Thứ Ba, 26 tháng 9, 2017

Hàng chục ngàn nhân viên Mai Linh taxi, Vinasun taxi phải nghỉ việc vì ... Uber, Grab

Gần 6.000 nhân viên Mai Linh nghỉ việc. Tiếp nối Vinasun, nhân sự của Tập đoàn Mai Linh đã giảm hơn 20% trong nửa đầu năm 2017. Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên của Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh vừa công bố tiếp tục cho thấy bức tranh không mấy tươi sáng về hoạt động kinh doanh taxi.

Taxi truyền thống gặp khó khăn khi xuất hiện Uber và Grab (ảnh minh hoạ)






Doanh thu thuần của Mai Linh trong 6 tháng đầu năm giảm hơn 5% cùng kỳ, chỉ còn gần 1.722 tỷ đồng. Tuy nhiên, các khoản chi phí bán hàng và quản lý tiếp tục xu hướng gia tăng khiến tập đoàn ghi nhận khoản lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh hơn 47,5 tỷ, gần gấp đôi nửa đầu năm 2016.

Lợi nhuận khác giảm 16%, chủ yếu do kết quả thanh lý tài sản cố định sụt giảm khiến lợi nhuận sau thuế của tập đoàn chỉ còn gần 29 tỷ đồng, chưa tới một nửa so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý là tổng số nhân viên của Mai Linh tính đến cuối kỳ báo cáo chỉ còn gần 24.000 người, giảm gần 6.000 người (tương đương 20%) so với thời điểm cuối năm 2016. Đà giảm mạnh về nhân sự của Mai Linh cũng tương đồng với một "đại gia" khác trong lĩnh vực kinh doanh taxi là Vinasun. Tính đến cuối quý II, nhân sự của hãng này cũng giảm gần 8.000 người.

Lỗ lũy kế tính đến giữa năm 2017 của Tập đoàn Mai Linh ghi nhận gần 800 tỷ đồng, xấp xỉ 80% vốn điều lệ.

Mặc dù có lãi trong nửa đầu năm 2017, tuy nhiên con số khiêm tốn này vẫn chưa thể bù đắp được kết quả thua lỗ sau giai đoạn dài trước đó của Mai Linh. Tính tới cuối quý II, công ty vẫn ghi nhận khoản lỗ lũy kế gần 800 tỷ đồng, xấp xỉ 80% vốn điều lệ.

Tổng tài sản tại ngày 30/6/2017 của Mai Linh cũng giảm hơn 300 tỷ so với thời điểm đầu năm, chủ yếu do giảm tài sản cố định. Dù vậy, phần lớn tài sản của công ty hiện được tài trợ bằng nợ phải trả. Khoản mục này đến cuối quý II là gần 4.800 tỷ đồng, chiếm gần 90% tổng nguồn vốn.

Cũng trong báo cáo mới công bố, với khoản lỗ lũy kế và sự chênh lệch hơn 1.300 tỷ đồng giữa tổng nợ ngắn hạn và tổng tài sản ngắn hạn, kiểm toán viên đã đưa ra đánh giá "nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn".

Trong thông điệp gửi các cổ đông hồi đầu năm, ông Hồ Huy - Chủ tịch Hội đồng quản trị Mai Linh đã nhắc đến Uber và Grab như một trong số những nguyên nhân chính khiến 2016 trở thành một năm khó khăn của Mai Linh và các hãng taxi truyền thống.

Người đứng đầu của Mai Linh cho rằng, hoạt động của Uber và Grab tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM đã khiến thị trường taxi cạnh tranh khốc liệt, trong đó sự bất bình đẳng về thuế và các điều kiện kinh doanh khác gây thiệt hại lớn cho doanh thu của mình cũng như các hãng taxi truyền thống khác.

"Theo số liệu chính thức, chỉ trong vòng vài năm trở lại đây số lượng taxi Uber và Grab ở TP HCM đã lên tới 21.000 xe; nếu kể cả xe chạy “lụi” không đăng ký ước tính phải đến 25.000 xe (trong khi quy hoạch taxi của TP HCM đến nay chỉ cho phép tổng cộng 11.000 - 12.000 xe) làm trật tự giao thông đô thị bị phá vỡ, kẹt xe nghiêm trọng, nhà nước thất thu thuế…", Chủ tịch Mai Linh cho biết.

.........

8.000 nhân viên Vinasun nghỉ việc

Nhiều chỉ tiêu kinh doanh của Vinasun giảm gần phân nửa 6 tháng đầu năm, trong đó 8.000 nhân viên đã nghỉ việc.  Báo cáo tài chính hợp nhất vừa được Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun, mã CK: VNS) công bố cho thấy, hầu hết chỉ tiêu kinh doanh của doanh nghiệp này đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, doanh thu thuần quý II năm nay đạt 810 tỷ đồng và ghi nhận mức thấp nhất từ năm 2014 đến nay. Luỹ kế doanh thu 6 tháng đầu năm đạt 1.903 tỷ đồng, giảm hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Dịch vụ vận tải hành khách vẫn là mảng kinh doanh đóng góp lớn nhất vào cơ cấu doanh thu, nhưng có dấu hiệu giảm mạnh cả về giá trị và tỷ trọng. Bù lại, doanh thu cung cấp dịch vụ khác bao gồm quảng cáo, lữ hành… đạt 160 tỷ đồng, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ.

Lợi nhuận sau thuế quý II cũng giảm gần phân nửa so với năm ngoái, chỉ đạt 46 tỷ đồng và nâng luỹ kế bán niên lên mức 101 tỷ.

Đáng chú ý là tổng số nhân viên của Vinasun tính đến cuối kỳ báo cáo giảm gần 8.000 người so với thời điểm đầu năm, chỉ còn 9.179 người. Trước đó, trong công văn kiến nghị Thủ tướng hồi giữa tháng 5, Vinasun cho biết chỉ riêng trong quý I năm nay đã có 4.239 người lao động nghỉ việc và 300 đầu xe phải nằm bãi mà nguyên nhân chính là chịu ảnh hưởng từ cạnh tranh "thiếu lành mạnh" của Uber và Grab.

Tổng giá trị tài sản của Vinasun hiện tại là 2.914 tỷ đồng, giảm 269 tỷ so với thời điểm đầu năm do công ty tập trung thanh lý phương tiện vận tải xuống cấp với giá trị hơn 219 tỷ đồng.

Theo phân tích của ban lãnh đạo Vinasun, hoạt động kinh doanh năm nay vẫn gặp phải nhiều tác động không thuận lợi như sức mua trong nước chưa phục hồi, sự cạnh tranh khốc liệt từ Grab và Uber tại thị trường TP HCM. Ngoài ra, giá xăng dầu nhiều khả năng tăng đột biến, chi phí nhân viên tăng theo lương tối thiểu cùng hàng loạt khoản phát sinh khấu hao, lãi vay… cũng ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của công ty.

Năm nay là năm thứ ba liên tiếp Vinasun cắt giảm chỉ tiêu kinh doanh. Theo đó, công ty đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trước thuế hợp nhất lần lượt đạt 4.256 tỷ đồng và 205 tỷ đồng, tương ứng mức giảm 10,6% và 34% so với thực hiện năm trước. Kế hoạch này được xây dựng trên cơ sở giá cước bình quân mỗi km vào khoảng 15.887 đồng.

Trong thời gian tới, Vinasun sẽ thay chiến lược kinh doanh theo hướng đa dạng hoá hình thức hợp tác với lái xe (vừa khoán xe, vừa ăn chia theo tỷ lệ) và nghiên cứu thị trường, cân nhắc lợi ích để phát triển dịch vụ gọi xe ôm trực tuyến để tăng sức cạnh tranh, giữ chân khách hàng.

Nguồn: Phương Đông/ Vnexpress ngày 26/9/2017 và 21/7/2017

.........

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét