Thứ Hai, 17 tháng 7, 2017

Những tranh chấp về lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án

Ls. Trần Hồng Phong giới thiệu


Lưu ý quan trọng: Tại Khoản 2 Điều 219 Bộ luật lao động 2019 (có hiệu lực từ 1/1/2021) quy định sửa đổi, bổ sung Điều 32 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 liên quan đến những tranh chấp về lao động và tranh chấp liên quan đến lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Như vậy, nội dung bài viết này có một số điểm không còn phù hợp. Trong khi chờ cập nhật, quý vị vui lòng tham khảo điều luật mới ở cuối bài viết).

Tranh chấp về lao động là những tranh chấp giữa NLĐ và NSDLĐ, liên quan đến những vấn đề thuộc pháp luật lao động như: Về xử lý kỷ luật lao động, về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động; về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động; về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ... Tranh chấp lao động được chia thành 2 nhóm: Tranh chấp lao động tập thể và Tranh chấp lao động cá nhân. Vậy những tranh chấp về lao động nào thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án?

Toà án là cơ quan có thẩm quyền giải quyết hầu hết các loại tranh chấp về lao động (ảnh minh hoạ)

I. Cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân

Theo quy định tại Điều 200 BLLĐ (2012), cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động gồm:

1. Hoà giải viên lao động.

2. Toà án nhân dân.

Theo quy định tại Điều 199 BLLĐ (2012), "Hội đồng trọng tài lao động" - được UBND cấp tỉnh thành lập, có thẩm quyền tiến hành hoà giải các TRANH CHẤP LAO ĐỘNG TẬP THỂ sau đây: a) Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích; b)Tranh chấp lao động tập thể xảy ra tại các đơn vị sử dụng lao động không được đình công (thuộc danh mục do Chính phủ quy định).

Trong khi đó, TRANH CHẤP LAO ĐỘNG CÁ NHÂN sẽ được Hòa giải viên lao động đứng ra làm trung gian hoà giải. Về nguyên tắc, mọi tranh chấp lao động cá nhân đều bắt buộc phải thông qua thủ tục hòa giải của Hòa giải viên lao động. Chỉ khi nào không hoà giải được, thì mới được đưa ra yêu cầu tòa án giải quyết.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 201 BLLĐ (2012), các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:

a) Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;

b) Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;

c) Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;

d) Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.

đ) Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Ví dụ: Anh A bị công ty B sa thải, và anh cho rằng công ty đã sa thải anh trái quy định của pháp luật. Như vậy, giữa anh A và công ty B đã phát sinh tranh chấp lao động. Trong trường hợp này, vì không thuộc trường hợp bắt buộc phải thông qua thủ tục hoà giải theo quy định tại Điều 201 BLLĐ (2012), nên anh A có quyền nộp đơn khởi kiện công ty A ra Toà án ngay, mà không cần khiếu nại đến Hội đồng trọng tài lao động.

Nếu tranh chấp lao động thuộc trường hợp BẮT BUỘC PHẢI THÔNG QUA THỦ TỤC HOÀ GIẢI (tức là không thuộc những trường hợp liệt kê ở trên), thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu hoà giải, hòa giải viên lao động phải kết thúc việc hòa giải.

Trong trường hợp hoà giải không thành hoặc một trong hai bên không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành hoặc hết thời hạn giải quyết mà hoà giải viên lao động không tiến hành hoà giải thì mỗi bên tranh chấp có quyền yêu cầu Toà án giải quyết.

Lưu ý: Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân 6 tháng - 1 năm:

Theo quy định tại Điều 202 BLLĐ (2012), thời hiệu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân được quy định như sau:

1. Thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải tranh chấp lao động cá nhân là 06 tháng, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

2. Thời hiệu yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 01 năm, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

Nói một cách đơn giản, là nếu hết thời gian trên (thời hiệu), thì NLĐ sẽ MẤT QUYỀN yêu cầu hoà giải hoặc khởi kiện ra Toà án.

Ví dụ: Anh A bị công ty B sa thải ngày 1/1/2017. Như vậy, nếu anh A không đồng ý và muốn kiện công ty B, yêu cầu thu hồi quyết định sa thải, thì anh phải khởi kiện ra Toà án trước khi kết thúc năm 2017. Nếu qua năm 2018, anh A sẽ không còn quyền khởi kiện nữa.



II. Những tranh chấp về lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án

Dưới đây là quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự (năm 2015), về những tranh chấp lao động và/hoặc yêu cầu về lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án:

Điều 32. Những tranh chấp về lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án

1. Tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động mà hòa giải thành nhưng các bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, hòa giải không thành hoặc không hòa giải trong thời hạn do pháp luật quy định, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:

a) Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;

b) Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;

c) Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;

d) Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;

đ) Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

2. Tranh chấp lao động tập thể về quyền giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết mà tập thể lao động hoặc người sử dụng lao động không đồng ý với quyết định đó hoặc quá thời hạn mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện không giải quyết.

3. Tranh chấp liên quan đến lao động bao gồm:

a) Tranh chấp về học nghề, tập nghề;

b) Tranh chấp về cho thuê lại lao động;

c) Tranh chấp về quyền công đoàn, kinh phí công đoàn;

d) Tranh chấp về an toàn lao động, vệ sinh lao động.

4. Tranh chấp về bồi thường thiệt hại do đình công bất hợp pháp.

5. Các tranh chấp khác về lao động, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

Điều 33. Những yêu cầu về lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án

1. Yêu cầu tuyên bố hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể vô hiệu.

2. Yêu cầu xét tính hợp pháp của cuộc đình công.

3. Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận bản án, quyết định lao động của Tòa án nước ngoài hoặc không công nhận bản án, quyết định lao động của Tòa án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam.

4. Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết lao động của Trọng tài nước ngoài.

5. Các yêu cầu khác về lao động, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

III. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân các cấp

Như giới thiệu ở mục II, có rất nhiều dạng tranh chấp lao động hay yêu cầu về lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án. Tuy nhiên, mỗi cấp Toà (Toà án tỉnh và Toà án huyện) lại có thẩm quyền khác nhau trong việc thụ lý giải quyết.

Cụ thể tại Bộ luật tố tụng dân sự (2015) quy định như sau:

Điều 35. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân CẤP HUYỆN 

1. Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây:

c) Tranh chấp về lao động quy định tại Điều 32 của Bộ luật này.

2. Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết những yêu cầu sau đây:

d) Yêu cầu về lao động quy định tại khoản 1 và khoản 5 Điều 33 của Bộ luật này.

Điều 37. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân CẤP TỈNH 

1. Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc sau đây:

a) Tranh chấp về lao động quy định Điều 32 của Bộ luật này, trừ những tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện.

b) Yêu cầu về lao động quy định tại Điều 33 của Bộ luật này, trừ những yêu cầu thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện. 

Để dễ hiểu về những quy định nêu trên, quý vị chỉ cần nhớ như sau:

- Toà án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết (giai đoạn sơ thẩm) hầu hết các loại tranh chấp và yêu cầu về lao động. Do vậy, khi có tranh chấp về lao động, quý vị cần nộp đơn đến TAND cấp huyện, nơi NSDLĐ có trụ sở hoặc nơi làm việc của quý vị.

- Chỉ khi nào Toà án cấp huyện không thụ lý đơn và có hướng dẫn, thì quý vị mới nộp đơn khởi kiện đến Toà án nhân dân cấp tỉnh.

- Trong khi đó, Toà án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết phúc thẩm (xét xử lại theo đơn kháng cáo) hầu hết các tranh chấp và yêu cầu về lao động.

........

* Quy định tại Bộ luật lao động 2019:


Điều 219. Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan đến lao động

(...)


2. Sửa đổi, bổ sung Điều 32 của Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung tên điều, khoản 1; bổ sung các khoản 1a, 1b và 1c vào sau khoản 1 như sau:

“Điều 32. Những tranh chấp về lao động và tranh chấp liên quan đến lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án

1. Tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động mà hòa giải thành nhưng các bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải theo quy định của pháp luật về lao động mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:

a) Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;

b) Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;

c) Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;

d) Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;

đ) Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

e) Giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.

1a. Tranh chấp lao động cá nhân mà hai bên thỏa thuận lựa chọn Hội đồng trọng tài lao động giải quyết nhưng hết thời hạn theo quy định của pháp luật về lao động mà Ban trọng tài lao động không được thành lập, Ban trọng tài lao động không ra quyết định giải quyết tranh chấp hoặc một trong các bên không thi hành quyết định của Ban trọng tài lao động thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.

1b. Tranh chấp lao động tập thể về quyền theo quy định của pháp luật về lao động đã qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động mà hòa giải không thành, hết thời hạn hòa giải theo quy định của pháp luật về lao động mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải hoặc một trong các bên không thực hiện biên bản hòa giải thành thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.

1c. Tranh chấp lao động tập thể về quyền mà hai bên thỏa thuận lựa chọn Hội đồng trọng tài lao động giải quyết nhưng hết thời hạn theo quy định của pháp luật về lao động mà Ban trọng tài lao động không được thành lập, Ban trọng tài lao động không ra quyết định giải quyết tranh chấp hoặc một trong các bên không thi hành quyết định của Ban trọng tài lao động thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.”;

b) Bãi bỏ khoản 2 Điều 32.

........

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét