Thứ Hai, 26 tháng 11, 2018

Đối tượng kết nạp/không kết nạp vào tổ chức Công đoàn

Ls. Trần Hồng Phong giới thiệu

Chúng ta biết rằng đoàn viên Công đoàn Việt Nam, là NLĐ làm việc tại các doanh nghiệp, tổ chức tự nguyện tham gia vào tổ chức Công đoàn Việt Nam (hay còn gọi là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam). Đoàn viên Công đoàn có quyền lợi và nhiệm vụ quy định tại Luật Công đoàn và Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Vậy đối tượng nào được kết nạp hay không được kết nạp vào tổ chức Công đoàn? Vấn đề này được quy định cụ thể tại văn bản Hướng dẫn số 238/HD-TLĐ ngày 04/03/2014 của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam về thi hành Điều lệ Công đoàn.

<< Nói chung tất cả NLĐ đều có thể tham gia vào tổ chức Công đoàn Việt Nam, trừ những người thuộc giới chủ (NSDLĐ) (ảnh minh họa) 


Theo quy định tại Điều 1 Điều lệ Công đoàn Việt Nam, đối tượng và điều kiện kết nạp, công nhận đoàn viên Công đoàn Việt Nam là: "Người lao động Việt Nam làm việc trong Cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức khác có sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động, Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam (sau đây gọi chung là Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp); người Việt Nam lao động tự do hợp pháp không phân biệt nghề nghiệp, giới tính, tín ngưỡng, tán thành Điều lệ Công đoàn Việt Nam, tự nguyện sinh hoạt trong một tổ chức cơ sở của Công đoàn, đóng đoàn phí theo quy định thì được gia nhập Công đoàn".

Cụ thể hơn, tại Hướng dẫn số: 238/HD-TLĐ ngày 04/03/2014 của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam về thi hành Điều lệ Công đoàn quy định về đối tượng kết nạp/không kết nạp vào tổ chức công đoàn như sau: (Ghi chú: tổ chức Công đoàn nói ở đây là "Công đoàn cơ sở" tại doanh nghiệp)

1. Đối tượng kết nạp vào tổ chức Công đoàn

Người Việt Nam đang làm việc, hưởng lương trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã theo quy định của Luật Cán bộ, Công chức, Luật Viên chức, Bộ luật Lao động bao gồm:

a. Cán bộ, công chức, viên chức, lao động đang làm việc trong các đơn vị sự nghiệp; cơ quan của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp. Riêng cơ quan xã, phường, thị trấn còn bao gồm cả những người hưởng định xuất lương, phụ cấp đang làm việc trong cơ quan Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội cấp xã, phường, thị trấn.

b. Người lao động làm công hưởng lương đang làm việc trong các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã.

c. Người Việt Nam đang làm việc trong các văn phòng đại diện của tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam.

d. Người Việt Nam lao động tự do, hợp pháp có nguyện vọng gia nhập công đoàn thì được kết nạp vào nghiệp đoàn.

đ. Những người được cơ quan có thẩm quyền cử làm đại diện quản lý phần vốn của Nhà nước, đang giữ các chức danh cán bộ lãnh đạo quản lý trong các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, các doanh nghiệp thuộc khu vực ngoài nhà nước, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

e. Ngoài các đối tượng trên có thể xem xét kết nạp các đối tượng sau đây vào công đoàn, nghiệp đoàn khi có đủ điều kiện:

- Người Việt Nam lao động tự do, hợp pháp, bao gồm những lao động cá thể được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề nhưng không thuê mướn lao động trong các ngành công nghiệp, giao thông vận tải, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, y tế...

- Người Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động được ký kết giữa các cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam với nước ngoài, có thời hạn một năm trở lên.


2. Đối tượng không kết nạp vào tổ chức Công đoàn

a. Người lao động có quốc tịch nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam.

b. Chủ doanh nghiệp, chủ tịch hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng thành viên, tổng giám đốc, giám đốc; người được ủy quyền quản lý doanh nghiệp hoặc ký hợp đồng lao động với người lao động trong doanh nghiệp thuộc khu vực ngoài nhà nước, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, bao gồm: phó chủ tịch hội đồng quản trị, phó tổng giám đốc, phó giám đốc, giám đốc nhân sự.

c. Hiệu trưởng, viện trưởng; phó hiệu trưởng, phó viện trưởng được ủy quyền quản lý đơn vị hoặc ký hợp đồng lao động với người lao động trong đơn vị sự nghiệp ngoài công lập.
d. Xã viên trong các hợp tác xã nông nghiệp.

đ. Người đang trong thời gian chấp hành các hình phạt tù theo quyết định của tòa án.

3. Những đoàn viên công đoàn nay là chủ doanh nghiệp, đơn vị thuộc khu vực ngoài nhà nước, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

1. Đoàn viên công đoàn nay thuộc đối tượng quy định tại điểm b, điểm c, mục 1.2 Hướng dẫn này thì thôi là đoàn viên công đoàn. Trường hợp có nguyện vọng tiếp tục được tham gia sinh hoạt công đoàn thì ban chấp hành công đoàn cơ sở xem xét và công nhận là đoàn viên danh dự.

4. Đối với đoàn viên danh dự

a. Được tham gia sinh hoạt công đoàn và các hoạt động do công đoàn tổ chức, được công đoàn khen thưởng theo quy định của Công đoàn. Là đại biểu mời dự đại hội toàn thể công đoàn cơ sở.

b. Không được biểu quyết và bầu cử khi tham dự các cuộc họp, hội nghị, đại hội của công đoàn. Không được ứng cử, đề cử để bầu cử vào các cơ quan lãnh đạo công đoàn các cấp và đại biểu dự đại hội đại biểu, hội nghị đại biểu công đoàn các cấp.

c. Khuyến khích trường hợp tự nguyện đóng đoàn phí và công đoàn cơ sở có trách nhiệm thu.

.........

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét