Thứ Hai, 18 tháng 11, 2019

Trong thời gian thử việc NLĐ có tham gia BHXH và có phải bồi thường nếu làm hư sản phẩm không?

Hỏi: Kính gửi luật sư, mong luật sư giải thích giúp các điều luật trong Bộ luật lao động 2012. Cụ thể: 1. Quy định tại Khoản 3, điều 186: Trường hợp thử việc có áp dụng trong điều luật này không? 2. Quy định tại Khoản 2, điều 29: Trường hợp người lao động làm hư sản phẩm có phải bồi thường không? Xin chân thành cám ơn. (Le. Q.)

<< NLĐ đang thử việc có quyền và nghĩa vụ hơi khác so với NLĐ chính thức (đã ký HĐLĐ" (ảnh minh họa)







Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Hai câu hỏi của bạn, chiếu theo quy định tại Bộ luật lao động, cụ thể là hai vấn đề sau đây:

1. NLĐ đang trong thời gian thử việc có phải/được tham gia BHXH không? hay thuộc trường hợp "NSDLĐ có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của NLĐ một khoản tiền tương đương với mức đóng BHXH, BHYT, BHTN" - theo quy định tại Khoản 3 Điều 186 BLLĐ 2012?

2. Trong thời gian thử việc, nếu NLĐ (đang thử việc) làm hỏng sản phẩm thì có phải bồi thường cho công ty/NSDLĐ không? Có thuộc trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 29 BLLĐ 2012: "Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền huỷ bỏ thoả thuận thử việc mà không cần báo trước và không phải bồi thường nếu việc làm thử không đạt yêu cầu mà hai bên đã thoả thuận" không?

Dưới đây là ý kiến trao đổi của tôi.

1. Người lao động trong thời gian thử việc không phải là đối tượng tham gia BHXH bắt buộc:

Tham gia BHXH là một trong những quyền và cũng là nghĩa vụ của NLĐ; cũng như của NSDLĐ. Khi NLĐ làm việc theo HĐLĐ tại doanh nghiệp, thì phải tham gia BHXH. Đối tượng tham gia BHXH bắt buộc được quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội.

Tính đến thời điểm hiện tại (năm 2019), những đối tượng sau đây phải tham gia đóng BHXH bắt buộc:

1. Người làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn, HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả HĐLĐ được ký kết giữa đơn vị với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

2. Người làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng (thực hiện từ 01/01/2018);

3. Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và viên chức;

4. Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu (trường hợp BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân bàn giao cho BHXH các tỉnh);

5. Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;

6. Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia BHXH bắt buộc vào quỹ hưu trí và tử tuất(thực hiện từ 01/01/2016);

7. Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

8. Người hưởng chế độ phu nhân hoặc phu quân tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài quy định tại Khoản 4 Điều 123 Luật BHXH.

Như vậy, có thể thấy NLĐ trong quá trình đang thử việc không phải là đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Điều này cũng đồng nghĩa với việc họ thuộc đối tượng được điều chỉnh theo quy định tại Khoản 3 Điều 186 BLLĐ 2012. Cụ thể là "người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và tiền nghỉ phép hằng năm theo quy định".

Cũng cần nói thêm là trên thực tế, có những doanh nghiệp tuy thời gian thử việc không cho NLĐ tham gia BHXH, nhưng khi NLĐ chính thức ký HĐLĐ với công ty, thì sẽ được công ty đóng/cho tham gia BHXH bao gồm cả thời gian thử việc. Việc này (nếu có), là không vi phạm quy định của pháp luật.

2. Việc NLĐ đang thử việc có phải bồi thường sản phẩm hỏng hay không là do sự thỏa thuận giữa hai bên theo nguyên tắc NLĐ có trách nhiệm tuân thủ quy trình sản xuất của doanh nghiệp:

- Trước hết, vấn đề "bồi thường" mà bạn hỏi và nêu tại Khoản 2 Điều 29 BLLĐ 2012 không phải là nói về bồi thường trách nhiệm vật chất (làm hỏng sản phẩm). Mà là việc "bồi thường" những chi phí, thiệt hại (nếu có) do phía NSDLĐ bỏ ra (chẳng hạn như tiền lương đã trả, các khoản tiêu hao vật tư, văn phòng phẩm ...) trong trường hợp NLĐ không đạt yêu cầu thử việc (không được ký HĐLĐ).

- Về nguyên tắc, đối với NLĐ bình thường (có HĐLĐ chính thức), nếu trong quá trình làm việc mà vi phạm quy trình sản xuất hay kỹ thuật, vi phạm nguyên tắc an toàn lao động ... dẫn đến hậu quả gây thiệt hại về tài sản cho NSDLĐ, thì dù là hành vi vô ý, cũng phải bồi thường thiệt hại (một phần hoặc toàn bộ). Đây là vấn đề "trách nhiệm vật chất" được quy định tại Điều 130 Bộ luật lao động 2012.

- Đối với trường hợp NLĐ thử việc, họ đang làm việc trong thời gian làm thử, chưa thực sự thuần thục và cũng chưa có kinh nghiệm trong công việc mà mình đang làm thử. Như vậy về mặt tay nghề, trình độ kỹ thuật và kinh nghiệm xử lý các tình huống chắc chắn sẽ không thể so sánh hay đòi hỏi ngang bằng như với NLĐ chính thức. Do vậy, nếu NLĐ thử việc được NSDLĐ đưa vào dây chuyền làm việc chính thức, hay đảm nhận vị trí công việc chính thức, về nguyên tắc phải có người hướng dẫn, kèm cặp và luôn có mức độ rủi ro (về thiệt hại tài sản của NSDLĐ) cao hơn so với NLĐ bình thường.

- Tùy theo tính chất và mức độ phức tạp, nhưng rõ ràng ai cũng hiểu là nếu công việc khó, đòi hỏi kỹ năng, trình độ hay kinh nghiệm thì thời gian thử việc sẽ lâu hơn và không thể đòi hỏi NLĐ phải đáp ứng quá nhanh được.

- Chính vì vậy, nếu phía NSDLĐ quyết định trao quyền cho NLĐ trong công việc mang tính chính thức, mà không có người hướng dẫn, kèm cặp ... đặc biệt là khi gữa hai bên trước đó không có trao đổi thỏa thuận trước, thì công ty không có quyền yêu cầu NLĐ thử việc phải bồi thường - khi họ vô ý làm hỏng sản phẩm do tay nghề kém. Trừ khi chứng minh được họ đã cố ý phá hoại/vi phạm quy trình kỹ thuật ...- thì mới có quyền yêu cầu phải bồi thường.

- Để rõ ràng hơn, tốt nhất trước khi giao việc làm thử, hai bên cần trao đổi thỏa thuận cụ thể về công việc làm thử, hướng dẫn quy trình, quy định và phía NSDLĐ nhất thiết phải cử người hướng dẫn, kèm cặp. Đặc biệt là trong thời gian 5-10 ngày đầu tiên. Việc thỏa thuận này nên quy định rõ trong Hợp đồng thử việc.

....

* Quy định tại Bộ luật lao động 2012:

Điều 186. Tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

1. Người sử dụng lao động, người lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và pháp luật về bảo hiểm y tế.

Khuyến khích người sử dụng lao động, người lao động thực hiện các hình thức bảo hiểm xã hội khác đối với người lao động.

2. Trong thời gian người lao động nghỉ việc được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, thì người sử dụng lao động không phải trả lương cho người lao động.
3. Đối với người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp thì ngoài việc trả lương theo công việc, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và tiền nghỉ phép hằng năm theo quy định.

Điều 29. Kết thúc thời gian thử việc

1. Khi việc làm thử đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động.

2. Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền huỷ bỏ thoả thuận thử việc mà không cần báo trước và không phải bồi thường nếu việc làm thử không đạt yêu cầu mà hai bên đã thoả thuận.

Điều 130. Bồi thường thiệt hại

1. Người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Trường hợp người lao động gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại nơi người lao động làm việc, thì người lao động phải bồi thường nhiều nhất là 03 tháng tiền lương và bị khấu trừ hằng tháng vào lương theo quy định tại khoản 3 Điều 101 của Bộ luật này.

2. Người lao động làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động hoặc tài sản khác do người sử dụng lao động giao hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép thì phải bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ theo thời giá thị trường; trường hợp có hợp đồng trách nhiệm thì phải bồi thường theo hợp đồng trách nhiệm; trường hợp do thiên tai, hoả hoạn, địch họa, dịch bệnh, thảm họa, sự kiện xảy ra khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép thì không phải bồi thường.

......

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét