Theo quy định tại BLLĐ (2012), trong những trường hợp doanh nghiệp, cơ quan tổ chức có nhu cầu tuyển dụng lao động/nhân sự thuộc dạng quản lý cao cấp, chuyên gia hay lao động kỹ thuật cao, nhưng tại Việt Nam chưa có hoặc không tìm được người, thì có thể tuyển dụng lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại VN. Trong những trường hợp như vậy, lao động là công dân nước ngoài (thông qua phía NSDLĐ) phải làm thủ tục để được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét và cấp Giấy phép lao động. Cụ thể như sau:
Trong những trường hợp cần thiết doanh nghiệp có thể tuyển dụng lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam. Nhưng phải làm thủ tục cấp Giấy phép lao động (ảnh minh hoạ)
I. Cơ sở pháp lý:
- Bộ luật lao động (năm 2012)
- Nghị định 11/2016/NĐ-CP
- Thông tư số 40/2016/TT-BLĐTBXH
II. Các trường hợp được cấp Giấy phép lao động:
Lao động người nước ngoài vào làm việc hợp pháp tại VN phải bảo đảm tuân thủ và thực hiện đúng cả 3 điều kiện, gồm:
- Điều kiện đối với bản thân công dân người nước ngoài;
- Điều kiện trong tuyển dụng của doanh nghiệp.
- Được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy phép lao động. (Trừ những trường hợp không cần/không cấp Giấy phép lao động theo quy định của pháp luật).
Cụ thể như sau:
1. Điều kiện của lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam:
Theo quy định tại Điều 169 BLLĐ, lao động là công dân nước ngoài muốn vào làm việc tại Việt Nam phải bảo đảm các điều kiện sau đây:
a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; (Ghi chú: Tức không phải là người khuyết tật, hay bị bệnh tâm thần).
b) Có trình độ chuyên môn, tay nghề và sức khỏe phù hợp với yêu cầu công việc;
c) Không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài;
d) Lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải tuân theo pháp luật lao động Việt Nam, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác và được pháp luật Việt Nam bảo vệ.
2. Điều kiện trong tuyển dụng của doanh nghiệp:
Điều 170 BLLĐ (2012) quy định điều kiện tuyển dụng lao động là công dân nước ngoài như sau:
- Chỉ được tuyển lao động là công dân nước ngoài vào làm công việc quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật mà lao động Việt Nam chưa đáp ứng được theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh.
- Trước khi tuyển dụng lao động là công dân nước ngoài vào làm việc trên lãnh thổ Việt Nam phải giải trình nhu cầu sử dụng lao động và được sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Ghi chú: Cơ quan có thẩm quyền cấp phép lao động gồm Bộ LĐTBXH hoặc Sở LĐTBXH tuỳ trường hợp. Xem trong bài "Trình tự, thủ tục và hồ sơ cấp Giấy phép lao động").
3. Được cấp Giấy phép lao động:
Những trường hợp đáp ứng được 2 điều kiện trên, tức là được UBND tỉnh chấp thuận, thì lao động là công dân nước ngoài sẽ được cấp Giấy phép lao động, trở thành lao động hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam.
Trình tự, thủ tục và hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép lao động phải thực hiện theo quy định chung. (Tham khảo trong bài viết liên quan cùng chuyên mục).
Lưu ý:
- Công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam không có giấy phép lao động sẽ bị trục xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam.
- Khi lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại doanh nghiệp, hai bên vẫn phải ký HĐLĐ theo quy định chung về hợp đồng lao động hoặc có thể ký Thoả thuận dân sự về những vấn đề có liên quan đến hợp đồng lao động giữa hai bên.
III. Các trường hợp không cần cấp Giấy phép lao động:
Ngoài những trường hợp bắt buộc phải làm thủ tục và được cấp Giấy phép lao động như nêu ở trên, tại Điều 172 BLLĐ (2012) có quy định về những trường hợp công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam không thuộc diện (không cần làm thủ tục) cấp giấy phép lao động - mà vẫn được xem là hợp pháp. Cụ thể là những trường hợp sau đây:
1. Là thành viên góp vốn hoặc là chủ sở hữu của công ty trách nhiệm hữu hạn.
2. Là thành viên Hội đồng quản trị của công ty cổ phần.
Ví dụ: công ty cổ phần A đăng ký hoạt động tại Việt Nam, trong danh sách Hội đồng quản trị có ông B là công dân mang quốc tịch Mỹ (người nước ngoài). Trường hợp này ông B được vào Việt Nam, làm việc tại công ty B mà không cần làm thủ tục cấp Giấy phép lao động.
3. Là Trưởng văn phòng đại diện, dự án của tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam.
4. Vào Việt Nam với thời hạn dưới 03 tháng để thực hiện chào bán dịch vụ.
5. Vào Việt Nam với thời hạn dưới 03 tháng để xử lý những sự cố, tình huống kỹ thuật, công nghệ phức tạp nảy sinh làm ảnh hưởng hoặc có nguy cơ ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh mà các chuyên gia Việt Nam và các chuyên gia nước ngoài hiện đang ở Việt Nam không xử lý được.
6. Là luật sư nước ngoài đã được cấp giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam theo quy định của Luật luật sư.
7. Theo quy định của Điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
8. Là học sinh, sinh viên học tập tại Việt Nam làm việc tại Việt Nam nhưng người sử dụng lao động phải báo trước 07 ngày với cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh.
9. Các trường hợp khác theo quy định của Chính phủ.
..........
Văn bản tham khảo:
* Quy định tại Bộ luật lao động (2012):
Điều 169. Điều kiện của lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam
1. Lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
b) Có trình độ chuyên môn, tay nghề và sức khỏe phù hợp với yêu cầu công việc;
c) Không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài;
d) Có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp, trừ các trường hợp theo quy định tại Điều 172 của Bộ luật này.
2. Lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải tuân theo pháp luật lao động Việt Nam, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác và được pháp luật Việt Nam bảo vệ.
Điều 170. Điều kiện tuyển dụng lao động là công dân nước ngoài
1. Doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhà thầu trong nước chỉ được tuyển lao động là công dân nước ngoài vào làm công việc quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật mà lao động Việt Nam chưa đáp ứng được theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh.
2. Doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhà thầu nước ngoài trước khi tuyển dụng lao động là công dân nước ngoài vào làm việc trên lãnh thổ Việt Nam phải giải trình nhu cầu sử dụng lao động và được sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Điều 171. Giấy phép lao động cho lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam
1. Người lao động là công dân nước ngoài phải xuất trình giấy phép lao động khi làm các thủ tục liên quan đến xuất cảnh, nhập cảnh và xuất trình theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam không có giấy phép lao động sẽ bị trục xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam theo quy định của Chính phủ.
3. Người sử dụng lao động sử dụng công dân nước ngoài mà không có giấy phép lao động làm việc cho mình thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 172. Công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam không thuộc diện cấp giấy phép lao động
1. Là thành viên góp vốn hoặc là chủ sở hữu của công ty trách nhiệm hữu hạn.
2. Là thành viên Hội đồng quản trị của công ty cổ phần.
3. Là Trưởng văn phòng đại diện, dự án của tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam.
4. Vào Việt Nam với thời hạn dưới 03 tháng để thực hiện chào bán dịch vụ.
5. Vào Việt Nam với thời hạn dưới 03 tháng để xử lý những sự cố, tình huống kỹ thuật, công nghệ phức tạp nảy sinh làm ảnh hưởng hoặc có nguy cơ ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh mà các chuyên gia Việt Nam và các chuyên gia nước ngoài hiện đang ở Việt Nam không xử lý được.
6. Là luật sư nước ngoài đã được cấp giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam theo quy định của Luật luật sư.
7. Theo quy định của Điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
8. Là học sinh, sinh viên học tập tại Việt Nam làm việc tại Việt Nam nhưng người sử dụng lao động phải báo trước 07 ngày với cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh.
9. Các trường hợp khác theo quy định của Chính phủ.
Điều 173. Thời hạn của giấy phép lao động
Thời hạn của giấy phép lao động tối đa là 02 năm.
........
* Quy định tại Nghị định 11/2016/NĐ-CP:
Điều 4. Sử dụng người lao động nước ngoài
1. Xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài
a) Người sử dụng lao động (trừ nhà thầu) có trách nhiệm xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài đối với từng vị trí công việc mà người lao động Việt Nam chưa đáp ứng được và báo cáo giải trình với Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc. Trong quá trình thực hiện nếu thay đổi nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài thì người sử dụng lao động phải báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
b) Trường hợp người lao động nước ngoài quy định tại các Khoản 4, 5 và 8 Điều 172 của Bộ luật Lao động và Điểm e, Điểm h Khoản 2 Điều 7 Nghị định này thì người sử dụng lao động không phải thực hiện xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản chấp thuận cho người sử dụng lao động về việc sử dụng người lao động nước ngoài đối với từng vị trí công việc.
Điều 5. Sử dụng người lao động nước ngoài của nhà thầu
1. Trước khi tuyển người lao động nước ngoài, nhà thầu có trách nhiệm kê khai số lượng, trình độ, năng lực chuyên môn, kinh nghiệm của người lao động nước ngoài cần huy động để thực hiện gói thầu tại Việt Nam và đề nghị tuyển người lao động Việt Nam vào các vị trí công việc dự kiến tuyển người lao động nước ngoài (có kèm theo xác nhận của chủ đầu tư) với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi nhà thầu thực hiện gói thầu.
Trường hợp nhà thầu có nhu cầu điều chỉnh, bổ sung số lao động đã kê khai thì chủ đầu tư phải xác nhận phương án điều chỉnh, bổ sung nhu cầu lao động cần sử dụng của nhà thầu nước ngoài.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan, tổ chức của địa phương giới thiệu, cung ứng người lao động Việt Nam cho nhà thầu. Trong thời hạn tối đa 02 tháng, kể từ ngày nhận được đề nghị tuyển từ 500 người lao động Việt Nam trở lên và 01 tháng kể từ ngày nhận được đề nghị tuyển dưới 500 người lao động Việt Nam mà không giới thiệu hoặc cung ứng người lao động Việt Nam được cho nhà thầu thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định việc nhà thầu được tuyển người lao động nước ngoài vào các vị trí công việc không tuyển được người lao động Việt Nam.
3. Chủ đầu tư có trách nhiệm giám sát, yêu cầu nhà thầu thực hiện đúng nội dung đã kê khai về việc sử dụng người lao động Việt Nam và người lao động nước ngoài; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra nhà thầu thực hiện các quy định về tuyển dụng, sử dụng người lao động nước ngoài làm việc cho nhà thầu theo quy định của pháp luật; theo dõi và quản lý người lao động nước ngoài thực hiện các quy định của pháp luật Việt Nam; hằng quý, báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về tình hình tuyển dụng, sử dụng và quản lý người lao động nước ngoài của các nhà thầu theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
4. Hằng quý, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với cơ quan công an và các cơ quan có liên quan kiểm tra tình hình thực hiện các quy định của pháp luật Việt Nam đối với người lao động nước ngoài làm việc tại các gói thầu do nhà thầu trúng thầu trên địa bàn thực hiện.
..........
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét