Thứ Ba, 8 tháng 1, 2019

Làm việc linh hoạt, xu thế thích ứng với thời kỳ 4.0

LS. Trần Hồng Phong/

Sự phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật và công nghệ trong những năm gần đây đang ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có việc thay đổi cách thức làm việc của người lao động. Điều đáng mừng là sự thay đổi này giúp người lao động có thêm nhiều thời gian nghỉ ngơi, sáng tạo mà hiệu quả công việc không giảm, phía doanh nghiệp thì tiết kiệm được nhiều khoản chi phí. Mô hình làm việc linh hoạt đang được ngày càng nhiều doanh nghiệp áp dụng, ngay cả tại Việt Nam.

<< Mỗi cá nhân chỉ với một chiếc điện thoại thông minh và một chiếc máy tính xách tay kết nối wifi, có thể xem như có cả một văn phòng di động. Ảnh: T.L


Làm việc tại nhà, tiết kiệm mỗi ngày... hai tiếng đồng hồ chạy xe

6 giờ 30 phút, sau khi chở con đến trường, thay vì phải tiếp tục chạy xe đến công ty và đi qua cổng chấm công lúc 8 giờ, chị A. dự kiến sẽ ghé vào một quán cà phê máy lạnh gần nhà để “làm việc” đến khoảng 10 giờ 30 phút. Sau đó chị sẽ ghé vào chợ mua vài món về chuẩn bị cho bữa cơm chiều của cả nhà. Cả buổi chiều chị sẽ làm việc ngay tại nhà, sau đó lúc 17 giờ chị đi đón con từ trường. Với lịch biểu “làm việc” như vậy, chị A. cảm thấy khá thoải mái và tiết kiệm được hai tiếng đồng hồ chạy xe trong giờ cao điểm cho quãng đường khoảng 10km từ nhà đến công ty mỗi ngày. Mà chị vẫn được trả đủ lương và công việc thì vẫn hiệu quả!

Trên đây là tình huống có thật, đang được áp dụng tại một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở TPHCM, nơi chị A. đang làm việc với vị trí là nhân viên kế toán. Trong công ty chị, nhiều người tại các bộ phận khác nhau, như phòng nhân sự, tiếp thị, hay thậm chí cả thành viên trong ban giám đốc cũng đang làm việc theo hình thức như vậy.

Đó chính là mô hình lao động áp dụng chế độ “làm việc linh hoạt” về giờ giấc, hay còn gọi là “làm việc theo hiệu suất”. Điểm khác biệt quan trọng so với kiểu làm việc phổ biến hiện nay là người lao động không cần phải đến công ty mỗi ngày, trừ những cuộc họp định kỳ hàng tuần hay tháng. Đây cũng là một xu hướng mà ngày càng nhiều công ty áp dụng trong thời gian gần đây.

Tận dụng sự phát triển của khoa học, công nghệ

Sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, đặc biệt là các phương thức trong giao tiếp, kết nối, truyền dữ liệu và mạng xã hội - đã tác động và ảnh hưởng lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội toàn nhân loại. Trong đó có phương diện việc làm. Hình thức và cách thức làm việc hiện tại đã thay đổi và hiện đại hơn rất nhiều.

Nếu như những năm 1990, người ta còn dùng máy đánh chữ, ghi chép sổ sách bằng tay, gửi công văn nhanh nhất là dùng máy fax; thì đến những năm 2000, với sự phát triển mạnh mẽ của mạng Internet, các doanh nghiệp đối tác của nhau đã có thể liên lạc, làm việc thông qua thư điện tử (e-mail); giám đốc điều hành, chỉ đạo nhân viên thông qua điện thoại di động, hay chat - nhanh chóng và tiện lợi hơn rất nhiều.

Tại Việt Nam, nhiều văn bản pháp luật liên quan đến công nghệ, khoa học lần lượt ra đời. Như Luật Giao dịch điện tử (năm 2005), Luật Công nghệ thông tin (năm 2006), rồi Luật An toàn thông tin mạng (năm 2015), và gần đây nhất là Luật An ninh mạng (năm 2018), cho thấy vai trò ngày càng cao của khoa học công nghệ, tác động trực tiếp đến đời sống, việc làm.

Hiện nay, các doanh nghiệp có thể ký hợp đồng thương mại qua Internet, thậm chí gửi sản phẩm dịch vụ, dữ liệu kinh doanh qua mạng. Mỗi cá nhân, chỉ với một chiếc điện thoại thông minh và một chiếc máy tính xách tay kết nối wifi, có thể xem như có cả một văn phòng di động, hoàn toàn có thể kết nối và làm việc một cách thuận tiện, nhanh chóng từ bất kỳ nơi nào, thời gian nào, mà không nhất thiết phải đến công ty hay trực tiếp gặp mặt nhau.

Chính vì vậy, việc tận dụng, sử dụng khoa học công nghệ trong công việc, trong sử dụng lao động hẳn nhiên là một hướng đi thông minh, hợp lý mà ngày càng nhiều doanh nghiệp quan tâm, áp dụng.

Hiệu quả và tiết kiệm

Với công nghệ phổ biến hiện nay, người lao động làm việc trong một doanh nghiệp tại nhiều bộ phận hoàn toàn có thể dễ dàng giao tiếp, trao đổi công việc, hay họp hành trực tuyến qua mạng từ chính nhà mình. Rất nhanh chóng, trực tiếp.

Qua đó, đối với người lao động, sẽ tránh được việc đi lại, kẹt xe căng thẳng, mệt mỏi mỗi ngày, chưa kể tốn kém tiền xăng. Người lao động có thời gian nghỉ ngơi, dành cho gia đình, người thân nhiều hơn. Đối với doanh nghiệp, chắc chắn sẽ giúp tiết kiệm được đáng kể chi phí về thuê mặt bằng, mua sắm trang thiết bị, bàn ghế... Đồng thời cũng sẽ góp phần giảm thiểu đáng kể các phát sinh về làm thêm ngoài giờ, vốn gây phiền phức cho cả hai bên.

Theo tìm hiểu của tôi, nhiều người lao động thích và ủng hộ mô hình làm việc linh hoạt. Đặc biệt là giới trẻ, trình độ cao. Họ cảm thấy đỡ tù túng, trói buộc, chủ động về thời gian, độc lập tư duy và phát huy sáng tạo.

Các số liệu điều tra ở quy mô toàn cầu cũng cho thấy hiệu quả trong mô hình làm việc theo hiệu suất không hề thua kém so với hình thức làm việc toàn thời gian. Mà thậm chí còn tốt hơn, hiệu quả hơn. Mô hình này phù hợp với những doanh nghiệp có hệ thống phân phối rộng, có tính sáng tạo, nghiên cứu, hay các bộ phận trong công ty có tính độc lập.

Nhà nước khuyến khích

“Chính sách làm việc theo hiệu suất này được ban hành với mục tiêu nâng cao chất lượng đời sống nhân viên, giảm thiểu thời gian làm việc trên cơ sở vẫn bảo đảm tính hiệu quả, trách nhiệm và đồng bộ. Công ty hướng đến sự linh động tại nơi làm việc, thông qua các hình thức làm việc linh hoạt và đa dạng. Áp dụng chính sách này, nhân viên có thể chủ động kiểm soát và quản lý thời gian làm việc và nghỉ ngơi của mình, giúp cân bằng tốt hơn giữa công việc và cuộc sống cá nhân. Đây là một trong những giá trị mà công ty luôn theo đuổi: dinh dưỡng, sức khỏe và sống vui khỏe”.

Trên đây là lời nói đầu của chính sách làm việc theo hiệu suất mà một doanh nghiệp tại TPHCM vừa ban hành. Chính sách này được ra đời trên cơ sở vận dụng các quy định tại Bộ luật lao động, nội quy lao động và thỏa ước lao động tập thể, đã tham khảo ý kiến của đại diện người lao động.

Việc doanh nghiệp áp dụng mô hình làm việc linh hoạt không những không vi phạm pháp luật, mà còn được Nhà nước khuyến khích. Theo quy định tại Bộ luật Lao động hiện hành, thời giờ làm việc bình thường là không quá 8 giờ mỗi ngày và 48 giờ mỗi tuần. Như vậy, luật chỉ quy định khống chế thời gian làm việc tối đa và thậm chí còn khuyến khích doanh nghiệp cho người lao động có thời gian nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt.

Cụ thể, điều 4 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định: “Nhà nước khuyến khích những thỏa thuận bảo đảm cho người lao động có những điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật về lao động; tạo điều kiện thuận lợi đối với hoạt động tạo ra việc làm, tự tạo việc làm; có chính sách phát triển thị trường lao động, đa dạng các hình thức kết nối cung cầu lao động”.

Làm việc linh hoạt chính là một mô hình có tính chất bổ sung, khắc phục những hạn chế hoặc bất cập giữa các hình thức sử dụng lao động phổ biến hiện nay là: làm việc toàn thời gian, làm việc bán thời gian, cộng tác viên và lao động thuê ngoài. Xu hướng hiện nay là module hóa các công đoạn việc làm, trên cơ sở vận dụng và áp dụng các thành tựu khoa học, công nghệ, mang lại hiệu quả cao, tiết kiệm và tăng tính cạnh tranh.

....

Một số lưu ý khi áp dụng mô hình làm việc linh hoạt

1. Ban hành thành quy chế rõ ràng, có sự trao đổi, thống nhất với người lao động.

2. Cần có quy định về việc người lao động cam kết không làm cho bên thứ ba trong giờ làm việc chính thức hoặc phải có thỏa thuận trước về vấn đề này.

3. Cần có giải pháp bảo mật thông tin, dữ liệu khách hàng, tài liệu sở hữu trí tuệ... của doanh nghiệp khi người lao động làm việc tại nhà.

4. Không phải bất kỳ nghề nào hay bộ phận nào trong doanh nghiệp cũng có thể làm việc theo mô hình linh hoạt. Chẳng hạn như công nhân sản xuất, tiếp tân, bán hàng...

5. Nên có giai đoạn thử nghiệm trước khi áp dụng đại trà, để rút kinh nghiệm, điều chỉnh sắp xếp cho phù hợp với thực tiễn tại doanh nghiệp.

.......

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét