Thứ Ba, 7 tháng 8, 2018

Tòa làm khó người lao động?

Quá trình người lao động khởi kiện đòi quyền lợi vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn vì những hành xử bất nhất của tòa. Tháng 12-2017, cho rằng bị Công ty TNHH Đại lý Sài Gòn Nhanh (quận 4, TP HCM) đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) trái luật khi đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, chị Nguyễn Thị Thùy Loan (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) đã nộp đơn khởi kiện ra TAND quận Bình Thạnh. Thế nhưng, vụ việc lại được đẩy qua đẩy lại giữa TAND quận Bình Thạnh và TAND quận 4 nên đến nay vẫn chưa xét xử.

<< Kiện tụng ra Tòa để bảo vệ quyền lợi trong nhiều trường hợp rất nhiêu khê, khó khăn cho phía NLĐ (ảnh minh họa)



Trái thẩm quyền, sai hình thức?

Theo trình bày của chị Loan, sau khi nộp đơn khởi kiện, ngày 19-12-2017, chị nhận được thông báo yêu cầu sửa đổi đơn yêu cầu và bổ sung tài liệu, chứng cứ từ TAND quận Bình Thạnh do thẩm phán Nguyễn Thị Hồng Thanh ký. Nhận thấy đơn khởi kiện đã đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại khoản 4, điều 189 Bộ Luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) và các yêu cầu sửa đổi, bổ sung không thuộc phạm vi luật định nên chị Loan đã 2 lần gửi đơn khiếu nại lên Chánh án TAND quận Bình Thạnh (ngày 28-12-2017 và 28-1-2018) nhưng không nhận được phản hồi.

Ngày 7-2-2018, chị Loan bất ngờ nhận được thông báo chuyển đơn khởi kiện. Theo đó, đơn khởi kiện của chị sẽ được chuyển cho TAND quận 4 giải quyết với lý do: Quan hệ pháp luật tranh chấp theo đơn khởi kiện của bà Loan là tranh chấp về đơn phương chấm dứt HĐLĐ theo quy định tại điểm a, khoản 1, điều 32 BLTTDS. Thẩm quyền trong trường hợp này là TAND cấp quận, huyện nơi đặt trụ sở của bị đơn theo quy định tại điểm c, khoản 1, điều 35 và điểm a, khoản 1, điều 39 BLTTDS và không thuộc trường hợp nguyên đơn có quyền lựa chọn tòa án. Một tháng sau đó, chị Loan nhận được thông báo trả lời đơn khiếu nại từ TAND quận Bình Thạnh do thẩm phán Dương Thị Thảo Trân ký. Nội dung khẳng định việc tòa yêu cầu chị Loan sửa đổi đơn khởi kiện và bổ sung tài liệu, chứng cứ là đúng quy định.

Theo luật sư Đặng Anh Đức, Giám đốc Công ty TNHH Luật Đặng và Cộng sự (TP Hà Nội), thông báo trả lời khiếu nại nói trên vừa trái thẩm quyền vừa sai về hình thức. Bởi theo quy định về giải quyết khiếu nại, một thẩm phán ngang cấp với bà Thanh không có thẩm quyền trả lời đơn khiếu nại của nguyên đơn. "Mặt khác, xét về thủ tục nhận và xử lý đơn khởi kiện (khoản 3, điều 191 BLTTDS) thì thẩm phán được phân công xem xét đơn khởi kiện chỉ được yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện hoặc chuyển đơn khởi kiện cho tòa án có thẩm quyền. Do vậy, trong trường hợp của chị Loan, thẩm phán Hồng Thanh vừa ra thông báo sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện vừa chuyển đơn khởi kiện sang TAND quận 4 là trái quy định pháp luật" - luật sư Đức nói.

Không có cơ sở

Ngày 22-3-2018, sau khi nhận đơn khởi kiện do TAND quận Bình Thạnh chuyển đến, TAND quận 4 đã mời chị Loan đến làm việc. Tại buổi làm việc này, nhận thấy việc chị Loan chọn tòa án nơi cư trú để yêu cầu giải quyết các tranh chấp về lao động là phù hợp với quy định tại điểm đ, khoản 1, điều 40 BLTTDS, TAND quận 4 đã ra thông báo chuyển đơn khởi kiện trở lại cho TAND quận Bình Thạnh.

Một tháng sau đó, thấy TAND quận Bình Thạnh vẫn "án binh bất động", chị Loan bức xúc gửi đơn khiếu nại đến Báo Người Lao Động. Cuối tháng 4-2018, Báo Người Lao Động đã chuyển đơn của chị Loan đến TAND quận Bình Thạnh theo yêu cầu của Chánh án Đỗ Minh Triều để được trả lời bằng văn bản nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.

Đáng ngạc nhiên là sau đó, vào ngày 31-5, ông Trần Văn Thăng, thẩm phán TAND quận 4, đã đến nơi chị Loan cư trú đòi niêm yết thông báo và đình chỉ vụ án vì mời 2 lần mà nguyên đơn vắng mặt. Chị Loan bức xúc: "Từ ngày 22-3 đến nay, tôi chưa hề nhận được bất cứ thông báo nào từ TAND quận 4. Chưa kể thông báo về việc TAND quận 4 thụ lý vụ án của tôi cũng mới được trao trực tiếp vào ngày 4-6. Trước nay, tôi chưa hề lựa chọn TAND quận 4 là nơi khởi kiện, vậy cơ sở nào TAND quận 4 tiến hành thụ lý đơn của tôi, trong khi trước đó chính TAND quận 4 đã trả đơn về TAND Bình Thạnh? Để giải tỏa những khúc mắc trên, tôi đã 6 lần gửi đơn khiếu nại đến TAND các cấp và VKSND TP nhưng chưa nhận được phản hồi nào". Theo chị Loan, dù biết rõ chị đã ủy quyền giải quyết vụ việc cho người khác nhưng mới đây, thẩm phán TAND quận 4 vẫn tiếp tục đến nơi cư trú của chị để chất vấn vì sao được tòa mời mà không lên.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sở dĩ TAND quận 4 tiếp nhận vụ việc là do có sự "thỏa thuận" giữa các tòa. Cụ thể, trong công văn gửi TAND quận 4 về việc chuyển lại đơn khởi kiện, TAND quận Bình Thạnh tiếp tục khẳng định tranh chấp vì bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ không thuộc trường hợp được quyền lựa chọn tòa án. Mặt khác, chế định về bồi thường thiệt hại khi chấm dứt HĐLĐ khác với chế tài bồi thường do đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật. Cho nên, việc TAND quận 4 xác định vụ án là "đơn phương chấm dứt HĐLĐ" nhưng căn cứ điều 40 BLTTDS để chuyển đơn khởi kiện cho TAND quận Bình Thạnh là không có cơ sở.

.......

* Ông TRẦN VĂN TRIỀU, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM:

NLĐ có quyền lựa chọn nơi khởi kiện


Điểm đ, khoản 1, điều 40 BLTTDS quy định: "Nếu tranh chấp về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt HĐLĐ, BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, quyền và lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương, thu nhập và các điều kiện lao động khác đối với người lao động (NLĐ) thì nguyên đơn là NLĐ có thể yêu cầu tòa án nơi mình cư trú, làm việc giải quyết. Như vậy, có thể hiểu không cần phân biệt là chấm dứt HĐLĐ hay đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật, chỉ cần thấy quyền và lợi ích liên quan đến việc làm bị vi phạm thì NLĐ có quyền chọn nơi cư trú để giải quyết. Việc tòa bác quyền lựa chọn nơi cư trú để khởi kiện của NLĐ không chỉ tạo tiền lệ xấu mà còn đẩy NLĐ vào cảnh khó khăn, bế tắc trong quá trình khởi kiện.

Nguồn: MAI CHI/ báo NLĐ

....

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét