Anh Võ Trọng Ân là công nhân hợp đồng 1 năm của Công ty, ký hợp đồng từ ngày 16.4.2013 đến 16.4.2014 với mức lương là hơn 2,7 triệu đồng/tháng (chưa tính phụ cấp). Nhưng đến ngày 21.6.2013, Công ty cho anh Ân thôi việc với lý do đã vi phạm nội quy và thoả ước lao động- cụ thể là nghỉ làm việc 5 ngày không có lý do chính đáng. Trong số 5 ngày này, có ba ngày tại Công ty xảy ra đình công, hoạt động bị ngưng trệ.
Tại phiên toà, ông Chung Quốc Kiều- Giám đốc Công ty trình bày nguyên nhân dẫn đến đình công là do trong Công ty có mâu thuẫn nội bộ, sau đó ông Phó Tổng giám đốc người Hàn Quốc đã xúi giục một số công nhân đình công. Tuy nhiên, phía các nguyên đơn cho rằng công nhân đình công vì Công ty không bảo đảm quyền lợi cho người lao động.
Cụ thể là thời gian học việc của công nhân ban đầu chỉ từ 1 tháng sau Công ty nâng lên thành 2 tháng; Công ty ký kết hợp đồng nhưng không giao cho người lao động, sau đó báo mất buộc công nhân phải ký lại từ đầu; Công ty trừ lương, đuổi việc công nhân với những lý do không chính đáng.
Sau các cuộc đình công, công nhân nào trở lại làm việc ngay thì sẽ được nhận lại. Còn 30 công nhân này nghỉ thêm một vài ngày thì Công ty cho thôi việc. Anh Ân cùng 12 công nhân khác yêu cầu Công ty phải bồi thường vì đã sa thải lao động trái phép, bởi Công ty tính ngày đình công là ngày nghỉ không phép là không thoả đáng.
Bên cạnh đó, Công ty không mời các công nhân này đến để giải quyết mà đơn phương chấm dứt hợp đồng là vi phạm Luật Lao động. Mức bồi thường mà anh Ân đưa ra là hơn 34 triệu đồng, bao gồm những ngày nghỉ không được lao động, tiền công những ngày nghỉ phép chưa hưởng, 5 tháng lương và phụ cấp lương.
Tại phiên toà, Toà án huyện Trảng Bàng chấp nhận một phần yêu cầu của anh Ân, buộc Công ty phải bồi thường cho anh Ân hơn 19 triệu đồng. Các nguyên đơn khác cũng được Toà xử thắng kiện, buộc Công ty phải bồi thường cho mỗi trường hợp hai tháng lương trở lên.
Thoả ước riêng không được trái Luật Lao động
Tuy nhiên, tại phiên toà, ông Chung Quốc Kiều đã phản ứng gay gắt và cho rằng Công ty bị xử ép. Ông Kiều cho rằng: “Các năm trước, năm nào Công ty cũng xảy ra đình công, chúng tôi cũng xử lý như vậy nhưng không gặp vấn đề gì…”.
Theo chủ toạ phiên toà, việc Công ty Royal không triệu tập người lao động để giải quyết theo luật mà đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là vi phạm Điều 123 Bộ luật Lao động. Bên cạnh đó, Công ty tính gộp luôn những ngày đình công là ngày nghỉ trái phép là không đúng.
Ông Chung Quốc Kiều phản bác: “Cuộc đình công này là trái pháp luật, bởi không phải do tổ chức Công đoàn Công ty tổ chức. Vì vậy, không tính đây là ngày nghỉ có phép được”. Chủ toạ phiên toà lý giải: “Về nguyên tắc, tổ chức Công đoàn phải đứng ra bảo vệ quyền lợi của người lao động. Nhưng trong trường hợp này, Ban Chấp hành Công đoàn đã đứng về phía Công ty để xử lý kỷ luật, sa thải người lao động trái pháp luật. Cần xem lại hoạt động của Công đoàn Công ty”.
Ông Kiều cho rằng, việc ông không thể triệu tập người lao động đến để xử lý kỷ luật là do “yếu tố khách quan”, bởi những ngày đình công tình hình rất rối ren, vì thế nên Công ty căn cứ vào thoả ước lao động và nội quy để xử lý. Theo thoả ước, nếu công nhân nghỉ 5 ngày không phép là Công ty có quyền sa thải.
Thẩm phán Phạm Văn Tâm, chủ toạ phiên toà khẳng định: “Luật Lao động là nền tảng để mọi đơn vị sử dụng lao động phải chấp hành. Thoả ước riêng trong Công ty cũng phải tuân thủ Luật Lao động. Công ty không làm việc với người lao động, đã tự ý sa thải người lao động trái pháp luật. Không thể lấy thoả ước riêng của Công ty để biện minh được”.
Ngày 19.9, Toà án huyện Trảng Bàng đã gửi các quyết định của toà đến Công ty Royal. Ông Chung Quốc Kiều cho biết, ông đã nộp đơn kháng cáo lên Toà án tỉnh và cho rằng toà án huyện tuyên buộc Công ty bồi thường cho những công nhân bị cho nghỉ việc là “vô lý”.
Nguồn: báo Tây Ninh (ngày 24/10/2014)
........
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét