Thứ Hai, 18 tháng 12, 2017

Nhân viên (không có HĐLĐ) lấy 100 triệu đồng tiền bán hàng của công ty, phải làm sao?

Hỏi: Thưa các luật sư, cho tôi hỏi việc này nên giải quyết thế nào: Tôi có thuê 1 nhân viên bán hàng, đã làm việc 1 năm qua mà không có ký hợp đồng lao động. Nay nhân viên đó thu nợ và bán hàng hơn 100 triệu đồng mà không nộp cho công ty và đã tiêu vào việc khác. Nhờ các luật sư tư vấn giúp tôi phải xử lý thế nào. Xin chân thành cám ơn (Tr. M).

NLĐ chiếm đoạt trái phép số tiền lớn của NSDLĐ có thể bị xem là hành vi phạm tội (ảnh minh hoạ) 



Luật sư Trần Hồng Phong trả lời: 

Trước hết, việc người nhân viên làm việc tại công ty 1 năm, mà công ty vẫn chưa ký HĐLĐ, đồng nghĩa với việc NLĐ không được tham gia BHXH và các chế độ của NLĐ theo quy định của pháp luật, là công ty bạn đã sai. Dù vậy, vì hàng tháng người nhân viên vẫn làm việc và công ty vẫn trả lương, do vậy giữa hai bên thực chất tồn tại một quan hệ hợp đồng lao động. Nếu NLĐ sẽ tiếp tục làm việc, thì công ty phải ký HĐLĐ chính thức. Tuy nhiên cũng cần nói khả năng này là thấp, vì hành vi của người nhân viên - xét về quan hệ pháp luật lao động, là hành vi vi phạm kỷ luật, nếu áp dụng đúng thì sẽ bị "sa thải" (chấm dứt HĐLĐ).  

Mặt khác, việc không có/có HĐLĐ cũng không liên quan trực tiếp đến việc giải quyết số tiền 100 triệu đồng bán hàng mà người nhân viên đang "chiếm giữ".

Việc người nhân viên không nộp số tiền 100 triệu đồng, theo tôi đây là sai phạm ở mức độ khá nghiêm trọng. Cụ thể hơn, còn có dấu hiệu của hành vi phạm vào tội "Chiếm giữ trái phép tài sản" hoặc "Sử dụng trái phép tài sản" ( tài sản ở đây là tiền của công ty) - theo quy định tại Điều 141 hoặc Điều 142 Bộ luật hình sự năm 1999 (sắp thay thế bằng Bộ luật hình sự năm 2015). (Ghi chú: vì bạn không nêu chi tiết sự việc, không rõ người nhân viên có thủ đoạn gian dối hay không ... - nên tôi chỉ giả định theo tình huống đơn giản).

Cụ thể, người nhân viên với tư cách là "nhân viên" của công ty, đã đi thu nợ và nhận được tiền bán hàng. Thay vì phải giao cho công ty, thì lại tự ý chiếm giữ, rồi lấy sử dụng cho mục đích cá nhân của mình. (Xem điều luật bên dưới).

Về hướng giải quyết: công ty có quyền và có thể gửi Đơn tố cáo đến Cơ quan công an quận/huyện nơi công ty có trụ sở hoặc nơi người nhân viên cư ngụ. Nội dung đơn kể lại vụ việc, đề nghị cơ quan công an xem xét về trách nhiệm hình sự và yêu cầu người nhân viên trả lại số tiền 100 triệu đồng cho công ty. Cơ quan công an sẽ xem xét, đánh giá và giải quyết Đơn theo quan điểm và thẩm quyền của mình, bao gồm việc có truy cứu trách nhiệm hình sự hay không, tội gì? ...vv.  

Tuy nhiên, nhân đạo và nhẹ nhàng hơn, công ty có thể mời người nhân viên làm việc, yêu cầu trả tiền. Nếu hai bên thoả thuận được, thì có thể lập thành một Bản cam kết hay Bản thoả thuận, nội dung thể hiện rõ người nhân viên cam kết sẽ trả toàn bộ số tiền 100 triệu đồng cho công ty trong một khoản thời gian cụ thể (chẳng hạn là 1 tháng, hay 6 tháng). Sau này nếu người nhân viên không thực hiện đúng cam kết thì công ty có quyền kiện ra Toà án, yêu cầu trả cả số nợ gốc lẫn tiền lãi.

Trên đây là ý kiến mang tính nguyên tắc. Công ty bạn có thể cân nhắc và chọn hướng giải quyết phù hợp, hiệu quả nhất.

.......

* Quy định tại Bộ luật hình sự (năm 1999):

Điều 141. Tội chiếm giữ trái phép tài sản

1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hoá bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội chiếm giữ tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng trở lên hoặc cổ vật, vật có giá trị lịch sử, văn hoá có giá trị đặc biệt, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

Điều 142. Tội sử dụng trái phép tài sản

1. Người nào vì vụ lợi mà sử dụng trái phép tài sản của người khác có giá trị từ năm mươi triệu đồng trở lên gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm:

a) Phạm tội nhiều lần;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng;
d) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội gây hậu qủa đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến hai mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

* Quy định tại Bộ luật lao động (năm 2012):

Điều 126. Áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải

Hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong những trường hợp sau đây:

1. Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma tuý trong phạm vi nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe doạ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động;

2. Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương mà tái phạm trong thời gian chưa xoá kỷ luật hoặc bị xử lý kỷ luật cách chức mà tái phạm.

Tái phạm là trường hợp người lao động lặp lại hành vi vi phạm đã bị xử lý kỷ luật mà chưa được xóa kỷ luật theo quy định tại Điều 127 của Bộ luật này;

3. Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong 01 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 01 năm mà không có lý do chính đáng.

Các trường hợp được coi là có lý do chính đáng bao gồm: thiên tai, hoả hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và các trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét