Thứ Năm, 14 tháng 6, 2018

Tự ý chấm dứt hợp đồng đào tạo có phải bồi thường?


Hỏi: Bạn tôi là vận động viên, được ký "Hợp đồng đào tạo và sử dụng vận động viên, xác định thời hạn là 5 năm. (không phải hợp đồng lao động). Nay anh ấy muốn chuyển sang thi đấu cho đơn vị khác, nên đã làm đơn chấm dứt hợp đồng và báo trước cho đơn vị chủ quản 3 ngày. Nhưng đơn vị chủ quản không chấp nhận đơn xin nghỉ việc của bạn tôi và bạn tôi nghỉ việc sau đó 3 ngày. Trong hợp đồng hai bên ký có điều khoản nêu: nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng sẽ bồi hoàn tất cả chi phí đào tạo. Xin hỏi: Bạn tôi chấm dứt Hợp đồng đào tạo như vậy là đúng hay sai? Bạn tôi có phải bị bồi hoàn theo các điều khoản hợp đồng hay không? Hình thức này có xử lý giống Hợp đồng lao động hay không? Xin được hồi âm. Xin cảm ơn nhiều (T. Nguyễn)


Việc đơn phương chấm dứt hợp đồng có thể bị xác định là hành vi "vi phạm hợp đồng" trong một số trường hợp cụ thể (ảnh minh họa)


Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Do không có điều kiện xem nội dung bản "Hợp đồng đào tạo và sử dụng lao động" (vì bạn không gửi kèm), nên những ý trao đổi của tôi dưới đây chỉ mang tính nhận định và tham khảo thôi bạn nhé.

Trước hết và điều quan trọng nhất trong trường hợp này, có lẽ là vấn đề chi phí đào tạo và bồi hoàn chi phí đào tạo.

Theo quy định của pháp luật, dù là trong lĩnh vực pháp luật lao động (đối với HĐLĐ) hay trong lĩnh vực pháp luật dân sự (đối với giao kết, thỏa thuận dân sự), việc các bên thỏa thuận về chi phí đào tạo và bồi hoàn chi phí đào tạo là không có gì trái luật. Hay nói chính xác hơn là được pháp luật công nhận. (Trong Bộ luật lao động 2012, có nêu khái niệm và quy định về "hợp đồng đào tạo nghề" và hoàn trả chi phí đào tạo - xem điều luật bên dưới)

Thứ hai, việc bạn của bạn (tạm gọi là anh A), đơn phương chấm dứt hợp đồng theo nhận định của tôi là có dấu hiệu vi phạm hợp đồng. Vì thông thường, trong một hợp đồng nói chung (dân sự hay lao động), sẽ có quy định về trường hợp mỗi bên được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Lý do có thể là do một bên vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của mình, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bên kia mà không khắc phục chẳng hạn. Còn thông thường, hợp đồng chỉ chấm dứt trước thời hạn khi cả hai bên cùng thỏa thuận, đồng ý. Ở đây, anh A tự ý nghỉ mà không có lý do rõ ràng nêu trong hợp đồng, trong khi phía cơ quan chủ quản không chấp nhận, nên có dấu hiệu anh A đã vi phạm hợp đồng.

Về nguyên tắc, khi một bên vi phạm hợp đồng, tức là có lỗi, thì phải bồi thường thiệt hại - nếu phát sinh thiệt hại từ hành vi vi phạm của mình, và bồi hoàn chi phí đào tạo - nếu hợp đồng có quy định về việc bồi hoàn chi phí đào tạo.

Tuy nhiên, việc bồi thường "toàn bộ" hay chỉ một phần chi phí đào tạo sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố và có thể thỏa thuận trong hợp đồng. Chẳng hạn như anh A ký hợp đồng có thời hạn 5 năm, nhưng đã cống hiến cho cơ quan chủ quan được 3 năm, thì mức bồi hoàn sẽ giảm theo tỷ lệ tương ứng. Tương tự, bồi thường "thiệt hại" phải là những thiệt hại có thật, chứng minh được.

Do hợp đồng giữa hai bên không phải là hợp đồng lao động và có dấu hiệu là hợp đồng dân sự, cho nên việc xử lý sẽ không giống như xử lý về hợp đồng lao động. Nếu như trong pháp luật lao động, hành vi tự ý nghỉ việc của anh A có thể xem như là hành vi vi phạm kỷ luật lao động, thì trong trường hợp này sẽ xác định là hành vi "vi phạm hợp đồng". Về nguyên tắc, những tranh chấp phát sinh trước hết hai bên nên cùng giải quyết, thỏa thuận được với nhau là tốt nhất. Trong trường hợp không tự giải quyết được, thì có thể đưa đến Tòa án để giải quyết theo quy định chung.

....

* Quy định tại Bộ luật lao động (2012):

Điều 62. Hợp đồng đào tạo nghề giữa người sử dụng lao động, người lao động và chi phí đào tạo nghề

1. Hai bên phải ký kết hợp đồng đào tạo nghề trong trường hợp người lao động được đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, đào tạo lại ở trong nước hoặc nước ngoài từ kinh phí của người sử dụng lao động, kể cả kinh phí do đối tác tài trợ cho người sử dụng lao động.
Hợp đồng đào tạo nghề phải làm thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản.

2. Hợp đồng đào tạo nghề phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Nghề đào tạo;
b) Địa điểm đào tạo, thời hạn đào tạo;
c) Chi phí đào tạo;
d) Thời hạn người lao động cam kết phải làm việc cho người sử dụng lao động sau khi được đào tạo;
đ) Trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo;
e) Trách nhiệm của người sử dụng lao động.

3. Chi phí đào tạo bao gồm các khoản chi có chứng từ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người học trong thời gian đi học. Trường hợp người lao động được gửi đi đào tạo ở nước ngoài thì chi phí đào tạo còn bao gồm chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt trong thời gian ở nước ngoài.




Gửi câu hỏi đến email ecolaw2@gmail.com - để được luật sư tư vấn (miễn phí). Nội dung và câu hỏi gửi đến càng chi tiết, đầy đủ, thì nội dung trả lời sẽ càng chính xác, hiệu quả.  Các câu hỏi - đáp (được mã hoá tên, địa chỉ để bảo mật) sẽ được đăng trên blog này để mọi người cùng tham khảo.


CLB Giám đốc nhân sự blog - địa chỉ tin cậy của mọi người

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét