Thứ Ba, 19 tháng 6, 2018

Hỏi về trợ cấp thôi việc khi chấm dứt HĐLĐ


Hỏi: Kính chào Luật sư tư vấn Ecolaw. Tôi có vấn đề nhờ tư vấn như sau: Bạn tôi làm kế toán cho công ty TNHH từ tháng 05/2011, tháng 07/2011 công ty tham gia bảo hiểm nhưng chưa tham gia bảo hiểm thất nghiệp, đến tháng 05/2014 công ty tham gia đầy đủ bảo hiểm kể cả Bảo hiểm thất nghiệp. Ngày 14/04/2018 bạn tôi nộp đơn xin thôi việc kể từ ngày 31/05/2018; ngày 20/04/2018 công ty ký đơn đồng ý. Đến ngày 15/05 có kế toán mới bàn giao công việc. Ngày 31/05/2018 bạn tôi thôi việc nhưng vẫn thực hiện bàn giao công việc. Tuy nhiên có phần kế toán thuế thuê dịch vụ bên ngoài, chưa bàn giao chứng từ, công ty bắt bạn tôi phải chịu trách nhiệm liên hệ kế toán dịch vụ để bàn giao chứng từ. Công ty chưa trả lương cho bạn tôi. Luật sư cho hỏi, trong trường hợp của bạn tôi, tôi có thế yêu cầu công ty trả lương và trả trợ cấp thôi việc cho những năm công ty không đóng BHTN không? Cảm ơn luật sư. (C. Duong)

(ảnh minh họa)


Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Tình huống như bạn hỏi, xét về thời gian thì có lẽ bạn của bạn (tạm gọi là anh A) nay đã nghỉ việc tại công ty rồi. Và vẫn đang còn tồn một số việc, thủ tục cần giải quyết.

Trong thư, bạn nêu tình tiết về việc bàn giao công việc và quá trình công ty đóng BHXH, BHTN cho anh A. Điều đầu tiên mà tôi muốn lưu ý, là việc bàn giao công việc và việc giải quyết chế độ của NLĐ là hai vấn đề độc lập, không liên quan với nhau. Tức là phải giải quyết riêng rẽ. Trong mỗi vấn đề, mỗi bên có các nghĩa vụ và quyền lợi khác nhau. Bên nào bị xâm hại về quyền lợi, mà không đạt được thỏa thuận, thì có thể đưa đến tòa án để giải quyết tranh chấp. Ngược lại, bên nào vi phạm về trách nhiệm, thì có thể bị bên kia khiếu nại, hay thậm chí kiện ra Tòa, yêu cầu bồi thường thiệt hại ...vv.

Về câu hỏi của bạn, tôi có vài ý trao đổi như sau:

- Về tiền lương: Công ty có trách nhiệm phải trả lương cho anh A tính đến thời điểm nghỉ việc (chấm dứt HĐLĐ).

- Về khoản "trợ cấp thôi việc": theo thông tin của bạn, thì công ty không tham gia BHTN cho anh A trong quãng thời gian từ tháng 7/2011 đến tháng 4/2014. Tức là gần 3 năm. Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 48 Bộ luật lao động (2012) về trợ cấp thôi việc, quy định như sau:

- Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại khoản 3 Điều 36 của Bộ luật này (ghi chú: hai bên thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ) thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.

- Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.

- Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc.


Như vậy, nếu thông tin bạn nêu là chính xác, thì tôi cho rằng công ty có trách nhiệm trả cho anh A một khoản tiền "trợ cấp thôi việc" theo quy định ở trên - cho quãng thời gian anh A không tham gia BHTN. Tôi nghĩ anh A có quyền và nên làm việc với công ty về vấn đề này, theo quy định ở trên.

......

* Quy định tại Bộ luật lao động 2012:

Điều 48. Trợ cấp thôi việc


1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.

2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.

3. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc.

Điều 36. Các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động

1. Hết hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 192 của Bộ luật này.

2. Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.

3. Hai bên thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động.

4. Người lao động đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội và tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 187 của Bộ luật này.

5. Người lao động bị kết án tù giam, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án.

6. Người lao động chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết.

7. Người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết; người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.

8. Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải theo quy định tại khoản 3 Điều 125 của Bộ luật này.

9. Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 37 của Bộ luật này.

10. Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật này; người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc do sáp nhật, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp, hợp tác xã.

.......

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét