Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2017

Quy định về tuyển dụng lao động trong Khu công nghiệp, Khu chế xuất ...

Ls. Trần Hồng Phong giới thiệu

Khi NSDLĐ là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hoạt động trong các Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu công nghệ cao và Khu kinh tế (gọi chung là Khu công nghiệp) tuyển dụng lao động, cần phải tuân thủ theo trình tự, thủ tục có phần hơi khác so với các doanh nghiệp khác hoạt động ngoài Khu công nghiệp. Vấn đề này được quy định tại Nghị định số 03/2014/NĐ-CP.  Giám đốc nhân sự cần nắm quy định này để thực hiện.


Tuyển dụng nhân sự là một vấn đề quan trọng đối với mọi doanh nghiệp, đặc biệt là trong tuyển dụng nhân sự cao cấp (ảnh minh hoạ)



Cụ thể như sau:

I. Cơ sở pháp lý:

- Bộ luật lao động (2012)

- Nghị định số 03/2014/NĐ-CP.

- Thông tư số 23/2014/TT-BLĐTBXH.

II. Nguyên tắc chung:

1. Người sử dụng lao động có quyền trực tiếp hoặc thông qua tổ chức dịch vụ việc làm, doanh nghiệp cho thuê lại lao động để tuyển người lao động Việt Nam;

2. Người lao động có quyền trực tiếp với người sử dụng lao động hoặc đăng ký tại tổ chức dịch vụ việc làm để tìm việc làm.

3. Thông báo tuyển dụng và kết quả tuyển dụng phải được niêm yết tại trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện nơi tuyển lao động; hoặc thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo chí).

4. Bên tuyển dụng phải trả lại đầy đủ hồ sơ đăng ký dự tuyển lao động trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người lao động yêu cầu - đối với trường hợp không đạt tuyển dụng hoặc người xin việc không đến dự tuyển. (Ghi chú: NLĐ phải có yêu cầu trả hồ sơ bằng văn bản, trong thời hạn 3 tháng).

III. Thủ tục, trình tự tuyển lao động

1. Ít nhất 05 ngày làm việc trước ngày nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển lao động, người sử dụng lao động hoặc tổ chức dịch vụ việc làm hoặc doanh nghiệp cho thuê lại lao động phải thông báo công khai về nhu cầu tuyển lao động.

Nội dung thông báo bao gồm:

a) Nghề, công việc, trình độ chuyên môn, số lượng cần tuyển;

b) Loại hợp đồng dự kiến giao kết;

c) Mức lương dự kiến;

d) Điều kiện làm việc cho từng vị trí công việc.

2. Hồ sơ đăng ký dự tuyển lao động của người lao động gồm các văn bản sau đây:

a) Phiếu đăng ký dự tuyển lao động (theo mẫu do Bộ LĐTBXH quy định tại Thông tư số 23/2014/TT-BLĐTBXH);

b) Bản sao các văn bằng, chứng chỉ chứng minh trình độ chuyên môn kỹ thuật; trình độ ngoại ngữ, tin học theo yêu cầu của vị trí cần tuyển;

c) Giấy chứng nhận sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế;

d) Các giấy tờ cần thiết khác theo quy định của pháp luật.

3. Khi nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển lao động, người sử dụng lao động hoặc tổ chức dịch vụ việc làm hoặc doanh nghiệp cho thuê lại lao động có trách nhiệm quản lý hồ sơ và thông báo cho người lao động thời gian tuyển lao động.

4. Người sử dụng lao động, tổ chức dịch vụ việc làm, doanh nghiệp cho thuê lại lao động phải thông báo công khai kết quả tuyển lao động trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả tuyển lao động.

IV. Kinh phí tuyển dụng:

Người sử dụng lao động chi trả các chi phí cho việc tuyển lao động và được hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh các khoản chi phí sau đây:

a) Thông báo tuyển lao động;

b) Tiếp nhận, quản lý hồ sơ đăng ký dự tuyển lao động;

c) Tổ chức thi tuyển lao động;

d) Thông báo kết quả tuyển lao động.

Trường hợp tuyển lao động thông qua tổ chức dịch vụ việc làm thì người sử dụng lao động phải thanh toán tiền phí dịch vụ việc làm về tuyển lao động cho tổ chức dịch vụ việc làm theo quy định của pháp luật.

Lưu ý:

- Sau khi tuyển dụng, ký HĐLĐ, NSDLĐ phải thực hiện thủ tục "Báo cáo sử dụng lao động". Vấn đề này sẽ được giới thiệu trong bài viết khác. 

.........

Cơ sở pháp lý tham khảo:

Quy định tại Nghị định 03/2014 - hướng dẫn thi hành Bộ luật lao động 2012:

Chương 3. TUYỂN, QUẢN LÝ LAO ĐỘNG

Điều 6. Tuyển lao động


Việc tuyển người lao động Việt Nam làm việc cho người sử dụng lao động Việt Nam; làm việc trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế (sau đây gọi chung là khu công nghiệp) theo quy định tại Điều 11 và Khoản 2 Điều 168 của Bộ luật lao động được quy định như sau:

1. Người sử dụng lao động có quyền trực tiếp hoặc thông qua tổ chức dịch vụ việc làm, doanh nghiệp cho thuê lại lao động để tuyển người lao động Việt Nam;

2. Người lao động có quyền trực tiếp với người sử dụng lao động hoặc đăng ký tại tổ chức dịch vụ việc làm để tìm việc làm.

Điều 7. Thủ tục, trình tự tuyển lao động

1. Ít nhất 05 ngày làm việc trước ngày nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển lao động, người sử dụng lao động hoặc tổ chức dịch vụ việc làm hoặc doanh nghiệp cho thuê lại lao động phải thông báo công khai về nhu cầu tuyển lao động. Nội dung thông báo bao gồm:

a) Nghề, công việc, trình độ chuyên môn, số lượng cần tuyển;
b) Loại hợp đồng dự kiến giao kết;
c) Mức lương dự kiến;
d) Điều kiện làm việc cho từng vị trí công việc.

2. Hồ sơ đăng ký dự tuyển lao động của người lao động gồm các văn bản sau đây:

a) Phiếu đăng ký dự tuyển lao động theo mẫu do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định;
b) Bản sao các văn bằng, chứng chỉ chứng minh trình độ chuyên môn kỹ thuật; trình độ ngoại ngữ, tin học theo yêu cầu của vị trí cần tuyển;
c) Giấy chứng nhận sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế;
d) Các giấy tờ cần thiết khác theo quy định của pháp luật.

3. Khi nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển lao động, người sử dụng lao động hoặc tổ chức dịch vụ việc làm hoặc doanh nghiệp cho thuê lại lao động có trách nhiệm quản lý hồ sơ và thông báo cho người lao động thời gian tuyển lao động.

4. Người sử dụng lao động, tổ chức dịch vụ việc làm, doanh nghiệp cho thuê lại lao động phải thông báo công khai kết quả tuyển lao động trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả tuyển lao động.

5. Trường hợp người lao động không trúng tuyển hoặc không tham gia dự tuyển, người sử dụng lao động hoặc tổ chức dịch vụ việc làm hoặc doanh nghiệp cho thuê lại lao động phải trả lại đầy đủ hồ sơ đăng ký dự tuyển lao động trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người lao động yêu cầu.

6. Người sử dụng lao động chi trả các chi phí cho việc tuyển lao động và được hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh các khoản chi phí sau đây:


a) Thông báo tuyển lao động;
b) Tiếp nhận, quản lý hồ sơ đăng ký dự tuyển lao động;
c) Tổ chức thi tuyển lao động;
d) Thông báo kết quả tuyển lao động.

Trường hợp tuyển lao động thông qua tổ chức dịch vụ việc làm thì người sử dụng lao động phải thanh toán tiền phí dịch vụ việc làm về tuyển lao động cho tổ chức dịch vụ việc làm theo quy định của pháp luật.


.........

Quy định tại Thông tư số 23/2014/TT-BLĐTBXH, hướng dẫn thực hiện Nghị định 03/2014/NĐ-CP:

Điều 5. Thủ tục, trình tự tuyển lao động


1. Việc thông báo công khai quy định tại các Khoản 1 và Khoản 4 Điều 7 Nghị định số03/2014/NĐ-CP được thực hiện thông qua một trong các hình thức sau đây:

a) Niêm yết tại trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện nơi tuyển lao động;

b) Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

2. Phiếu đăng ký dự tuyển lao động quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 03/2014/NĐ-CP được thực hiện theo mẫu số 04 ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Người lao động có nhu cầu trả lại hồ sơ đăng ký dự tuyển lao động theo quy định tại Khoản 5 Điều 7 Nghị định số 03/2014/NĐ-CP phải thực hiện yêu cầu bằng văn bản trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày thông báo kết quả tuyển lao động.
...........

Quy định tại Bộ luật lao động (2012):

Điều 11. Quyền tuyển dụng lao động của người sử dụng lao động

Người sử dụng lao động có quyền trực tiếp hoặc thông qua tổ chức dịch vụ việc làm, doanh nghiệp cho thuê lại lao động để tuyển dụng lao động, có quyền tăng, giảm lao động phù hợp với nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

Điều 168. Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, lao động cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam

1. Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân tìm kiếm và mở rộng thị trường lao động để đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài phải tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật nước sở tại, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.

2. Công dân Việt Nam làm việc trong các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, trong khu công nghiệp, khu kinh tế và khu chế xuất, trong các cơ quan, tổ chức nước ngoài hoặc quốc tế tại Việt Nam hoặc làm việc cho cá nhân là công dân nước ngoài tại Việt Nam phải tuân theo pháp luật Việt Nam và được pháp luật bảo vệ.

............


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét