Thứ Ba, 18 tháng 7, 2017

Tôi bị sa thải có đúng luật?

Hỏi : Tôi tên Nguyễn Q., đang làm giám sát sản xuất cho một công ty nước ngoài. Công ty sản xuất tole nên rất chú trọng đến vấn đề an toàn lao động. Tôi bị công ty sa thải vì tôi giám sát việc sản xuất theo quy trình không chặt chẽ. Sự việc như sau: Công ty có một tai nạn chết người xảy ra tháng 3 năm 2015 tại dây chuyền sơn, không phải do tôi phụ trách. Kể từ đó, mỗi buổi sáng, giám sát sản xuất phải rà soát và báo cáo các sự cố cô lập an toàn trong buổi họp buổi sáng. Chúng tôi đã thực hiện. Tuy nhiên, do thời gian hạn chế nên đôi khi có một vài sự cố không được rà soát kỹ.

Kỷ luật sa thải phải được thực hiện đúng trình tự, thủ tục quy định tại Bộ luật lao động và văn bản hướng dẫn thi hành (ảnh minh hoạ)

Ngày 17/8/2016, tôi phát hiện quy trình cô lập an toàn có chỗ sai và đã yêu cầu trưởng ca sửa chữa. Tuy nhiên tôi quên báo cáo cho giám đốc sản xuất. Ông ta có nhắc tôi 2 lần nhưng những lần tôi đem hồ sơ qua gặp thì không có ông ấy. Việc cô lập sai có thể dẫn đến tai nạn lao động. Việc cô lập sai này đã diễn ra 6 năm hoạt động nhà máy. Tôi vừa được điều đến làm việc 1 năm nay nên không nhận ra. Nhưng khi nhận ra, tôi đã cho trưởng ca sửa chữa nhưng chậm báo cáo. Giám đốc sản xuất nói rằng tôi không tuân theo mệnh lệnh của ông ta. Ông ta làm báo cáo lên Tổng giám đốc và có quyết định sa thải tôi. Xin quý luật sư cho tôi hỏi trường hợp của tôi bị sa thải có đúng luật? Tôi phải làm gì nếu công ty sa thải tôi ? Tôi gởi kèm theo nội quy lao động của công ty để quý luật sư xem xét. Xin chân thành cảm ơn.( Nguyễn Q.)


Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Theo thông tin anh kể thì hình như anh đã nhận quyết định sa thải (đã bị sa thải). Để biết việc công ty sa thải anh là đúng hay sai cần phải xem xét ở hai khía cạnh (chỉ cần sai một trong hai thì cũng có thể xem như việc sa thải không đúng luật):

- Thứ nhất về thủ tục: trình tự giải quyết kỷ luật lao động đối với anh đã đúng luật chưa. Có thể hiện rõ ràng trong Biên bản họp xử lý kỷ luật lao động không? Vì anh không nói về quá trình giải quyết và không gửi Biên bản cuộc họp nên tôi không thể đánh giá chính xác được. Tuy nhiên, anh có thể xem điều luật bên dưới và tự đánh giá được (Điều 123 BLLĐ 2012). Và ngay chính trong Nội qui lao động mà anh đã gửi cho chúng tôi.

- Thứ hai về nội dung: việc sa thải anh căn cứ vào qui định tại điều khoản nào trong Bộ luật lao động và Nội qui công ty? Tôi đã xem nội qui lao động của công ty anh – nhất là ở phần kỷ luật lao động. Cảm nhận của tôi là Nội qui khá chi tiết, chặt chẽ nhưng có phần quá nghiêm khắc. Tuy nhiên, về nguyên tắc thì Nội qui này đã được đăng ký tại Sở LĐTBXH nên xem như có giá trị pháp lý và công ty có quyền áp dụng.

Đi vào cho tiết câu hỏi của anh, theo tôi chúng ta cần đọc lại nguyên văn thư anh viết như sau:

“Ngày 17 tháng 8, tôi phát hiện quy trình cô lập an toàn có chỗ sai và đã yêu cầu trưởng ca sửa chữa. Tuy nhiên tôi quên báo cáo cho giám đốc sản xuất. Ông ta có nhắc tôi 2 lần nhưng những lần tôi đem hồ sơ qua gặp thì không có ông ấy. Việc cô lập sai có thể dẫn đến tai nạn lao động. Việc cô lập sai này đã diễn ra 6 năm hoạt động nhà máy. Tôi vừa được điều đến làm việc 1 năm nay nên không nhận ra. Nhưng khi nhận ra, tôi đã cho trưởng ca sửa chữa nhưng chậm báo cáo”.

Qua đó có thể thấy: Anh có lỗi là "quên báo cáo” dù đã được nhắc. Việc anh nại ra lý do “đem hồ sơ qua thì không gặp” không được hợp lý lắm. Vì anh có thể liên lạc qua điện thoại hoặc nhắn tin lại. Về mặt cảm tính, đó là lỗi “không tuân lệnh cấp trên”. Trong Nội qui lao động của công ty anh có qui định công ty có quyền sa thải khi người lao động “cố ý vi phạm các chính sách và quy trình về an toàn lao động”. Tuy nhiên, lỗi của anh khó có thể nói là “cố ý”.

Theo tôi đánh giá thì lỗi của anh chưa gây ra hậu quả và hiện vẫn có thể khắc phục được. Do vậy, việc công ty sa thải hay sẽ sa thải anh là không hợp lý. Hay nói chính xác hơn là không đúng.

Về nguyên tắc, nếu bị sa thải không đúng luật thì anh có quyền kiện ra tòa án, yêu cầu công ty hủy bỏ quyết định sa thải trái pháp luật, nhận anh trở lại làm việc. Quyền lợi của anh trong thời gian bị nghỉ việc do bị sa thải trái pháp luật sẽ được công ty có trách nhiệm truy hoàn lại.

Trên đây cũng chỉ là những ý kiến mang tính tổng quát. Cho dù là sự việc thực sự như lời anh kể thì anh vẫn cần và nên thuê một luật sư hỗ trợ pháp lý cho mình trong quá trình kiện tụng. Chúc anh bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Ý cuối, nếu công ty chưa sa thải anh thì anh nên gửi toàn văn bài tư vấn này đến Ban giám đốc công ty và đề nghị công ty không sa thải anh mà có thể có hình thức kỷ luật khác phù hợp hơn – “tương xứng” với những sai phạm của anh. Thân mến. 

..........

Quy định tại Bộ luật lao động (2012):

Điều 123. Nguyên tắc, trình tự xử lý kỷ luật lao động

1. Việc xử lý kỷ luật lao động được quy định như sau:

a) Người sử dụng lao động phải chứng minh được lỗi của người lao động;

b) Phải có sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở;

c) Người lao động phải có mặt và có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa; trường hợp là người dưới 18 tuổi thì phải có sự tham gia của cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật;

d) Việc xử lý kỷ luật lao động phải được lập thành biên bản.

2. Không được áp dụng nhiều hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với một hành vi vi phạm kỷ luật lao động.

3. Khi một người lao động đồng thời có nhiều hành vi vi phạm kỷ luật lao động thì chỉ áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất tương ứng với hành vi vi phạm nặng nhất.

4. Không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang trong thời gian sau đây:

a) Nghỉ ốm đau, điều dưỡng; nghỉ việc được sự đồng ý của người sử dụng lao động;

b) Đang bị tạm giữ, tạm giam;

c) Đang chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra xác minh và kết luận đối với hành vi vi phạm được quy định tại khoản 1 Điều 126 của Bộ luật này;

d) Lao động nữ có thai, nghỉ thai sản; người lao động nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.

5. Không xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động vi phạm kỷ luật lao động trong khi mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.



Quý vị hãy gửi câu hỏi đến email ecolaw2@gmail.com - để được luật sư tư vấn (hoàn toàn miễn phí). Nội dung và câu hỏi gửi đến càng chi tiết, đầy đủ, thì nội dung trả lời sẽ càng chính xác, hiệu quả.  Các câu hỏi - đáp (được mã hoá tên, địa chỉ để bảo mật) sẽ được đăng trên blog này để mọi người cùng tham khảo, phổ biến pháp luật.


Câu lạc bộ Giám đốc nhân sự blog - địa chỉ tin cậy của mọi người

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét