Thứ Tư, 12 tháng 7, 2017

Làm bảo vệ suốt 24/24 giờ, lương quá thấp: đúng luật không?

Hỏi: Chúng tôi những người làm nhân viên bảo vệ trong trường học (hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế) mức lương nhà nước trả cho chúng tôi, tôi thấy như thế là quá thấp. Chúng tôi làm cả ngày lẫn đêm (24/24) mức lương khởi điểm chỉ hơn 2 triệu/tháng như vậy có thiệt cho chúng tôi quá không, hệ số 1,50. Ngày thứ 7 và chủ nhật chung tôi vẫn phải làm nhưng 2 ngày này không được nhà nước trả lương như thế có đúng không, nếu được nghỉ thì ai trông. Trên đây là những thắc mắc tôi muốn nhờ luật sư giải đáp cho. Tôi xin chân thành cảm ơn. (Pham A.)

Ngoài thời gian làm việc, NLĐ còn có thời gian nghỉ ngơi để phục hồi sức lao động, chăm lo cho bản thân, gia đình (ảnh minh hoạ)

Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Trường hợp của anh phần nào cho thấy sự chưa hợp lý trong chính sách và pháp luật ở nước ta hiện nay, áp dụng trong khối các cơ quan Nhà nước dạng “sự nghiệp xã hội” như trường học.

Theo qui định tại Bộ luật lao động, người lao động làm việc mỗi ngày không quá 8 giờ, mỗi tuần được nghỉ ít nhất 1 ngày và còn được nghỉ 12 ngày phép mỗi năm mà vẫn được hưởng lương. Nếu làm quá thời gian qui định như trên thì được xếp vào trường hợp làm thêm ngoài giờ, được hưởng tiền lương gấp 150% so với làm việc trong giờ “bình thường”. Nếu làm thêm trong ngày nghỉ hàng tuần thì sẽ được hưởng tiền lương làm thêm gấp đôi (200%). Vấn đề này được quy định tại Điều 79 BLLĐ (2012). (Tham khảo điều luật bên dưới).

Ngoài ra NLĐ còn được và có trách nhiệm tham gia các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ..vv.

Như vậy, theo tôi khả năng trong HĐLĐ của anh mà ghi thời gian làm việc 24/24, gồm cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật như anh là không đúng. Mà có thể trong hợp đồng không ghi cụ thể thời gian làm việc. Bất luận thế nào, thì anh có quyền hiểu rằng mình được hưởng các qui định mà tôi nêu ở trên. 

Theo tôi nghĩ, việc anh nói làm việc 24/24 suốt tuần có thể là do anh "suy đoán" ra như vậy. Chứ thực chất không ai có thể làm việc như vậy. Tất nhiên, công việc bảo vệ mang tính đặc thù, vì vậy việc nhà trường có thể phân công theo ca trực, mỗi ca 8 tiếng, luân phiên trực đêm. Đó là điều có thể hiểu được và anh cũng cần phải “chấp nhận” nếu đã xác định làm nghề bảo vệ.

Nói tóm lại, nhóm bảo vệ các anh nên trực tiếp làm việc với Ban giám hiệu nhà trường, đề nghị được ký kết HĐLĐ theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm được tham gia và giải quyết các chế độ HBXH, BHYT, BHTN và các quyền, lợi ích hợp pháp khác mà pháp luật đã quy định. Bao gồm cả việc được nhận tiền làm thêm. Nếu Trường vẫn không có hướng giải quyết thì anh có thể gửi đơn khiếu nại tới Phòng LĐTBXH huyện, nhờ nơi đây có hướng can thiệp, bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Thậm chí anh cũng nên xem xét đến khả năng đi tìm công việc khác có điều kiện tốt hơn. Chúc anh mọi việc tốt đẹp.
.........

Bài liên quan:
.....

Quy định tại Bộ luật lao động 2012:

Điều 97. Tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm

1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm như sau:

a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;

b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;

c) Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.

2. Người lao động làm việc vào ban đêm, thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc của ngày làm việc bình thường.

3. Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày.



Quý vị hãy gửi câu hỏi đến email ecolaw2@gmail.com - để được luật sư tư vấn (hoàn toàn miễn phí). Nội dung và câu hỏi gửi đến càng chi tiết, đầy đủ, thì nội dung trả lời sẽ càng chính xác, hiệu quả.  Các câu hỏi - đáp (được mã hoá tên, địa chỉ để bảo mật) sẽ được đăng trên blog này để mọi người cùng tham khảo, phổ biến pháp luật.


Câu lạc bộ Giám đốc nhân sự blog - địa chỉ tin cậy của mọi người


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét