Quyền lợi của NLĐ cần được bảo đảm bởi pháp luật (ảnh minh hoạ)
Theo Ban Chính sách - Pháp luật Tổng LĐLĐ Việt Nam, sau gần 2 năm thực hiện việc khởi kiện nợ BHXH ra Tòa án, các cấp CĐ đã tiếp nhận 2.705 bộ hồ sơ do cơ quan BHXH chuyển sang; 20 LĐLĐ tỉnh, thành phố đã gửi đơn khởi kiện đến các cấp Tòa án 187 vụ doanh nghiệp (DN) nợ BHXH (số còn lại không gửi nữa do không được thụ lý giải quyết).
Trong 187 vụ do CĐ khởi kiện, TAND các cấp đã hòa giải thành 28 vụ, tòa án cấp huyện ở 1 tỉnh (Long An) thụ lý 2 vụ, 48 vụ trả lại hồ sơ, số còn lại tòa án không thụ lý giải quyết với 3 nhóm lý do chủ yếu như: Không có giấy ủy quyền những NLĐ hoặc CĐ cơ sở, cho CĐ cấp trên cơ sở khởi kiện; không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án và đề nghị xem xét xử lý hành chính hoặc hình sự và đây là tranh chấp lao động tập thể về quyền chưa được Chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết. Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường cho rằng việc Tòa án không thụ lý các vụ khởi kiện nợ BHXH, do còn vướng mắc trong các quy định của pháp luật, đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi NLĐ, làm cho số nợ BHXH tiếp tục gia tăng.
Theo số liệu của Tổng LĐLĐ Việt Nam, hiện nay, các DN trốn đóng, nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp ước khoảng gần 12.000 tỉ đồng. Đặc biệt, hiện nay có khoảng hơn 2.000 tỉ đồng nợ BHXH từ các DN đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, tồn tại cầm chừng hoặc chủ DN bỏ trốn, không thể thu hồi, nghĩa là quyền lợi của hơn 193.000 NLĐ ở các DN này cũng bị "treo".
Liên quan đến vấn đề này, để bảo vệ quyền thụ hưởng của NLĐ và khắc phục những bất cập của Luật hiện hành, tại kỳ họp Quốc hội mới đây, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao cho Ủy ban các vấn đề xã hội phối hợp với các cơ quan có liên quan rà soát các quy định pháp luật hiện hành về xử lý vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, nhất là hành vi trốn đóng, nợ BHXH), nếu thấy có những quy định chưa cụ thể, còn có cách hiểu khác nhau, cần giải thích để thống nhất áp dụng, thì trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, giải thích pháp luật theo thẩm quyền. Nếu các quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo hoặc có khoảng trống, thì Quốc hội giao Chính phủ tổng hợp, trình Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung luật.
Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đề nghị BHXH Việt Nam, ngành lao động thương binh và xã hội, chính quyền các cấp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về trốn đóng, nợ BHXH theo thẩm quyền; Chủ tịch UBND cấp huyện quan tâm, giải quyết kịp thời các tranh chấp lao động tập thể về quyền theo quy định của pháp luật; Bộ Công an chỉ đạo công an các cấp nắm tình hình, phối hợp với tổ chức CĐ phát hiện, điều tra, đề nghị truy tố một số vụ án điểm về trốn đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ theo Điều 216 Bộ luật Hình sự.
Nguồn: T.Ngôn/ báo NLĐ ngày 23/11/2017
.....
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét