Thứ Năm, 23 tháng 5, 2019

NLĐ 1 năm trước khi nghỉ hưu có được làm thêm giờ không?

Hỏi: Thưa quý luật sư, công ty tôi xin hỏi đối với trường hợp NLĐ giảm giờ làm 1 năm trước khi nghỉ hưu, thì NLĐ này có được phép làm ngoài giờ không ạ? Ví dụ: 1. NLĐ giảm giờ làm bằng cách cộng dồn mỗi ngày 1 tiếng, rồi đến đủ 8 tiếng, họ sẽ nghỉ 1 ngày. Như vậy, mỗi ngày họ làm 8 tiếng, và nếu yêu cầu làm ngoài giờ thêm 4 tiếng nữa vậy họ phải làm 12 tiếng ngày hôm đó? 2. NLĐ giảm giờ làm bằng cách nghỉ mỗi ngày 1 tiếng, thì coi như ngày đó, họ làm có 7 tiếng, nếu có làm ngoài giờ, nếu yêu cầu làm thêm 4 tiếng, thì có nghĩa ngày đó họ phải làm 11 tiếng? Chúng tôi hiểu như vậy có đúng không? Và tôi cũngkhông thấy ý nghĩa của việc giảm giờ làm mỗi ngày dành cho người sắp nghỉ hưu. Nhờ quý luật sư tư vấn giúp, xin chân thành cám ơn. (Hoang. S.)

(ảnh minh họa)

Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Những thắc mắc của bạn, tôi có mấy ý trao đổi với em như sau:

Trước hết, việc giảm giờ làm cho NLĐ trước khi họ nghỉ hưu (được hiểu là 54 tuổi đối với LĐ nữ, 59 tuổi đối với LĐ nam - tại thời điểm hiện tại 5/2019) là quyền lợi của NLĐ, quy định trong Bộ luật lao động (Khoản 3 Điều 166 BLLĐ 2012). Mục đích và ý nghĩa của việc này còn là bảo đảm an toàn sức khỏe cho NLĐ.

Về việc làm thêm giờ (làm thêm ngoài giờ), thì luật chỉ quy định là "số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày", chứ không thấy cấm NLĐ trước khi nghỉ hưu không được làm thêm giờ. Như vậy, giả sử rằng cty có nhu cầu, và NLĐ cũng có nhu cầu làm thêm, thì hai bên có thể thỏa thuận về việc này, không có gì sai. Tuy nhiên cần lưu ý là: quan trọng nhất vẫn phải bảo đảm an toàn, sức khỏe cho NLĐ. Tức là chỉ nên làm thêm giờ ít thôi, giãn ra, chứ không phải cứ nhất thiết là phải làm đủ và tối đa theo đúng số giờ làm thêm mà luật cho phép. Chẳng hạn chỉ làm thêm 2 giờ/ngày, cách ngày...

Ngoài ra, mình cũng cần hiểu theo nghĩa "50% giờ làm việc bình thường trong 1 ngày" áp dụng cho NLĐ trước khi nghỉ hưu là 3,5 giờ, chứ không phải là 4 giờ như em nói. Vì lúc này thời gian làm việc của NLĐ mỗi ngày chỉ là 7 giờ (rút bớt 1 giờ).

Nói tóm lại: Công ty bạn vẫn có thể thỏa thuận, sắp xếp cho NLĐ dạng trước khi nghỉ hưu làm thêm giờ vì luật không cấm. Nhưng phía NSDLĐ cần theo dõi, bảo đảm an toàn sức khỏe cho NLĐ, làm thêm ít hơn và giãn cách thời gian - so với NLĐ bình thường. Không cho làm thêm những công việc có tính chất nặng nhọc, nguy hiểm.

...

* Quy định tại Bộ luật lao động 2012:

Điều 106. Làm thêm giờ

1. Làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường được quy định trong pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc theo nội quy lao động.

2. Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Được sự đồng ý của người lao động;
b) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 30 giờ trong 01 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm;
c) Sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động được nghỉ bù cho số thời gian đã không được nghỉ.

......


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét