Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2018

Thử việc được 3 ngày thì xin nghỉ, có phải trả lương?

Hỏi: Công ty tôi muốn nhờ luật sư tư vấn trường hợp dưới đây: người lao động vào thử việc được 3 ngày bộ phận vận hành máy rồi xin nghỉ. Thực tế hai bên cũng chưa kịp ký hợp đồng thử việc, và 3 ngày này cũng chỉ đang giai đoạn đào tạo, chưa làm việc thực sự. Người này khi nghỉ cũng nói miệng đồng ý không cần trả lương. Vậy công ty có phải trả lương cho 3 ngày này cho người thử viêcj không? Nếu không trả thì có gặp rủi ro pháp lý nào không ah? (Ghi chú: thật ra không phải công ty tiếc số tiền phải trả, mà là tiếc công làm thủ tục thanh toán cho bạn này). Chân thành cám ơn. (Kh. T)

Thời gian thử việc lâu nhất không quá 60 ngày (ảnh minh hoạ)


Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Tình huống như của công ty bạn thực ra cũng không phải là hiếm. Khá nhiều trường hợp khi vào thử việc, NLĐ cảm thấy không phù hợp, không thích, nên ... muốn nghỉ luôn. Theo Điều 29 BLLĐ 2012, trong thời gian thử việc mỗi bên có quyền đơn phương huỷ bỏ thoả thuận mà không cần báo trước, nên trong trường hợp này công ty phải chấp nhận.

Về chuyện thanh toán tiền lương cho 3 ngày thử việc, về nguyên tắc thì công ty phải thanh toán. Nhưng ở đây người thử việc đã chủ động nói không cần trả lương, nếu công ty đồng ý như vậy, thì việc này cũng không có gì là trái với quy định của pháp luật. Vì đây là một giao dịch dân sự, pháp luật công nhận sự thoả thuận giữa các bên.

Mặt khác, thực tế cho thấy người thử việc cũng chưa thực sự làm việc cho công ty (đang giai đoạn đào tạo), nên tôi nghĩ việc không trả lương cho 3 ngày này cũng không có gì đáng lăn tăn cả.
.....

* Quy định tại Bộ luật lao động 2012:

Điều 26. Thử việc

1. Người sử dụng lao động và người lao động có thể thoả thuận về việc làm thử, quyền, nghĩa vụ của hai bên trong thời gian thử việc. Nếu có thoả thuận về việc làm thử thì các bên có thể giao kết hợp đồng thử việc.

Nội dung của hợp đồng thử việc gồm các nội dung quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, g và h khoản 1 Điều 23 của Bộ luật này.

2. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ thì không phải thử việc.

Điều 27. Thời gian thử việc

Thời gian thử việc căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc 01 lần đối với một công việc và bảo đảm các điều kiện sau đây:

1. Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;

2. Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.

3. Không quá 6 ngày làm việc đối với công việc khác.

Điều 28. Tiền lương trong thời gian thử việc

Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thoả thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.

Điều 29. Kết thúc thời gian thử việc

1. Khi việc làm thử đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động.

2. Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền huỷ bỏ thoả thuận thử việc mà không cần báo trước và không phải bồi thường nếu việc làm thử không đạt yêu cầu mà hai bên đã thoả thuận.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét