Thứ Sáu, 17 tháng 8, 2018

Thử việc quá thời gian quy định: coi chừng bị NLĐ kiện!

CLBGĐNS: Bài viết dưới đây (nguyên văn) đăng trên Vnexpress ngày 17/8/2018, là góc nhìn và đánh giá của một người làm công tác nhân sự. Chúng tôi không bình luận bên nào đúng, sai. Mà đưa ra như một minh họa, về tranh chấp lao động liên quan đến tuyển dụng, thử việc. Nếu NSDLĐ không nắm rõ quy định của pháp luật, thì dù vô tình, rất có thể sẽ phải trả giá đắt. Các bạn có thể xem thêm bình luận của bạn đọc trong bài gốc (link cuối bài). 

<< Áp dụng đúng luật để tránh rủi ro, bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho tất cả các bên (ảnh minh họa)


......

8 công ty bị một thanh niên chưa bằng cấp 3 kiện ra tòa 

Nhân

8 công ty đều bị anh ta kiện ra tòa cùng một lỗi thử việc quá thời gian một tháng. Với kinh nghiệm làm nhân sự 5 năm, thời gian vừa qua thực sự với tôi như một cú sốc. Không phải vì tuyển dụng không được người mà tuyển nhầm một bạn lừa đảo. Câu chuyện của tôi dưới đây có thể như một lời cảnh tỉnh các bạn tuyển dụng qua hình thức giới thiệu, không kiểm tra kỹ thông tin ứng viên cho các vị trí cần thiết. Hy vọng sẽ không có nhiều công ty bị "kiện" lừa đảo như 7 công ty tôi quen biết đều dính chung một đối tượng này.

Tháng 11/2017, công ty tôi (lĩnh vực điện thoại di động) có một nhân viên nữ nghỉ sinh nên phải tuyển thêm người. Công việc mô tả đơn giản là biết tiếng Trung Quốc, có kỹ năng quản lý, chăm sóc khách hàng. Sau đó thông qua group tuyển dụng trên Facebook, một bạn nam đã tìm đến và ứng tuyển.

Hồ sơ xin việc của anh ta nhìn với nhiều kinh nghiệm, cùng với sự cần gấp người thay thế nên phòng nhân sự (HR) đã duyệt hồ sơ và nhận anh ta vào làm. Cái sai bắt nguồn từ bộ phận HR với suy nghĩ ứng viên nào ứng tuyển cũng đều có đủ bằng cấp (cấp 3, đại học, chứng chỉ...) nên HR đã vội gửi thư nhận việc với cam kết 2 tháng thử việc như bao người khác. Và việc công ty bị kiện bắt đầu từ đây.

Nghe hai tháng thử việc, nhiều bạn sẽ thấy bình thường nhưng pháp luật lại quy định với một số đối tượng, cụ thể là chưa tốt nghiệp cấp 3 thì thời gian thử việc chỉ được một tháng (Điều 27 Bộ luật Lao động 2012 và Điều 7 Nghị định 05/2015/NĐ-CP).

Sau đó, người này cố tình không nộp các bằng cấp cần thiết và chấp nhận đi làm. Đến tháng 12, khi bắt đầu gần tới một tháng thử việc, hắn bắt đầu tìm các lý do để công ty phải sa thải.

Với nhiều công ty khác mà tôi biết (do cùng đi kiện và được toà cho thêm thông tin) thì anh ta bày ra nhiều trò, như chiếm đoạt hộ chiếu, gây hấn, quấy rối. Còn với công ty tôi, anh ta lại chọn cách chửi khách hàng trên fanpage của công ty.

Tất nhiên với cộng đồng mạng, việc trên nhanh chóng bị phanh phui, anh ta nhận lỗi và bị sa thải sau gần 45 ngày làm việc (thử việc). Với xác nhận đuổi việc của mình, mọi thứ mới bắt đầu, anh tống tiền công ty vì dựa vào luật thì anh ta chỉ được thử việc 30 ngày do không có bằng cấp, rồi đòi tiền lương chính thức, bồi thường 5-7 lần số tiền lương... Đồng thời anh ta gửi đơn kiện lên toà án để gây sức ép.

Tất nhiên với việc sai thời gian lao động, nghĩa vụ công ty tôi đóng phạt cho Nhà nước là điều hiển nhiên, nhưng anh ta dựa thêm vào án phạt đó để kiện tiếp. Không chỉ công ty tôi mà tới 7 công ty khác cũng bị anh ta kiện cùng một lỗi thử việc quá thời gian một tháng. Toà án thì dựa vào luật, trong khi đối tượng phủ nhận đã ký đơn xin việc và đồng ý thử việc 2 tháng.

Có thể với nhiều bạn thử việc 2 tháng là bình thường, riêng ngành tôi là chuyên viên về di động thì chắc chắn không thể chỉ 30 ngày là quyết định được. Luật không phải ai cũng nắm những chi tiết nhỏ nhặt này. Hi vọng qua đây, nhiều bạn đang tuyển dụng sẽ lưu ý chiêu lừa đảo trên, rà soát và thêm kinh nghiệm khi tuyển dụng.

Nguồn: Vnexpress
.....

* Bài gốc trên Vnexpress:

>> 8 công ty bị một thanh niên chưa bằng cấp 3 kiện ra tòa

.......

Quy định về thử việc tại Bộ luật lao động 2012:

Điều 26. Thử việc
1. Người sử dụng lao động và người lao động có thể thoả thuận về việc làm thử, quyền, nghĩa vụ của hai bên trong thời gian thử việc. Nếu có thoả thuận về việc làm thử thì các bên có thể giao kết hợp đồng thử việc.
Nội dung của hợp đồng thử việc gồm các nội dung quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, g và h khoản 1 Điều 23 của Bộ luật này.
2. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ thì không phải thử việc.

Điều 27. Thời gian thử việc
Thời gian thử việc căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc 01 lần đối với một công việc và bảo đảm các điều kiện sau đây:
1. Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;
2. Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.
3. Không quá 6 ngày làm việc đối với công việc khác.

Điều 28. Tiền lương trong thời gian thử việc
Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thoả thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.

Điều 29. Kết thúc thời gian thử việc
1. Khi việc làm thử đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động.
2. Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền huỷ bỏ thoả thuận thử việc mà không cần báo trước và không phải bồi thường nếu việc làm thử không đạt yêu cầu mà hai bên đã thoả thuận.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét