Thứ Tư, 29 tháng 11, 2017

Lao động Việt đối diện nỗi lo thất nghiệp

Viện Khoa học lao động và xã hội, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) vừa công bố báo cáo “Xu hướng lao động và xã hội Việt Nam giai đoạn 2012 - 2017”. Theo báo cáo, trong 5 năm qua tỉ lệ thất nghiệp ở Việt Nam tăng nhẹ từ 1,96% lên 2,26% vào quý II-2017. Tỉ lệ thiếu việc làm cũng ở mức thấp và có xu hướng giảm từ 2,74% năm 2012 xuống còn 1,62% vào quý 2/2017. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là chất lượng lao động của Việt Nam còn thấp, với chỉ trên 23% có bằng cấp, chứng chỉ.

Theo ILP, lái xe taxi có thể bị loại khỏi cuộc chơi trong khoảng 20 năm tới khi những loại xe ô tô tự động xuất hiện ngày càng nhiều.



Theo ông Lưu Quang Tuấn, Phó Viện trưởng, Viện Khoa học lao động và xã hội, Việt Nam đang đối mặt với nghịch lý là tuy thu nhập của lao động có bằng nghề không thấp và tỉ lệ thất nghiệp ở nhóm lao động này cũng thấp, nhưng các trường nghề lại không thu hút được nhiều người theo học nghề. Kết quả là đến năm 2016, số người có bằng nghề mới chiếm 5% tổng lực lượng lao động. Hơn nữa, trong số lao động làm công hưởng lương năm 2016, tỉ lệ lao động không có hợp đồng bằng văn bản chiếm 42,2%. Như vậy, số lao động này dù là làm công hưởng lương nhưng việc làm của họ là việc làm phi chính thức và họ gần như không tiếp cận được các chính sách an sinh xã hội. Hệ lụy là động lực làm việc và mức độ gắn bó của những lao động này với doanh nghiệp/cơ sở sản xuất kinh doanh cũng không thể lớn.

Bên cạnh đó, nỗi lo về chất lượng lao động còn thấp, sức cạnh tranh kém. Đến nay, cả nước mới có gần 24% lao động có bằng cấp, chứng chỉ. Cơ cấu lao động theo trình độ đào tạo còn bất hợp lý. Thu nhập lao động tuy đã tăng từ hơn 63 triệu đồng/người (năm 2012) lên hơn 84 triệu đồng/người (năm 2017), nhưng còn thấp so với nhiều nước trong khu vực.

Theo đánh giá của Viện Khoa học lao động và xã hội, thị trường lao động Việt Nam hiện vẫn còn lạc hậu. Thậm chí, ngay cả trong khu vực chính thức cũng có gần 7 triệu người làm việc, do đó mục tiêu hướng tới việc làm bền vững tại Việt Nam vẫn còn nhiều rào cản. Về thu nhập của lao động làm công hưởng lương, năm 2016, mức thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương đạt gần 5,1 triệu đồng. Người lao động (NLĐ) có bằng ĐH trở lên có thu nhập cao nhất (7,4 triệu đồng/tháng); tiếp đến là lao động có bằng nghề (5,8 triệu đồng/tháng); lao động có bằng CĐ chuyên nghiệp và trung cấp chuyên nghiệp có thu nhập thấp hơn (tương đương là 5,3 triệu và 5,2 triệu đồng/tháng); lao động chưa qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật có mức thu nhập thấp nhất (4,2 triệu đồng/tháng).

Theo ước tính của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), khi cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra, 75% lao động ngành điện tử, 86% lao động ngành dệt may, da giày của Việt Nam có nguy cơ bị máy móc thay thế. Nguy cơ này có thể dẫn đến những thiệt hại không nhỏ về kinh tế, tạo gánh nặng cho chính sách an sinh xã hội.

Để thị trường lao động tránh được những nguy cơ nêu trên, các chuyên gia đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về lao động, việc làm. Chính sách này cần phù hợp với cơ cấu nhân khẩu học, trong đó ưu tiên tạo việc làm cho lao động sau tuổi nghỉ hưu. Chương trình giáo dục, đào tạo nghề cần được điều chỉnh theo hướng tiếp cận thị trường và nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp. Lao động phi chính thức cần được thúc đẩy chuyển dịch sang chính thức thông qua các chính sách ưu tiên, hỗ trợ về tín dụng, thuế, bảo hiểm xã hội, đào tạo nghề…

Các chuyên gia cũng khuyến nghị, nên đưa ra các giải pháp hữu hiệu hơn nữa trong việc bảo vệ quyền của NLĐ, xây dựng môi trường làm việc an toàn, bình đẳng giữa nam và nữ. Những người chuẩn bị bước vào tuổi lao động cũng như người trưởng thành cần được trang bị kỹ năng nghề nghiệp phù hợp. Đặc biệt, hệ thống an sinh xã hội cần bao phủ, tác động đến mọi đối tượng lao động, nhất là nhóm người nghèo và nhóm dễ bị tổn thương.

Nguồn: K.An/ báo NLĐ ngày 29/11/2017

.....


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét