Thứ Tư, 5 tháng 7, 2017

Vừa hết thời gian thử việc 3 ngày thì người lao động xin nghỉ việc, giải quyết theo dạng hợp đồng nào?

Hỏi: Kính gửi Ecolaw, hiện tại công ty tôi đang xảy ra một trường hợp mà tôi chưa nắm rõ luật lao động nên tôi xin nhờ cho tôi xin 1 giải pháp. Nhân viên bán hàng của công ty tôi ký hợp đồng lao động từ ngày 16/05/2016 đến ngày 16/07/2016 là hết hợp đồng thử việc (thử việc 02 tháng). Đến ngày 19/07/2016 nhân viên bán hàng nộp đơn xin nghỉ việc và xin giải quyết vào đầu tháng. Không biết theo luật: nếu chưa ký hợp đồng mới thì nhân viên chỉ cần thông báo trước 03 ngày là được giải quyết nghỉ thì có đúng không? Trong trường hợp này thì phải xử lý thế nào thì mới đúng?

Việc thay đổi ý định là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc không ký được hợp đồng lao động (ảnh minh hoạ)

Tôi có đọc mục trả lời tư vấn của luật sư về " Quá 30 ngày mà không ký hợp đồng mới thì hợp đồng cũ sẽ “tự động” trở thành hợp đồng không xác định thời hạn", tôi không biết đối với công ty tôi thì như thế nào, và hợp đồng thử việc có được coi là hợp đồng mùa vụ hay hợp đồng có tính chất nhất định có thời gian dưới 12 tháng không? Trong trường hợp này nếu nhân viên nghỉ có cần phải báo trước 45 ngày hay không? Xin luật sư giải quyết thắc mắc dùm, tôi xin chân thành cảm ơn!(Nguyen Th.)


Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Thắc mắc của bạn tôi có ý kiến trao đổi như sau:

Theo quy định tại Điều 27 Bộ luật lao động (2012) về kết thúc thời gian thử việc thì "Khi việc làm thử đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động".

Cụ thể hơn, tại Điều 7 Nghị định 05/2015/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Bộ luật lao động quy định hai bên phải "GIAO KẾT NGAY" hợp đồng lao động. Từ "ngay" có thể hiểu là ngay sau khi kết thúc hợp đồng thử việc, trong ngày. (Xem điều luật bên dưới). 

Tuy nhiên trên thực tế, và tại công ty bạn, thì khá nhiều doanh nghiệp đều "thong thả" trong khoảng 1 tuần mới ký hợp đồng. Đơn giản vì nghĩ rằng NLĐ thử việc đạt và được ký hợp đồng là họ sẽ vui mừng vì đạt được nguyện vọng. Ai lại bỏ cơ hội tốt trong công việc của mình. Không cần quá gấp.

Chính vì vậy, mà dẫn đến tình huống như của công ty bạn, tức là về mặt mực đen giấy trắng, xem như giữa hai bên chưa ký/chưa có hợp đồng lao động chính thức, phải bằng văn bản, theo quy định của pháp luật. Mặt khác, việc ký hay không ký được hợp đồng còn phụ thuộc vào quyền, vào sự thoả thuận và thống nhất giữa hai bên. Cho dù là đã kết thúc thử việc. Tức là dù luật quy định, nhưng cũng không đồng nghĩa là hợp đồng lao động sẽ chắc chắn được ký sau đó.

Thế nên theo quan điểm của tôi, giải thích theo hướng có lợi cho bên yếu thế hơn là người lao động, thì có thể xem đây là trường hợp hai bên chưa có hợp đồng lao động, chưa ràng buộc trách nhiệm với nhau. Cũng không thuộc dạng hợp đồng nào cả. Và do vậy, khi NLĐ có nguyện vọng nghỉ việc như vậy thì công ty nên chấp nhận là tốt nhất. Nếu công ty không đồng ý, thì về nguyên tắc hai bên phải ký hợp đồng lao động chính thức, mà ký chính thức thì NLĐ lại không ký (vì đã làm đơn xin nghỉ). Tức đàng nào thì công ty cũng nắm ... đàng lưỡi! Không lẽ chuyện nhỏ như vậy lại dẫn đến tranh cãi, tranh chấp?

........

Quy định của pháp luật:

Kết thúc thời gian thử việc

1. Khi việc làm thử đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động.

2. Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền huỷ bỏ thoả thuận thử việc mà không cần báo trước và không phải bồi thường nếu việc làm thử không đạt yêu cầu mà hai bên đã thoả thuận.

(Điều 29 Bộ luật lao động 2012)

Thông báo kết quả về việc làm thử

1. Trong thời hạn 03 ngày trước khi kết thúc thời gian thử việc đối với người lao động làm công việc có thời gian thử việc quy định tại Khoản 1 và 2 Điều 27 của Bộ luật Lao động, người sử dụng lao động phải thông báo cho người lao động kết quả công việc người lao động đã làm thử; trường hợp công việc làm thử đạt yêu cầu thì khi kết thúc thời gian thử việc, người sử dụng lao động phải giao kết ngay hợp đồng lao động với người lao động.

2. Khi kết thúc thời gian thử việc đối với người lao động làm công việc có thời gian thử việc quy định tại Khoản 3 Điều 27 của Bộ luật Lao động, người sử dụng lao động phải thông báo cho người lao động kết quả công việc người lao động đã làm thử; trường hợp công việc làm thử đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động phải giao kết ngay hợp đồng lao động với người lao động.


(Điều 7 Nghị định 05/2015/NĐ-CP)

Quý vị hãy gửi câu hỏi đến email ecolaw2@gmail.com - để được luật sư tư vấn (hoàn toàn miễn phí). Nội dung và câu hỏi gửi đến càng chi tiết, đầy đủ, thì nội dung trả lời sẽ càng chính xác, hiệu quả.  Các câu hỏi - đáp (được mã hoá tên, địa chỉ để bảo mật) sẽ được đăng trên blog này để mọi người cùng tham khảo, phổ biến pháp luật.


Câu lạc bộ Giám đốc nhân sự blog - địa chỉ tin cậy của mọi người

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét