Thứ Năm, 25 tháng 1, 2018

Đề xuất tự chủ thang bảng lương trong doanh nghiệp

Dự kiến doanh nghiệp sẽ được quyền tự chủ trong việc xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động, hạn chế sự can thiệp của Nhà nước trong thị trường lao động. Theo tờ trình Đề nghị xây dựng dự án Bộ luật Lao động sửa đổi mới đây, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội dự kiến sẽ hạn chế sự can thiệp của Nhà nước vào quan hệ của các bên trong thị trường lao động; tạo điều kiện để doanh nghiệp có quyền chủ động trong quản trị doanh nghiệp liên quan đến việc xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động trong sản xuất kinh doanh và giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.

Thu nhập cao sẽ động viên NLĐ làm việc tốt hơn (ảnh minh hoạ)

Hiện nay việc xây dựng thang lương, bảng lương nhằm báo cáo tới cơ quan nhà nước hoặc để làm cơ sở trích đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà không sử dụng như một công cụ để quản lý lao động, tiền lương trong doanh nghiệp chỉ là một biện pháp mang tính hình thức, không thực tế và làm tăng chi phí tuân thủ của doanh nghiệp .

Một trong những lý do nữa trong thực tế, tiền lương, thu nhập của người lao động thường cao hơn từ 2 đến 4 lần so với mức lương đăng ký trong thang lương, bảng lương. Việc gửi thang lương, bảng lương và định mức lao động cho cơ quan lao động cấp huyện gặp rất nhiều khó khăn trong thực tiễn vì hệ thống thang lương, bảng lương và định mức lao động của doanh nghiệp được thay đổi hằng năm cho phù hợp với tổ chức sản xuất, mô hình quản trị, thực tế về doanh thu và trình độ công nghệ.

Ngoài ra, các hướng dẫn về nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động, theo Nghị định 49/2013/NĐ-CP, còn cứng nhắc, chung chung và khó áp dụng đối với các loại hình doanh nghiệp khác nhau cũng làm khó khăn cho người lao động xây dựng được định mức lao động.

Bên cạnh đó, yêu cầu khi xây dựng thang, bảng lương cần lấy ý kiến Công đoàn cơ sở hoặc Công đoàn cấp trên cơ sở là khó thực thi trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp không có Công đoàn cơ cở.

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, thời gian dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến đối với dự án Bộ Luật vào kỳ họp tháng 5 năm 2019 của Quốc hội khóa XIV và thông qua dự án Luật vào kỳ họp tháng 10 năm 2019 của Quốc hội khóa XIV.

Nguồn: báo Kinh tế Sài Gòn ngày 24/1/2018

.........

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét