Mức độ bồi thường bao nhiêu, phụ thuộc vào kết quả thoả thuận giữa anh và công ty. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh là trước mắt công ty vẫn phải là bên có trách nhiệm bồi thường cho người bị mất xe.  Phần anh không có nghĩa vụ phải trực tiếp trả tiền cho người mất xe. 

Việc anh có hoàn cảnh khó khăn tôi chia sẻ, và cho rằng anh nên trình bày, "chuyển" trách nhiệm bồi thường sang công ty. Anh có thể nói thẳng với người chủ xe. Nếu các bên không giải quyết ngay được, thì có thể đưa sự việc ra Tòa án giải quyết. 

.......

Quy định tại Bộ luật lao động (2012):

Điều 130. Bồi thường thiệt hại

1. Người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Trường hợp người lao động gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại nơi người lao động làm việc, thì người lao động phải bồi thường nhiều nhất là 03 tháng tiền lương và bị khấu trừ hằng tháng vào lương theo quy định tại khoản 3 Điều 101 của Bộ luật này.

2. Người lao động làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động hoặc tài sản khác do người sử dụng lao động giao hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép thì phải bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ theo thời giá thị trường; trường hợp có hợp đồng trách nhiệm thì phải bồi thường theo hợp đồng trách nhiệm; trường hợp do thiên tai, hoả hoạn, địch họa, dịch bệnh, thảm họa, sự kiện xảy ra khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép thì không phải bồi thường.


Quý vị hãy gửi câu hỏi đến email ecolaw2@gmail.com - để được luật sư tư vấn (hoàn toàn miễn phí). Nội dung và câu hỏi gửi đến càng chi tiết, đầy đủ, thì nội dung trả lời sẽ càng chính xác, hiệu quả.  Các câu hỏi - đáp (được mã hoá tên, địa chỉ để bảo mật) sẽ được đăng trên blog này để mọi người cùng tham khảo, phổ biến pháp luật.


Câu lạc bộ Giám đốc nhân sự blog - địa chỉ tin cậy của mọi người


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét