Thứ Ba, 18 tháng 7, 2017

Nhân viên làm mất xe máy của công ty, giải quyết ra sao?

Hỏi: Xin nhờ các luật sư đưa ra giải pháp giải quyết giúp tôi! Hiện cơ quan tôi gặp phải một vấn đề như sau: 1- Một nhân viên làm hợp đồng (1 năm) đi xe máy của cơ quan bị mất (xe trị giá 33 triệu đồng). Hiện trạng mất như sau: đi xe cơ quan giải quyết một số công việc giao đến trước 3h chiều đã xong nhưng không đến cơ quan làm việc tiếp mà về nhà ngủ để xảy ra mất xe. Sau khi mất đã trình báo cơ quan công an chủ quản, làm tờ trình với công ty và công ty cũng đã lập biên bản có chữ kí của các bên liên quan. 

Giải pháp tốt nhất trong giải quyết vấn đề đòi bồi thường thiệt hại là đạt được thoả thuận trên cơ sở vận dụng quy định của pháp luật (ảnh minh hoạ)
2- Hướng giải quyết công ty đưa ra như sau: bản thân đang đi xe trị giá 12 triệu bàn giao cho công ty (cần giấy tờ) và còn độ 4, 5 triệu tiền lương chưa trả. Hai khoản đó coi như xong và đi làm tiếp. Nhưng gia đình nhân viên không cho đi làm tiếp, bản thân nhân viên muốn đi làm nhưng không được. Công ty cũng đã đến gia đình thuyết phục và không mắng chửi em. Nhưng gia đình không đồng ý việc giải quyết như trên, đổ trách nhiệm cho công ty. Họ có nói là công ty không có biên bản giao xe, xe không có giấy tờ...vv. Mong quý luật sư trả lời giúp tôi, nếu tôi thuyết phục không được đi trình báo cơ quan chức năng có lợi gì không? Xin chân thành cám ơn (Nguyen Th.)

Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Vì anh nhân viên làm việc có HĐLĐ với công ty, nên có các quyền và nghĩa vụ của người lao động theo qui định của pháp luật. Trong đó, NLĐ có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại vật chất cho công ty (Người sử dụng lao động), nếu có hành vi có lỗi, gây thiệt hại, hay làm thất thoát tài sản của công ty.

Ở đây, công ty tuy có sơ suất là khi giao tài sản (xe gắn máy) cho nhân viên (tạm gọi là anh A) không lập thành văn bản. Tuy nhiên, vì sự việc là có thật, tương đối rõ ràng (có đủ bằng chứng, nhân chứng) và được chính người nhân viên thừa nhận nên có thể xác định việc mất xe là có thật và do lỗi của người nhân viên (không bảo quản kỹ). Dù lỗi này cũng có nguyên nhân khách quan là do bị trộm cắp (chính vì vậy nên công ty không thể tố cáo là người nhân viên này đã “lấy trộm” tài sản của công ty). Nhưng việc mất xe như trên cũng không thuộc trường hợp “bất khả kháng”.

Vì NLĐ có lỗi trong việc bảo quản, dẫn đến mất xe, gây thiệt hại về tài sản cho công ty, nên theo qui định tại Điều 130 Bộ luật lao động (2012) về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trong trường hợp này anh A có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho công ty.

Vấn đề cần giải quyết ở đây là: mức bồi thường bao nhiêu là hợp lý?

Theo thông tin của anh, thì chiếc xe bị mất trị giá 33 triệu đồng. Việc xác định giá trị xe cần phải tính theo “giá trị thị trường” tại thời điểm bồi thường. Tức là phải xác định tỷ lệ còn lại sau khấu hao sử dụng, so sánh với giá xe ngoài thị trường. Việc phía công ty đề nghị “cấn trừ” bằng chiếc xe anh A đang đi trị giá 12 triệu đồng và số tiền lương 4,5 triệu, tổng cộng khoảng 16,6 triệu, xấp xỉ khoảng 50% giá trị chiếc xe đã mất. Theo tôi, đề nghị như vậy là khá hợp tình hợp lý, có lợi cho người lao động. Tuy nhiên, cũng không nhất thiết là quá cứng nhắc trong cách giải quyết, mà có thể linh hoạt, uyển chuyển hơn. 

Việc thỏa thuận bồi thường, nếu được thực hiện, hai bên cần phải được lập thành văn bản rõ ràng. Cũng cần lưu ý là việc "trừ lương" công ty nên tham khảo quy định của pháp luật, để thực hiện đúng (xem điều luật bên dưới).

Việc gia đình anh A không đồng ý với hướng giải quyết như công ty đưa ra thực ra cũng không quan trọng. Vì anh A là người đã trưởng thành, có quyền và cũng là trách nhiệm quyết định về những vấn đề thuộc trách nhiệm của mình. Do vậy, chỉ cần anh A đồng ý là được.

Tuy nhiên, tôi cũng hiểu là có thể chiếc xe mà anh A đi không đứng tên anh A, hoặc là anh A vì những lý do khách quan lẫn chủ quan của mình, cũng rất “khó khăn” trong việc tự quyết. Trong trường hợp này, công ty có thể xem xét việc kiện anh A ra tòa án để nhờ pháp luật giải quyết (buộc bồi thường thiệt hại cho công ty. Chứ không phải là “báo cho cơ quan chức năng”). Ngoài ra, cũng cần dự liệu một tình huống khác là có thể công an sẽ truy tìm ra kẻ lấy trộm xe. Trong trường hợp này công ty được nhận lại xe và trả lại cho anh A những gì mà anh đã “bồi thường” cho công ty hoặc rút đơn kiện.

Nói chung, bất luận thế nào, thì cách tốt nhất là đạt được thoả thuận với nhau. Chúc công ty anh sớm giải quyết vụ việc một cách ổn thỏa, vui vẻ giữa các bên. 

.........

Quy định tại Bộ luật lao động (2012):

Điều 130. Bồi thường thiệt hại

1. Người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Trường hợp người lao động gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại nơi người lao động làm việc, thì người lao động phải bồi thường nhiều nhất là 03 tháng tiền lương và bị khấu trừ hằng tháng vào lương theo quy định tại khoản 3 Điều 101 của Bộ luật này.

2. Người lao động làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động hoặc tài sản khác do người sử dụng lao động giao hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép thì phải bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ theo thời giá thị trường; trường hợp có hợp đồng trách nhiệm thì phải bồi thường theo hợp đồng trách nhiệm; trường hợp do thiên tai, hoả hoạn, địch họa, dịch bệnh, thảm họa, sự kiện xảy ra khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép thì không phải bồi thường.


Quý vị hãy gửi câu hỏi đến email ecolaw2@gmail.com - để được luật sư tư vấn (hoàn toàn miễn phí). Nội dung và câu hỏi gửi đến càng chi tiết, đầy đủ, thì nội dung trả lời sẽ càng chính xác, hiệu quả.  Các câu hỏi - đáp (được mã hoá tên, địa chỉ để bảo mật) sẽ được đăng trên blog này để mọi người cùng tham khảo, phổ biến pháp luật.


Câu lạc bộ Giám đốc nhân sự blog - địa chỉ tin cậy của mọi người


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét